Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên ra Huế là tháng 6.1975. Mới hòa bình, sau những xáo trộn và chạy loạn ghê gớm, nhưng Huế vẫn rất nhẹ nhàng. Dường như người Huế đã quen với những tàn phá trong chiến tranh, nên họ khổ sở mà vẫn bình thản.
Vừa gặp bạn xong, chúng tôi đã nhảy ào xuống sông An Cựu tắm cho mát. Hồi đó sông vẫn còn khá trong xanh sạch sẽ, anh em tha hồ bơi lội. Trên nhà, anh Đồng cùng anh Quang Hà và Trần Phá Nhạc chuẩn bị bữa liên hoan mừng hội ngộ sau 5 năm xa cách. Bữa tiệc thật vui, kéo dài từ trưa tới tận khuya.
Buổi tối, có thêm Trịnh Công Sơn, Bửu Ý và vài người bạn Huế tới chơi, bữa rượu càng tưng bừng. Sau này, anh Trịnh Công Sơn nói bữa rượu chào Huế của chúng tôi “đậm chất Thủy Hử”. Cũng đúng vậy. Anh em văn nghệ từ chiến khu về gặp anh em văn nghệ trong thành, vui hồn nhiên như các bậc giang hồ trong Thủy Hử.
Hôm sau, tôi và Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai đi lang thang cho biết Huế. Thành phố quá dễ thương, nhất là khi chúng tôi ra tới Đập Đá, gặp một quán chè sát sông Hương có bụi trúc phía trước. Anh em tấp vào ăn chè. Có tới hơn 10 loại chè, mà loại chè nào cũng rất ngon, anh em chúng tôi không phải dân hảo ngọt mà ăn mỗi người tới 5 ly.
Nhìn Trần Vũ Mai mặt vuông chữ điền cắm cúi ăn chè, ngồi sát bụi trúc, lại nhớ câu thơ Hàn Mặc Tử “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Chẳng biết hồi xưa Hàn thi sĩ có ngồi ở quán này ăn chè không mà để lại câu thơ dễ thương đến thế.
Gặp Huế lần đầu, tôi cũng không ngờ, chỉ cuối năm 1975, tôi lại gặp Huế ở Hà Nội. Đó là một cô gái Huế dịu dàng mà tôi mới gặp đã thương ngay. Rồi chúng tôi yêu nhau. Rồi thành vợ thành chồng. Tôi chính thức là con rể của Huế. Từ năm 1976, tôi đã thường xuyên về Huế. Đứa con đầu lòng của vợ chồng tôi sinh ở Huế. Quê vợ tôi đã thành quê tôi.
Người ta nói Huế phát triển chậm. Nhưng vì là cố đô, nhiều khi phát triển chậm lại hay hơn phát triển nhanh. Huế vẫn giữ lại được căn cốt cổ điển của mình, một thành phố bị tàn phá dữ dội trong chiến tranh mà vẫn còn lại như ngày nay là kỳ lạ lắm.
Bây giờ, hàng năm cứ tới tháng 5 âm lịch, cả thành phố Huế lại cùng nhau cúng tưởng niệm “Ngày thất thủ Kinh đô”. Lễ cúng kéo dài hằng tuần, hương khói khắp các phố, không nhà nào không cúng. Đó là lễ cúng của cả thành phố, duy nhất trong cả nước.
Tôi thích những phố nhỏ ở Huế, mình cứ đi mà không sợ lạc, vì cứ nhắm hướng bắc là gặp sông Hương, nhắm hướng nam là chạm sông An Cựu. Thành phố bây giờ mở rộng hơn rất nhiều, nhưng không làm phai đi màu sắc những phố nhỏ ở trung tâm.
Nói tới Huế là phải nói ngay tới những món ăn kinh điển như bún bò Huế, bánh canh Huế, các loại bánh truyền thống của Huế như bánh nậm, bánh bột lọc, bánh khoái, bánh bèo, bánh ướt… Tính ra có tới hơn 15 món bánh Huế mà mỗi loại bánh ngon mỗi kiểu, kết lại thành một “hợp xướng bánh Huế” vừa độc đáo vừa dân dã.
Ngày tôi tới nhà bà chị cả của vợ tôi ở Huế, năm 1976 ấy, đời sống vô cùng khó khăn, bà chị chuyên làm bánh ướt để bán. Bánh ướt không khó làm nhưng làm cho ngon thì khó. Bà chị Bích làm món bánh ướt này cực ngon, bán rất chạy, đủ tiền nuôi cả một đàn con 9 đứa.
Còn bún bò Huế thì nổi tiếng khắp Việt Nam rồi. Tôi có đứa cháu gái ở Quảng Ngãi cứ lâu lâu lại chạy ra Huế chỉ để ăn bún bò Huế tại cố đô cho đã thèm. Đủ biết, sức hút của bún bò Huế ghê gớm thế nào.
Làm bánh truyền thống ở Huế hầu hết là những gia đình nghèo. Các loại bánh họ làm đều được bán với giá rẻ, vậy mà họ sống được nhờ nghề làm bánh.
Tương truyền ngày xưa các ông vua ở Kinh đô Huế thích ăn cơm với… muối. Nên mới sinh ra món ẩm thực… muối, có tới hơn 10 loại muối khác nhau để phục vụ trong Hoàng cung. Đủ biết, những món ngon ở Huế không phải sơn hào hải vị, mà món ngon hầu hết đều dân dã giản dị.
Đó là một nền tảng vững chắc để Huế làm du lịch, phục vụ cho vừa lòng đủ loại khách. Bây giờ mỗi lần ra Huế, tôi lại được các cháu vợ tôi mời những bữa cơm rau dưa ăn rất ngon và rất tốt cho sức khỏe, nhất là với những người lớn tuổi.
Huế dịu dàng thanh lịch, người Huế nói năng lễ độ, thành phố hôm nay xe ô tô cá nhân rất nhiều nhưng Huế vẫn không ồn ào. Khách du lịch bây giờ có thể đi chơi rất khuya, sáng đêm luôn cũng được. Chẳng bù với hồi trước, tôi rất ngạc nhiên vì người Huế tắt đèn đi ngủ sớm, mới 9 giờ đêm thành phố đã im lìm như chìm vào giấc mộng rồi.
Bây giờ Huế làm du lịch đã biết cách giữ khách. Không như nhiều năm trước, khách du lịch cứ lấy khách sạn ở Đà Nẵng rồi ra Huế chơi trong một ngày, sáng đi chiều về, không nghỉ lại. Huế thất thu du lịch vì như vậy.
Tôi ở Quảng Ngãi nhưng bây giờ vẫn ăn canh rau tập tàng Huế do đứa cháu dâu ngoan hiền từ Huế gửi vô. Không chỉ có mắm ruốc ngon, rau tập tàng ở Huế cũng rất ngon, đó là tổng hợp của nhiều loại rau dại, các mẹ, các chị hái rồi bán ở nhiều chợ nhỏ.
Huế cố đô dịu dàng và chân thật. Ngay giọng nói của người con gái Huế đã thể hiện đặc chất ấy của thành phố. Ngày sau hòa bình, bà chị vợ tôi mỗi lần đi chợ Đông Ba đều mặc áo dài, khiêm nhường và kín đáo. Không chỉ các em nữ sinh mới mặc áo dài đi học, những phụ nữ lớn tuổi cũng mặc áo dài đi chợ. Huế vậy đó.
Tôi nhớ đoạn mở đầu bài thơ dài rất nổi tiếng của cố nhà thơ Huế Trần Vàng Sao (tên thật là Nguyễn Đính), Bài thơ của một người yêu nước mình, viết thời chiến tranh chống Mỹ:
Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng…
Huế dễ thương như thế đó.
Huế từng là kinh đô (cố đô Huế) của Việt Nam dưới triều Tây Sơn (1788 – 1801) và triều Nguyễn (1802 – 1945).
Hiện nay, Huế là một trong những trung tâm về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ nổi bật của khu vực miền Trung nói riêng, cả nước nói chung.
Đây là thành phố hiếm hoi của nước ta sở hữu 5 danh hiệu UNESCO ở Việt Nam, bao gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Theo niên giám thống kê đến năm 2022, dân số tỉnh Thừa Thiên – Huế có hơn 1,1 triệu người (578.223 nam; 582.001 nữ). Trong đó có hơn 612.000 người sinh sống ở thành thị và hơn 547.000 người sinh sống ở vùng nông thôn.
Ngày 1.7.2021, Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27.4.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế chính thức có hiệu lực.
Sau khi điều chỉnh, thành phố Huế có hơn 265,99 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số hơn 652.000 người; 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã; tỉnh Thừa Thiên – Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, gồm 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; có 141 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 95 xã, 39 phường và 7 thị trấn.
Nguồn: thanhnien.vn