CATSA là một trong những thương hiệu thời trang nội địa có chỗ đứng trên thị trường nhờ sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng. Có thời điểm, số lượng cửa hàng trên toàn quốc của hãng chạm mốc 40, doanh thu lên đến cả trăm tỉ đồng mỗi năm. Nhưng vào ngày 25/8 tới, nhãn này đóng cửa hoàn toàn.

Thời trang nhanh “độc hại”

Thời trang nhanh “bớt nhanh”

CATSA, nhãn thời trang 13 năm tuổi tại TP.HCM tuyên bố sẽ đóng cửa

Bà Nguyễn Thùy Linh Cát, Giám đốc CATSA, cho hay quyết định đóng cửa CATSA là một trong những quyết định khó khăn nhất cuộc đời. Bản thân bà cũng phải đấu tranh rất lâu trước khi đưa ra quyết định đóng cửa.

“Ngành thời trang nhanh không chỉ ‘nhanh’ trong vòng đời của sản phẩm mà còn cuốn tất cả những người trong ngành phải sống chạy đua với thời gian. Tôi nhận ra bản thân chưa bao giờ sống ở hiện tại. Mùa xuân vừa tới đã phải suy nghĩ về bộ sưu tập cho mùa thu đông. Làm thời trang nhanh tức buộc mình và đội ngũ phải liên tục cho ra mắt những chiến dịch lôi kéo khách hàng. Dần dần, tôi không còn cảm thấy hạnh phúc với công việc nữa”.

CEO CATSA Nguyễn Thùy Linh Cát cho biết chuyến đi đến Phú Quốc năm 2021 đã làm thay đổi tư duy của cô về thời trang.

“Tôi bị kẹt ở Phú Quốc 4 tháng vì Covid-19 với chỉ 7 bộ quần áo. Lúc đó, tôi nhận ra mọi người không cần nhiều quần áo đến vậy và thời trang nhanh rất có hại cho môi trường. Vậy mà, việc tôi đang làm lại là cố gắng để khách hàng mua càng nhiều quần áo càng tốt”, Linh Cát tâm sự.

Chia sẻ về hành trình sắp tới, chị Cát cho rằng bản thân sẽ không ngừng kinh doanh mà sẽ phát triển thương hiệu thời trang mới chú trọng đến việc giảm thiểu tiêu thụ và rác thải thời trang.

Vị doanh nhân cho biết sẽ tập trung xây dựng thương hiệu Catci – thương hiệu thời trang nữ bền vững mang phong cách tối giản, tập trung vào phát triển và nghiên cứu các chất liệu cao cấp, bền đẹp, thoát ra khỏi vòng xoay của thời trang nhanh.

Nhiều thương hiệu lớn cũng bắt đầu bớt “nhanh”

Thời trang nhanh “bớt nhanh”

Uniqlo mở cửa hàng “chủ soái” (flagship) ở châu Âu

Mới đây, Uniqlo cũng đang bắt đầu chuyển chiến lược từ “nhiều” sang “ít”, chú tâm vào chất lượng cửa hàng thay vì số lượng như trước. Họ mở cửa hàng “chủ soái” (flagship) ở châu Âu, đồng thời đóng nhiều cửa hàng không hiệu quả.

Cửa hàng “chủ soái” là những cửa hàng được đầu tư mạnh, thiết kế đẹp, cao cấp để thể hiện cho bộ mặt của một thương thiệu. Uniqlo đang muốn thể hiện mình là một thương hiệu “tốt, bền” thay vì là “thời trang nhanh” như trước, bằng cách dùng các cửa hàng bền vững. Hồi tháng 4, họ ra mắt cửa hàng chủ soái ở Rome (Ý) và Edinburgh (Anh). Trước đó, họ đã có cửa hàng chủ soái ở London (Anh), Milan (Ý) và Nice (Pháp).

Cuối năm ngoái, ông lớn H&M cũng bắt đầu ra mắt bộ sưu tập “cao giá” ở Tuần lễ Thời trang Paris, động thái mới nhất trong việc hướng đến thị trường cao cấp, tránh bớt thị trường bình dân là thời trang nhanh.

Theo nhà phân tích Nicolas Champ của Barclays, bộ sưu tập Rabanne cho thấy H&M đang cố gắng tạo ra sự khác biệt bằng cách nâng cao thương hiệu và đa dạng hóa phân khúc khách hàng của mình.

H&M khẳng định rằng họ vẫn đem đến cho người dùng những sản phẩm vừa thời trang, vừa chất lượng, đồng thời vẫn phục vụ tiêu chí phát triển bền vững và giá cả phải chăng.

Động thái của 2 ông lớn trên đã cho thấy thị hiếu của các khách hàng trên thế giới, đi đầu là châu Âu, đang bắt đầu chuyển mình, hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và có tính bền vững hơn. Do đó, “bớt nhanh” đang dần trở thành một chiến lược mới của các thương hiệu thời trang để có thể tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng hơn.