Wednesday, August 7, 2024

Một vài suy nghĩ khi đọc tập thơ ‘Rumba xanh’ của nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu

Đọc Rumba xanh, tôi nhận ra đây là tâm tình của Nguyễn Lương Hiệu sau những năm tháng điêu linh xa xứ, anh gửi vào đó máu thịt của mình, bằng chữ nghĩa, trữ tình tự sự.

Từ Ngày thanh tân

Ngọt ngào và dịu êm với nhạc điệu Rumba, không chỉ nhạc mà còn là thơ, Nguyễn Lương Hiệu – tôi không biết định danh kiểu nào cho đúng, nhà giáo, nhà thơ, nhà báo…, bởi khi này khi khác, anh sắm nhiều vai mà vai diễn nào cũng tròn.

Thôi thì gọi anh là nhà thơ, khi anh đang làm thơ vậy. Kể chuyện bằng thơ trong tập Rumba xanh, theo tôi, bài nào cũng hay, khiến tôi nhớ Jorge Luis Borges từng nói: “Thời gian hủy hoại các lâu đài, nhưng lại làm giàu những vần thơ”.

Một vài suy nghĩ khi đọc tập thơ ‘Rumba xanh’ của nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu

Ảnh: P.Đ.S

Và, Ngày thanh tân mở đầu tập Rumba xanh làm sống lại “lâu đài thời gian” với không gian tình tự giàu cảm xúc. Trong khoảnh khắc riêng tư, như một thiền sư “hoát nhiên khai ngộ”, Nguyễn Lương Hiệu “Rùng mình, nghe tiếng đêm nức nở bằng sự linh thiêng quá khứ dội về“. “Quá khứ linh thiêng” là nơi anh chắt chiu những tình tự hồn quê, nơi “Mẹ tôi gánh nắng ban trưa băng qua cánh đồng ngược gió“, nơi cha “Mò mẫm cắm nụ mầm trên đất trung du“. Thiêng liêng hơn, khi ấy có chàng trai xứ Quảng hồn nhiên “nhặt nhạnh tiếng chim bỏ đầy túi áo. Về nhà rũ ra vô số những nụ cười“. Bất ngờ với tứ thơ hay lạ, “nhặt tiếng chim” mà “rũ ra vô số những nụ cười“…, trong đó có nụ cười của cha, nụ cười của mẹ, biến cái vất vả thành nụ cười hạnh phúc, “lâu đài thời gian” đã hiển lộ từ trang thơ. Tứ thơ ấy khiến tôi tưởng tượng Nguyễn Lương Hiệu đang hát thơ.

Những tưởng cuộc đời cứ bình yên, cứ hạnh phúc bước đi trên dòng thời gian vô tận. Nhưng không, “Cha mẹ thì thầm, sụt sịt với quê hương/Rồi, cha mẹ tôi lặng lẽ cầm lá dâu tằm, mảnh lụa Mã Châu…“. Nguyễn Lương Hiệu lúc ấy, “đôi mắt tuổi thơ tôi tròn xoe tiếng súng. Chiến tranh thay đổi mọi thứ, rủi may, may rủi hằn trên số phận một dân tộc, mỗi một phận người. Và Nguyễn Lương Hiệu cũng vẽ lại một tương lai mới, “Rộn rã thêm tiếng thoi dệt cần cù/Cha mẹ tôi dệt quá khứ vào tương lai/Dệt đêm vào ánh sáng/Dệt vào tôi tiếng chim ríu rít lồng lộng gió xanh…“. Để nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu hôm nay “Từ trong gánh gió mẹ tôi rực rỡ/Từ trong dáng ngồi cha tôi linh thiêng/Tôi mang theo mưu sinh cuộc sống…”. Nguyễn Lương Hiệu “dấn thân”, trải qua những ngày tháng mưu sinh tìm cho mình sự “thanh tân” dù không dễ. Anh một ngày “thanh tân” úp mặt “vào sông quê” ký ức, tìm lại vết thời gian hiển lộ niềm vui.

đến Trăng ngọc

Trăng ngọc là bài thứ 42/46 trong tập Rumba xanh. Dẫu trong Trăng ngọc có đề từ “Bài viết mừng cháu nội chào đời” tưởng như chuyện của riêng tác giả, nhưng đọc Trăng ngọc thấy phảng phất niềm vui của tôi, của chúng ta trong đó. Bởi Nguyễn Lương Hiệu nhạy bén khi đưa đồng dao vào mở đầu bài thơ “Hăm tám thế nào/Hăm chín thế ấy/Ba mươi không trăng”… Trăng chỉ là cái cớ để anh bày biện cảm xúc rằng lòng anh “vành vạnh“, chữ “vành vạnh” nói hộ anh niềm vui sướng tột cùng, cảm xúc tột cùng của việc chào đón một đứa trẻ ra đời.

Thượng đế ban tặng cho Nguyễn Lương Hiệu một “đóa hồng nhung“. Anh đón nhận với tất cả niềm hân hoan “sáng tối ánh sao khuê“. Cháu đã là thơ, là viên ngọc trong anh, đã tinh luyện từ tiền kiếp, từ những đau đáu ngàn xưa mà thành: “Nâng niu hạt ngọc long lanh nguyệt lộng/ Thiêm thiếp mắt nhìn về tận núi sông/Bắt gặp dấu chân nhiệm màu ánh sáng”… để nâng niu, ao ước như mẹ Phù Đổng một thời mong con “hóa thánh“. Tình tự đời người, yêu dấu mang theo, ai cũng như anh, cuộc hồng trần dẫu trăm cay ngàn đắng vẫn mong có ngày “nâng niu hạt ngọc long lanh“.

Và, kết thúc bài thơ nhưng mở ra đời sống con người: “Trăng ngọc mở đầu/Mồng sáu thật trăng”. Một cuộc trường sinh tuyệt vời, một tuyệt tác của thượng đế, một tặng vật quý báu dành cho anh (cho tôi và chúng ta thấp thoáng).

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi