Hôm qua (1/8) tròn 300 ngày xảy ra xung đột tại dải Gaza giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas. 300 ngày đã qua. Tuy nhiên, cuộc xung đột chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà thậm chí còn có nguy cơ lan rộng, mang theo nỗi thống khổ cho nhiều bên, đặc biệt là những người dân Palestine sinh sống ở dải Gaza.
Hôm qua, nhiều thành viên các gia đình những con tin Israel bị lực lượng Hamas bắt giữ đã tụ tập tại thủ đô Tel Aviv. Họ cùng nhau dựng lên một biến báo có con số 300, tượng trưng cho 300 ngày xung đột ở Gaza và thả đèn lồng lên trời.
Mọi người đã cùng nhau cầu nguyện cho cuộc xung đột ở Gaza sớm chấm dứt và người thân của mình có cơ hội được quay trở về nhà: “Tôi không nghĩ cuộc xung đột ở Gaza có thể kéo dài đến vậy. Nhiều người thậm chí còn nghĩ rằng sự kiện này sẽ kết thúc ngay lập tức. Rất nhiều con tin đã bị bắt giữ và việc chờ đợi thông tin người thân của mình liệu có được trả tự do không quả thực là một thử thách đối với bất kỳ ai trong chúng ta.”
“Chú tôi đã bị giam giữ 300 ngày. Chú tôi đã 79 tuổi. Chú không khỏe và chúng tôi không có thông tin gì về chuyện đã xảy ra với chú. Chúng tôi chỉ biết rằng chú đang ở trong đường hầm ở Gaza”.
300 ngày đã qua và hiện vẫn chưa có con số chính xác về việc có bao nhiêu con tin Israel đã được trả tự do. Theo số liệu thống kê từ hãng tin Reuters, có khoảng 120 con tin Israel vẫn bị giam giữ ở Gaza, trong đó 43 người được cho là đã chết, sau khi khoảng một nửa trong số này đã được thả trong lệnh ngừng bắn vào tháng 11 năm ngoái.
Trong khi đó theo tờ Nhật báo Phố Wall, số con tin Israel vẫn còn sống ở dải Gaza sau khi bị lực lượng Hamas bắt giữ có thể chỉ còn 50 người. Nhiều con tin được cho là đang bị giam giữ tại các khu vực đông dân cư hoặc bên trong các đường hầm phức tạp của Hamas, khiến việc giải cứu trở nên phức tạp và đầy rủi ro. Trước đó, Israel đã thực hiện một cuộc đột kích vào tháng 2/2024 và giải cứu được 4 con tin. Đổi lại, chiến dịch giải cứu cũng đã khiến 74 người Palestine thiệt mạng.
Ở chiều ngược lại, cuộc xung đột ở dải Gaza đã gây một hậu quả thảm khốc cho người Palestine và những người dân sinh sống ở dải Gaza. Theo thống kê, sau hơn 10 tháng xung đột, đã có 40.000 người Palestine và 1.400 người Israel thiệt mạng. Không chỉ gây ra hậu quả thảm khốc về người, cuộc xung đột còn tàn phá nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng và kéo theo nạn đói nghiêm trọng tại vùng đất nghèo khó này.
Trong cuộc họp báo nhân 300 ngày xảy ra xung đột, Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc tại các vùng lãnh thổ Palestine, ông Andrea De Domenico hôm qua đã bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở dải Gaza và Bờ Tây. Tại cuộc họp báo, ông Domenico cho biết trong 10 tháng qua, ông đã chứng kiến sự kiệt quệ hoàn toàn về thể chất và tinh thần của toàn bộ người dân ở Gaza và Bờ Tây. Những khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện sống cơ bản đã khiến nhiều căn bệnh có thể phòng ngừa như bệnh bại liệt có cơ hội quay trở lại vùng đất này.
“Thật không may, chúng tôi đã ghi nhận các trường hợp dương tính trên các mẫu lấy từ nước thải của bệnh bại liệt. Bạn có thể đã nghe điều này. Và các đồng nghiệp của WHO và cộng đồng nhân đạo đang làm việc khi chúng ta nói về việc đưa ra một kế hoạch để đối phó với bệnh bại liệt.
300 ngày đã qua kể từ khi cuộc chiến Gaza nổ ra song đến nay, cuộc xung đột này vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu mà thậm chí đang có nguy cơ lan rộng toàn khu vực.
Nguồn: vov.vn