Monday, July 29, 2024

Cụ thể hóa điều luật, tránh áp dụng tùy nghi

Thực tế xét xử cho thấy có vụ án dù bị cáo đủ điều kiện được phạt tiền nhưng tòa không chấp nhận, song có những vụ tòa áp dụng pháp luật sai để tuyên hình phạt chính là phạt tiền thay phạt tù cho bị cáo.

Báo Thanh Niên số ra ngày 18.7 thông tin 10 bị cáo trong vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu tại Đồng Nai được TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt tiền, nhưng bị Viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy theo hướng không cho phạt tiền.
Cụ thể hóa điều luật, tránh áp dụng tùy nghi

TAND tỉnh Đồng Nai xét xử vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu

Lê Lâm

Đồng thời, bài viết cũng nêu trong một vụ án khác tại TP.HCM, tòa án cũng áp dụng hình phạt chính là phạt tiền đối với bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Theo điều 35 bộ luật Hình sự, phạt tiền chỉ áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp “người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng; người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do bộ luật này quy định”.

Như vậy, trường hợp người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình, thì về nguyên tắc sẽ không được áp dụng hình phạt chính là phạt tiền.

Tuy nhiên, thực tế xét xử, HĐXX vẫn áp dụng phạt tiền đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khi bị cáo đủ điều kiện áp dụng điều 54 bộ luật Hình sự (xử dưới khung hình phạt). Cụ thể, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 của bộ luật này.

Chẳng hạn, với 10 bị cáo trong vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu tại Đồng Nai, tòa đều áp dụng điều 54 để xử dưới khung và phạt tiền nhưng kháng nghị cũng nêu rõ 10 bị cáo đều không đủ điều kiện áp dụng điều 54. Hay vụ án đường dây buôn lậu laptop và iPhone từ Mỹ về VN bị triệt phá năm 2020, hồi tháng 7.2023, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt tiền bị cáo Bùi Hữu Lộc (quốc tịch Mỹ) 1,5 tỉ đồng về tội “buôn lậu”.

Bị cáo Bùi Hữu Lộc bị truy tố và xét xử ở khoản 4 điều 188 bộ luật Hình sự, phạm tội với vai trò chính trong vụ án. Tuy nhiên, HĐXX áp dụng 2 tình tiết giảm nhẹ là “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” do hàng hóa phạm pháp đã bị phát hiện thu giữ, chưa được đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường – tức điểm h khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự, và người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nên HĐXX áp dụng điều 54 bộ luật Hình sự để xử dưới khung hình phạt, và tuyên phạt tiền với bị cáo. Bị cáo Lộc bị tạm giam 3 năm 5 tháng 8 ngày.

Áp dụng tình tiết giảm nhẹ không đúng

Trong vụ án Bùi Hữu Lộc, tòa áp dụng 2 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Lộc, để từ đó bị cáo được áp dụng điều 54, xử dưới khung hình phạt và tuyên phạt tiền. Tuy nhiên, theo một thẩm phán, việc tòa áp dụng tình tiết giảm nhẹ là điểm h – phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại, là không đúng.

Vị thẩm phán này cho biết đến nay đã có rất nhiều bản án bị hủy do HĐXX áp dụng điểm h “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” đối với tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trong đó có tội “buôn lậu”.

Cụ thể, năm 2022, TAND cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM liên quan bị cáo Nguyễn Văn Hoan phạm tội “buôn lậu”. Bị cáo Hoan cũng bị truy tố, xét xử theo khoản 4 điều 188 (phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt 12 – 20 năm tù). Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM áp dụng 2 tình tiết giảm nhẹ theo điều 51, bao gồm điểm h “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại”, từ đó cho rằng bị cáo đủ điều kiện áp dụng điều 54 xử dưới khung, tuyên bị cáo Hoan 7 năm tù.

Xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM nhận định việc tòa sơ thẩm cho rằng hàng hóa bị cáo nhập khẩu trái phép chưa lưu thông được ra thị trường nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” đối với bị cáo là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Theo tòa cấp cao, hàng hóa chưa được đưa ra thị trường để tiêu thụ là do gặp sự kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng. Vì vậy, tòa phúc thẩm đã tăng án lên 9 năm tù đối với bị cáo Hoan.

Tương tự, trong vụ án bị cáo Trần Minh “vận chuyển hàng cấm”, TAND tỉnh Quảng Trị tuyên bị cáo này 4 năm tù. Song TAND cấp cao tại Đà Nẵng áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ là điểm h để tuyên phạt bị cáo Minh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Bản án phúc thẩm sau đó bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị hủy. Theo TAND tối cao, tòa phúc thẩm nhận định hàng lậu là thuốc lá đã bị bắt giữ, thu hồi toàn bộ nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm h “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật.

Phạt tiền thay phạt tù là nhân văn nếu áp dụng thống nhất

Cũng theo vị thẩm phán nói trên, đối với các tội phạm về kinh tế, trong khung hình phạt có cả hình phạt chính là hình phạt tiền và hình phạt tù thì lúc này, tòa án có thể cân nhắc, dựa trên tình hình tài sản và khả năng thi hành của người phạm tội mà có thể quyết định áp dụng hình phạt tiền nhằm đảm bảo vừa đủ tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa thể hiện tính nhân văn trong chính sách hình sự của nhà nước.

“Khác với hình phạt tù, để có thể quyết định áp dụng hình phạt tiền, tòa án ngoài việc căn cứ vào quy định của bộ luật Hình sự, hay cân nhắc vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, thì còn phải căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội theo như quy định tại điều 50 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017”, vị này nhấn mạnh và cho rằng phạt tiền là nhân văn nếu đúng quy định pháp luật, nhưng để tránh vận dụng sai hoặc có những trường hợp đủ điều kiện nhưng không được áp dụng thì cũng cần có nghị quyết hướng dẫn để cụ thể hóa điều 35 bộ luật Hình sự.

Theo tiến sĩ, luật sư Nguyễn Văn Long (Đoàn luật sư TP.HCM), chế định phạt tiền thay phạt tù trong bộ luật Hình sự cũng nhân văn như chế định án treo – biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Và hiện nay, quy định về áp dụng án treo, ngoài điều 65 bộ luật Hình sự, thì còn có 2 nghị quyết hướng dẫn áp dụng điều 65.

“Song với chế định về phạt tiền vẫn còn có nhiều bỏ ngỏ, quyền quyết định thuộc về thẩm phán nên việc áp dụng còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất dẫn đến tình trạng cùng một bối cảnh, cùng tính chất, mức độ hành vi và động cơ phạm tội mà lại có sự khác biệt lớn trong hình phạt được áp dụng dẫn đến việc không đảm bảo được tính bình đẳng trong xét xử, tạo khoảng cách trong hình sự hóa về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội: Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”, luật sư Long phân tích.

Từ đó, luật sư Long cho rằng cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất về phạt tiền thay phạt tù, đồng thời có những ràng buộc hơn trong thi hành án phạt tiền.

Gần nhất là trong vụ án “buôn lậu” đối với bị cáo V.T.H.Y do TAND TP.HCM xử sơ thẩm vào năm 2023. Bị cáo này bị xét xử ở khoản 3 điều 188, khung hình phạt có phạt tiền từ 1,5 – 5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 7 – 15 năm. Quá trình xét xử, bị cáo này có xin được phạt tiền thay phạt tù, nhưng HĐXX không đồng ý.

Hay như vụ bị cáo K.T.T phạm tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, TAND Q.Tân Bình (TP.HCM) xử phạt bị cáo này 2 năm 6 tháng tù. Sau đó, bị cáo T. kháng cáo xin chuyển hình phạt tù thành phạt tiền. TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm, xác định khung hình phạt của bị cáo T. có thể dùng hình phạt tiền là hình phạt chính; hơn nữa vợ bị cáo T. có đơn yêu cầu phong tỏa tài khoản tiết kiệm để đảm bảo việc thi hành án, nên tòa phúc thẩm chấp nhận.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi