Tỉnh nghèo Nghệ An vẫn duy trì vị trí thứ 3, trong nhóm 10 địa phương mua ô tô nhiều nhất cả nước, nửa đầu năm 2024, chỉ xếp sau tp Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, số lượng ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống, được khách hàng mua và đi đăng kiểm lần đầu tiên đạt 137.206 xe các loại, giảm 7,8% so với cùng kỳ 2023. Số liệu này bao gồm cả xe sản xuất lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu chính hãng, nhập khẩu không chính hãng…
Trong nhóm 10 địa phương mua ô tô nhiều nhất, tp Hồ Chí Minh vươn lên dẫn đầu với 21.169 xe, Hà Nội xếp thứ 2 với 21.099 xe, Nghệ An ổn định ở vị trí thứ 3 với 4.773 xe, Bình Dương xếp thứ 4 với 4.629 xe, Đồng Nai xếp thứ 5 với 4.409 xe, Thanh Hóa xếp thứ 6 với 3.999 xe, Hải Phòng xếp thứ 7 với 3.730 xe, Đà Nẵng xếp thứ 8 với 3.129 xe, Bắc Ninh xếp thứ 9 với 2.940 xe và Quảng Ninh xếp thứ 10 với 2.869 xe.
Trong nhóm dẫn đầu có 2 địa phương là Nghệ An và Thanh Hóa nhiều năm nay đều xếp vị trí cao về mua ô tô. Thu nhập bình quân đầu người 2 địa phương này chưa cao bằng các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh nhưng vị trí xếp hạng luôn duy trị vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng. Một số địa phương khác như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Nghệ An và Thanh Hoá nhưng không lọt vào top 10 địa phương mua ô tô nhiều nhất.
Thương hiệu xe đăng kiểm nhiều nhất thuộc về Toyota với 22.002 xe, tiếp theo là VinFast với 20.167 xe, Ford 16.770 xe, Hyundai 15.264 xe, Mitsubishi 14.885 xe, Kia 11.299 xe, Mazda 10.370 xe, Honda 10.168 xe, MG 4.508 xe và Suzuki 3.271 xe.
Mẫu xe được đăng kiểm nhiều nhất là VinFast VF 5 với 10.362 xe, tiếp theo là Mitsubishi Xpander với 8.311 xe, Ford Ranger 7.202 xe, Ford Everest 4.877 xe, VinFast VF e34 4.579 xe, Toyota Yaris Cross 4.059 xe, Hyundai Accent 3.950 xe, Mazda CX-5 3.924 xe, Toyota Vios 3.865 xe, Mitsubishi Xforce 3.661 xe.
Kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ô tô, số lượng ô tô con đăng kiểm tại Việt Nam nửa đầu năm 2024 vẫn tiếp tục giảm. Sức mua yếu, bất chấp mọi nỗ lực kích cầu, thị trường ô tô Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Nhiều thương hiệu ô tô có doanh số bán xe lớn như: Toyota, Huyndai, Kia, Mazda hiện vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng âm.
Năm 2023, số lượng ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống, được khách hàng mua và đi đăng kiểm lần đầu tiên đạt 296.745 xe các loại. Các dự báo cho biết cả năm 2024 số lượng xe đăng ký cũng chỉ tương đương với 2023, thấp hơn các năm 2021 và 2022.
Theo tính toán khi thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia đạt từ 3.000 USD trở lên thì bước vào giai đoạn ô tô hóa, thị trường ô tô sẽ tăng trưởng nhanh. Tại Việt Nam, GDP bình quân đầu người đã đạt ngưỡng trên 4.000 USD/năm, nhưng tỷ lệ sở hữu ô tô vẫn rất thấp mới đạt khoảng đạt 32 xe/1.000 dân. Hiện chỉ khoảng 7 số hộ gia đình tại Việt Nam sở hữu ô tô cá nhân. Cũng theo số liệu của Cục Đănng kiểm, cả nước mới có khoảng 6 triệu ô tô các loại đăng ký lưu hành. Con số này chỉ tương đương với ô tô của thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc).
Theo thống kê, mặt hàng chịu gánh nặng thuế, phí nhất hiện nay chính là ô tô cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Ô tô cá nhân đang phải chịu 3 loại thuế chính gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Đây đều là thuế gián thu, người mua xe phải trả. Ngoài ra là lệ phí trước bạ. Hơn nữa, các loại thuế, phí này còn bị đánh chồng lên nhau, nên thường chiếm từ 30-50% trong giá bán, tùy từng mẫu xe. Hiện chỉ có ô tô điện được ưu đãi với thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 3% và miễn lệ phí trước bạ.
Tính ra, giá ô tô Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước như Thái Lan, Indonesia và con số này còn lớn hơn nữa nếu so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản…
Với những tỉnh giàu, thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/người/năm, vẫn phải nhịn ăn tiêu khoảng 4 năm mới đủ tiền mua chiếc xe 500 triệu đồng, còn tỉnh nghèo thu nhập bình quân khoảng 70 triệu đồng/người/năm, cần thời gian nhiều gấp 2 lần. Ước mơ ô tô vẫn xa tầm tay đối với đa số người dân.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn