Trong tôi không có khái niệm “chùn bước”, bởi ngoài danh dự của một người lính không được phép gục ngã thì sau lưng tôi là các đồng đội đang cùng tôi làm việc và sau mỗi đồng đội tôi là một gia đình…
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Phi Thường – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp CCB tỉnh Hải Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần CCB Hải Dương, Giám đốc Xí nghiệp Thương mại, Du lịch và Xây dựng 27/7, một cựu chiến binh với tỷ lệ thương tật lên tới 81%.
Không có khái niệm “chùn bước”
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Phi Thường cho biết: “Trong tôi không có khái niệm “chùn bước”.
“May mắn trở về từ chiến trường, nơi bao đồng đội của tôi mãi mãi nằm lại, dù thương tật của tôi ở mức rất ít người có thể sống tiếp, lên tới 81%. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, nếu mình đã may mắn được sống thì nhất định phải có trách nhiệm và thực hiện tiếp ước mơ của đồng đội mình. Thế nên tôi vẫn sẽ “chiến đấu” như đã từng chiến đấu dù ở bất cứ mặt trận nào”. – ông Thường chia sẻ.
Khi vừa trong 18 tuổi (1970), ông Hoàng Phi Thường đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ, gác lại ước mơ đại học. Trong ngày cuối cùng của trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ông bị thương, vỡ bờ vai và toàn bộ sườn phải. Do đó, ông được ưu tiên ra Bắc học tập. Tuy nhiên, với tinh thần xả thân vì Tổ quốc, ông đã quyết định xin quay trở lại đơn vị để được cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu tiếp.
Đầu năm 1973, trong một trận đánh ác liệt với quân địch tại cảng Cửa Việt, thuộc địa bàn huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Phi Thường bị thương lần thứ hai với hai vết thương ở đầu và vai trái. Do vết thương lần này quá nặng, ông phải nằm bất động tại Trại điều dưỡng thương binh tỉnh Quảng Bình suốt gần hai năm ròng.
“Khi chiến tranh xảy ra, lý tưởng của thanh niên chúng tôi lúc bấy giờ đơn giản lắm, chỉ là “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Khi ấy, được cầm súng ra chiến trường là chúng tôi hạnh phúc. Chúng tôi chỉ có một ước ao, một khát khao tột bậc, đó là hòa bình sớm được lập lại để đất nước được bình yên, để chúng tôi trở về với cuộc sống, để mọi người được ấm no, để những đàn em thơ được cắp sách đến trường” – ông Thường nói.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Hoàng Phi Thường xuất ngũ trở về địa phương với một cơ thể mang đầy thương tật. Tuy nhiên, không chịu đầu hàng trước số phận, ông đã đỗ Trường Đại học Luật với số điểm cao và được cử đi học tại Liên Xô (cũ). Về nước và được phân công làm việc tại Chi cục Thuế Hải Dương.
Nhưng khi đất nước đổi mới, ông đã xin nghỉ và ra ngoài để phát triển kinh doanh. Và thế là năm 1994, Xí nghiệp Thương mại, du lịch, xây dựng 27-7 do anh làm giám đốc chính thức ra đời. Từ chỗ chỉ hoạt động trên lĩnh vực du lịch, năm 1999, xí nghiệp tiếp tục mở rộng sang các ngành nghề mua bán ô tô, dịch vụ vận tải, xây dựng và phát triển lên thành Công ty Thương mại, du lịch và xây dựng 27-7.
Sau rất nhiều nỗ lực cố gắng, vượt qua không ít thử thách, hiện Công ty Thương mại, Du lịch và Xây dựng 27-7 tỉnh Hải Dương có hàng trăm đầu xe ô tô, máy xúc, máy ủi, với doanh thu hằng năm hơn 30 tỷ đồng. Và đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 công nhân, trong đó có 50% là bộ đội xuất ngũ, 40 lao động chính là thương binh, cựu chiến binh, cựu quân nhân, con em thương binh, liệt sĩ…, với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng và được đóng đầy đủ chế độ chính sách của nhà nước.
Ông Nguyễn Quang Sơn – Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, ông Hoàng Phi Thường có một nghị lực đúng như cái tên của mình vậy. Mặc dù sức khỏe không được tốt do thương tật, nhưng ông luôn bám nắm sâu sát tình hình công ty, đặc biệt, ông luôn tìm cách góp phần nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên.
Hết lòng vì đồng đội
Ông Hoàng Phi Thường tâm sự, lý do ông bỏ cơ quan nhà nước để chuyển hẳn sang kinh doanh, là do ông muốn dành hết tâm trí và sức lực còn lại để lo cuộc sống cho vợ, con, đồng thời có thêm cơ hội giúp đỡ con em các gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ. Các cháu học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường chưa có việc làm, nhất là con em của những đồng đội đã cùng vào sinh ra tử năm xưa đang có hoàn cảnh khó khăn.
“Tôi sống, thành đạt đến ngày hôm nay là nhờ biết bao đồng đội đã không tiếc thân mình hy sinh, che chở cho tôi. Cho nên, còn một phần sức lực tôi cũng sẽ không ngừng cống hiến, chung lưng đấu cật để giúp cho cuộc sống của anh em được tốt hơn. Và đó chính là động lực, lý tưởng và quyết tâm của tôi khi vận hành doanh nghiệp”. – ông Thường nói.
Mặc dù làm kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ông Hoàng Phi Thường vẫn dành nguồn lực hỗ trợ thường xuyên, lâu dài, nhận chăm sóc 2 Mẹ Việt Nam Anh Hùng đến cuối đời. Tháng 5/2019, ông Thường còn nhận trợ cấp suốt đời cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ hai Nguyễn Thị Thêu (500.000 đồng/tháng), sinh năm 1986 bị bệnh bại liệt, bố cháu là nạn nhân da cam và là bạn đồng ngũ, đồng môn ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà.
Không những thế, trong nhiều năm, vào dịp tết, các ngày lễ trọng đại của đất nước, nhất là ngày 27/7, 30/4… ông luôn dành nhiều phần quà trị giá hàng trăm triệu đồng cùng các tổ chức Hội đến thăm và tri ân cho đồng đội. Ông đã nhiều lần đến với vùng sâu, vùng xa, về với đồng đội đang đau ốm, truyền cảm hứng sống cho con cháu – những đứa con tật nguyền, bất hạnh, những mảng đời đau thương nghiệt ngã, sẻ chia làm vơi bớt nỗi đau da cam.
Những đóng góp của tôi còn rất nhỏ bé cho nên còn một phần sức lực tôi cũng sẽ không ngừng cống hiến, chung lưng đấu cật để giúp cho cuộc sống của anh em được tốt hơn, xứng đáng với danh hiệu “Thương binh tàn, nhưng không phế” – ông Thường nhấn mạnh.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn