Theo các chuyên gia, hiệu ứng carry trade không trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu, chỉ gián tiếp tác động thông qua ảnh hưởng tâm lý trong ngắn hạn.
Các chuyên gia cho rằng, yếu tố nội tại của kinh tế vĩ mô, của thị trường chứng khoán là rất tích cực trong trung và dài hạn. Các nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng, bởi đâu đó vẫn tiềm ẩn những rủi ro biến động từ thị trường thế giới.
Một bài viết của Bloomberg cho biết đồng Yen Nhật vẫn đang là đồng tiền được ưa chuộng trong hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất carry trade. Trong loại hình giao dịch này, nhà đầu tư vay đồng Yen với lãi suất siêu thấp để mua đồng USD, hưởng lãi suất cao hơn. Trong vòng 1 năm qua, carry-trade mang lại lợi tức 18% cho nhà đầu tư. Sức hấp dẫn của carry-trade hứa hẹn một cuộc đấu dai dẳng giữa một bên là BOJ và một bên là các nhà giao dịch theo đuổi chiến lược này.
Ngày 31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ đã tăng lãi suất từ 0,1 điểm % lên 0,25%. Động thái này khiến đồng Yen mạnh lên, trong khi kỳ vọng Fed giảm lãi suất lại khiến đồng USD suy yếu. Tỷ giá USD và Yen từ đó cũng giảm xuống, nếu như 1 tháng trước để mua 1 USD cần hơn 160 Yen thì giờ chỉ cần khoảng 145 Yen. Hệ quả của đồng Yen tăng giá là gì? Những nhà đầu tư vay đồng Yen khi ở giá thấp sợ hãi. Họ sợ đồng Yen sẽ còn tăng giá trị của mình hơn nữa khi BOJ tăng lãi suất, và vội vàng bán tháo tài sản để trả nợ.
Theo dữ liệu từ ngân hàng thanh toán quốc tế BIS, tổng giá trị vay Yen hiện nay đang lên tới 328.000 tỷ Yen tương đương hơn 2.200 tỷ USD. Nghe thì có vẻ lớn nhưng trên thực tế, chỉ có 1 phần nhỏ trong con số 2.200 là khoản vay của các nhà đầu tư cá nhân.
“Trong 2.200 tỷ USD thì các cá nhân vay riêng lẻ chỉ khoảng hơn 500 tỷ USD, nếu mang bán thị trường vẫn hấp thu được và thị trường có cơ hội để bán. Yếu tố giảm điểm của thị trường chứng khoán Nhật hoặc Mỹ mang yếu tố chu kỳ và nhiều cái khác chứ carry trade không phải hoạt động chính”, ông Vũ Duy Khánh – Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán SmartInvest cho hay.
Theo giới quan sát, bản thân các nhà đầu tư carry trade đã đóng trạng thái một cách quyết liệt từ cuối tuần trước và thêm phiên thứ 2 vừa qua.
Bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng Giám đốc Điều hành khối Đầu tư Chứng khoán – CTQL Quỹ VinaCapital cho biết: “Các nhà đầu tư carry trade họ cũng đã nhận ra xu hướng của ngân hàng Trung ương Nhật Bản là tăng lãi suất dẫn đến họ đã bắt đầu đóng lại vị thế này rồi. Chúng tôi tin rằng hoạt động đóng vị thế bán khống đồng Yen sẽ không còn tiếp dục diễn ra quá mạnh mẽ. Nói cách khác các nhà đầu tư bán khống đồng Yen họ đã trở về gần như trạng thái trung lập”.
Dù BOJ tăng lãi suất nhưng hiện vẫn thấp hơn lãi suất ở Mỹ tới 5% vì vậy theo các chuyên gia hiệu ứng carry trade không trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu mà chỉ dán tiếp tác động thông qua ảnh hưởng tâm lý trong ngắn hạn.
Thực tế cũng đã chứng minh, phiên hồi phục hôm nay của VN-Index và Nikkei 225 cùng nhiều sàn chứng khoán châu Á khác đã cho thấy, tâm lý của nhà đầu tư dường như đã cân bằng trở lại và không còn quá quan tâm đến động thái carry trade.
Nguồn: vtv.vn