Wednesday, August 7, 2024

Hiểu thế nào về ‘tránh đưa ngữ liệu sách giáo khoa vào đề kiểm tra môn văn’?

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 – 2025, trong đó có lưu ý: ‘Đối với môn ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra’.

Hướng dẫn này của Bộ GD-ĐT không mới vì đã yêu cầu các trường áp dụng 2 năm qua khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, năm nay khi áp dụng với tất cả học sinh, đặc biệt ở lớp cuối cấp, đã có những ý kiến trái chiều, khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Hiểu thế nào về 'tránh đưa ngữ liệu sách giáo khoa vào đề kiểm tra môn văn'?

Học sinh trong giờ học môn ngữ văn theo chương trình mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Được lấy đoạn khác của văn bản được học nhưng không có trong sách giáo khoa?

Việc không đưa ngữ liệu trong sách giáo khoa vào đề kiểm tra môn ngữ văn là phù hợp với cách dạy và học của Chương trình GDPT 2018.

Trước hết cần hiểu những “văn bản, đoạn trích đã học trong sách giáo khoa” theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT là gì?

“Văn bản” ở đây có thể là một truyện ngắn, một văn bản thông tin, một bài thơ được trích tương đối trọn vẹn vào đề. Còn “đoạn trích” chỉ là một phần của văn bản thuộc thể loại nào đó khá dài. Như vậy, với yêu cầu trên, đề kiểm tra môn văn không được lấy ngữ liệu đã trích để học ở sách giáo khoa. Tuy nhiên vẫn được lấy đoạn khác của văn bản được học. Ví dụ với Truyện Kiều (thể loại truyện thơ), người ra đề không được lấy các đoạn trích đã học trong sách, nhưng có thể lấy một đoạn khác. Điều này thể hiện rất rõ ở đề thi minh họa môn văn của Bộ GD-ĐT cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sắp tới, khi đề cho một đoạn trích trong sử thi Đăm Săn. Sử thi này được học trong chương trình, và đoạn đề minh họa cho không có trong sách giáo khoa (của cả 3 bộ sách).

Cách dạy và học môn văn của Chương trình GDPT 2018 là dạy học theo hệ thống thể loại văn bản, lấy yêu cầu cần đạt và các tri thức ngữ văn làm thước đo. Học sinh khi học văn bản, không phải chỉ để hiểu thật sâu sắc nội dung và nghệ thuật của văn bản đó (như cách học của chương trình cũ), mà chủ yếu là kỹ năng đọc (và cả viết, nói, nghe) về đặc trưng của thể loại văn bản đó. Giúp các em biết cách vận dụng kỹ năng đã học để đọc được các tác phẩm khác, vốn phong phú bên ngoài cuộc sống.

Hiểu thế nào về 'tránh đưa ngữ liệu sách giáo khoa vào đề kiểm tra môn văn'?

Việc không đưa ngữ liệu trong sách giáo khoa vào đề kiểm tra môn ngữ văn là phù hợp với cách dạy và học của Chương trình GDPT 2018

ĐÀO NGỌC THẠCH

 

Triệt tiêu văn mẫu; tránh được lối học tủ, học vẹt

Việc không dùng văn bản trong sách giáo khoa cho đề kiểm tra văn môn văn đã được các trường từ THCS đến THPT áp dụng từ nhiều năm nay. Quan sát và thăm dò ý kiến học sinh, chúng tôi thấy hầu hết các em không gặp trở ngại gì lớn, dù lúc đầu hơi bỡ ngỡ, khó khăn do chưa quen. Nhiều em bày tỏ sự đồng tình, thích thú và có cảm hứng khi làm bài với văn bản mới.

Mặt tích cực rõ rệt mà giáo viên dạy văn nào cũng thấy được là đã triệt tiêu văn mẫu; tránh được lối học tủ, học vẹt, nạn đạo văn; hạn chế nạn quay cóp… Tuy vậy, việc định hướng ôn tập như thế nào trước khi kiểm tra, việc ra đề và xây dựng yêu cầu đáp án chấm ra sao để không gây khó khăn cho học sinh còn là những yêu cầu quan trọng.

Động thái trên của Bộ GD-ĐT ngay khi chuẩn bị bước vào năm học mới 2024 – 2025 là rất cần thiết. Quán triệt một lần nữa tinh thần đổi mới của đề thi môn văn, chuẩn bị cho giáo viên và học sinh có tâm thế chủ động với các kỳ thi quan trọng, đó là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi