Thursday, August 8, 2024

Pháo hoa sắt – màn biểu diễn nguy hiểm và độc đáo của Trung Quốc

​Nói đến pháo hoa không thể không nhắc đến Trung Quốc, bởi với nhiều người đây là cường quốc nổi tiếng về pháo hoa trên thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này đến nay vẫn lưu giữ một loại hình biểu diễn dân gian vô cùng nguy hiểm, nhưng cũng không kém phần đặc sắc. Đó là “đả thiết hoa” (đả hoa sắt) hay trình diễn pháo hoa từ sắt đun nóng chảy.

Loại hình biểu diễn dân gian “pháo hoa sắt” này được các nghệ nhân Trung Quốc phát hiện trong quá trình đúc đồ sắt từ thời cổ đại. Theo các tài liệu do nước này công bố, đả thiết hoa có từ thời Bắc Tống và phát triển mạnh mẽ vào thời Minh, Thanh, có lịch sử hơn một nghìn năm.

Pháo hoa sắt được biểu diễn ở nhiều vùng đất thuộc trung và hạ lưu sông Hoàng Hà, trong đó phổ biến nhất ở tỉnh Hà Nam và Sơn Tây.

Thành phố Tấn Thành, tỉnh Sơn Tây từ xa xưa đã là quê hương của than và sắt. Đây cũng là một trong những cái nôi sản sinh ra nghề luyện sắt và thép ở Trung Quốc. Công việc hàng ngày đã khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo cho người dân nơi đây và trình diễn pháo hoa sắt đã ra đời.

Phát huy văn hóa truyền thống, thôn Tư Đồ ở Tấn Thành đã dàn dựng một chương trình biểu diễn hoành tránh mang tên “Ngàn năm hồn sắt” với 108 người tham gia và vừa được ghi vào kỷ lục Guinness thế giới hồi tháng 4.

Ông Chu Tiểu Minh, Bí thư chi bộ thôn Tư Đồ, cho biết toàn bộ buổi biểu diễn do những người nông dân và nghệ nhân địa phương lên ý tưởng và dàn dựng. Không dừng lại ở đây, trong thời gian tới, ông và những người dân trong làng sẽ sớm cho ra mắt một sân khấu pháo hoa sắt hoành tráng hơn, hiện đại hơn, đẹp mắt hơn với các màn biểu diễn kết hợp nhiều nét văn hóa địa phương trong năm nay.

Nếu như trước kia có người gọi hình thức trình diễn này là “pháo hoa của người nghèo”, thì nay ông Chu Tiểu Minh lại không cho là như vậy: “Đả thiết hoa không phải pháo hoa của người nghèo, mà là sự lãng mạn riêng có của người Trung Quốc. Bởi giờ đây, chi phí biểu diễn không hề rẻ, một buổi lên tới 30.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng).”

Để tạo ra pháo hoa sắt đủ tiêu chuẩn, sắt nóng chảy phải được nấu từ sắt nguyên chất, chứa nhiều lưu huỳnh và phốt pho, với nhiệt độ lên tới 1.600 độ C. Người nghệ nhân khi biểu diễn sẽ mặc những bộ quần áo bảo hộ, đội mũ bảo hiểm và tập trung cao độ để tránh làm mạt sắt rơi xuống gây thương tích.

Dụng cụ để hất sắt nung chảy lên cao là một chiếc muôi gỗ lớn ngâm nước lạnh 3 ngày để chúng không thể bị đốt cháy ngay lập tức khi nhúng vào kim loại nóng. Bên cạnh đó, nhiệt độ chênh lệch cũng tạo ra những vụ nổ tí tách ngay từ khi người thợ nhúng muôi vào kim loại nóng.

Là người đã biểu diễn đả thiết hoa hơn 20 năm, nhưng ông Trương Kiến Quốc vẫn phải thừa nhận đây là một hình thức biểu diễn nguy hiểm: “Nguy hiểm chứ. Mất khoảng 1 tuần để có thể học được cách đả thiết hoa. Chỉ cần không sợ nóng, không sợ bỏng, thì sẽ học được. Còn nếu sợ thì cả đời cũng không học được. Mỗi buổi biểu diễn cần khoảng 4-5 tấn sắt nóng chảy”.

Theo truyền thống dân gian, pháo hoa sắt thường được trình diễn vào dịp Tết Nguyên đán hay Rằm tháng Giêng đề cầu chúc một năm mới bình an hạnh phúc, vụ mùa bội thu, may mắn, thành công.

Từ năm 2008, loại hình biểu diễn này đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Trung Quốc. Ở thôn Tư Đồ, các buổi biểu diễn đả thiết hoa được tổ chức hàng đêm tại một khu du lịch, giải trí, kết hợp với biểu diễn thực cảnh mang tên ST Garden. Sau 10 năm xây dựng, những nghệ nhân “đả hoa sắt” ở đây đã biểu diễn hơn 2.000 buổi, đón hơn 13 triệu lượt du khách và đào tạo được hơn 1.000 người kế thừa loại hình trình diễn pháo hoa dân gian độc đáo này.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi