Ô tô nhập khẩu giá rẻ tràn vào

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 74.585 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng kim ngạch 1,55 tỷ USD. So với nửa đầu năm ngoái, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng 5,2% về số lượng nhưng giảm 6,4% về giá trị.

Indonesia là quốc gia cung cấp nhiều ô tô nhập khẩu nhất cho thị trường Việt Nam với 32.797 xe, giá trị kim ngạch đạt hơn 478 triệu USD. Thái Lan đứng thứ 2 với 23.736 xe, giá trị kim ngạch trên 463 triệu USD. Tính bình quân xe từ Indonesia nhập về Việt Nam có giá 14.583 USD/chiếc (tương đương với khoảng 360 triệu đồng); còn Thái Lan xe nhập có giá bình quân 19.453 USD/chiếc (tương đương với 470 triệu đồng). Indonesia và Thái Lan chiếm tới 56.533 xe, trong tổng số 74.585 xe nhập khẩu nguyên chiếc nửa đầu năm 2024.

Ô tô nhập khẩu áp đảo  sản xuất lắp ráp trong nước


Như vậy, lượng ô tô nhập khẩu có giá trị bình quân dưới 500 triệu đồng/xe, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số ô tô nhập khẩu nửa đầu năm 2024.
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy, doanh số bán xe nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024, của các doanh nghiệp thành viên, tốt hơn so với xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số ô tô nhập khẩu bán đạt 67.035 xe, còn ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đạt 67.849 xe. Doanh số ô tô nhập khẩu tăng 12%, trong khi xe lắp ráp trong nước giảm tới 15% so với cùng kỳ 2023.

Toyota Việt Nam trước đây là doanh nghiệp dẫn đầu về sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, nhưng đến nay, doanh số bán xe nhập khẩu đã áp đảo. Chẳng hạn tháng 5/2024 doanh số bán của Toyota đạt 5.496 chiếc, thì xe nhập khẩu nguyên chiếc chiếm tới 3.756 chiếc, xe sản xuất lắp ráp trong nước chỉ đạt 1.740 chiếc. Tháng 6/2024 cũng tương tự, Toyota đạt doanh số bán 5.178 chiếc, thì xe nhập khẩu chiếm tới 3.312 chiếc, xe sản xuất lắp ráp trong nước chỉ có 1.866 chiếc.

Ô tô nhập khẩu về Việt Nam, ngày càng có nhiều mẫu mã mới, lại được nhà phân phối ưu đãi lớn, nên có giá bán hấp dẫn, đã áp đảo xe lắp ráp trong nước. Sản xuất ô tô tại Indonesia và Thái Lan có chi phí thấp hơn 20% so với Việt Nam, lại được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, nên dễ dàng tràn vào. Giá nhập khẩu gần đây giảm, khiến cho xe sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh.

Ô tô nhập khẩu áp đảo  sản xuất lắp ráp trong nước

Tỉ lệ xuất xứ ô tô nhập khẩu vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024. Nguồn: TCHQ

Ô tô trong nước yếu thế

Các dự báo cho thấy, ô tô nguyên chiếc từ Indonesia và Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Hiện các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào Indonesia và Thái Lan, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu xe giá rẻ sang các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng ô tô sản xuất trong nước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 144.000 xe, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2023, thấp xa so với con số 190.500 xe của nửa đầu năm 2022. Với đà này, ước tính sản lượng ô tô sản xuất trong nước cao nhất chỉ đạt khoảng 350.000 xe cả năm 2024. Với sản lượng 350.000 xe/năm, chỉ tương đương với 50% công suất hoạt động của các nhà máy. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam rơi vào khoảng 700.000-800.000 xe/năm.

Nếu không có các giải pháp dài hạn hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô vươn lên, thì kết cục đáng buồn xảy ra là khó tránh khỏi. Việc hỗ trợ lệ phí trước bạ 50% cho xe sản xuất lắp ráp trong nước trong 6 tháng, chỉ mang tính tình thế. Hết hỗ trợ xe trong nước lại trở nên yếu thế trước xe nhập khẩu.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 1 triệu xe/năm, để phục vụ nhu cầu trong nước. Đây là “cơ hội vàng” cho ngành công nghiệp ô tô. Nếu không giành được cơ hội này, thị trường lớn sẽ thuộc về xe nhập khẩu. Khi đó, Việt Nam sẽ tiêu tốn mỗi năm khoảng 10 -12 tỷ USD để nhập khẩu xe nguyên chiếc phục vụ người tiêu dùng.