Wednesday, August 7, 2024

Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tuyên án 21 năm tù

Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt là 21 năm tù.

Ngày 5.8, sau 2 tuần xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, và đồng phạm.

Chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn

Giữ vai trò chủ mưu, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt là 21 năm tù. Cùng tội danh, 2 em gái của Trịnh Văn Quyết là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS, lần lượt bị tuyên 14 năm tù và 8 năm tù.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tuyên án 21 năm tù

Các bị cáo nghe tòa tuyên án

PHÚC BÌNH

Với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), 6 năm 6 tháng tù; bị cáo Lê Hải Trà, cựu Phó tổng giám đốc HOSE, 5 năm tù; bị cáo Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó tổng giám đốc HOSE, 5 năm 6 tháng tù.

Với tội công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, bị cáo Lê Công Điền, cựu Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước, bị tuyên 36 tháng tù; 2 bị cáo Dương Văn Thanh, cựu Tổng giám đốc và Phạm Trung Minh, cựu trưởng phòng thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán VN, bị tuyên lần lượt 24 tháng và 18 tháng tù nhưng đều cho hưởng án treo.

Các bị cáo còn lại là cựu lãnh đạo, nhân viên các công ty thuộc “hệ sinh thái” FLC, kiểm toán… bị tuyên thấp nhất 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 8 năm 6 tháng tù.

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Quyết và bị cáo Huế liên đới bồi thường hơn 1.700 tỉ đồng cho các nhà đầu tư (NĐT) mua cổ phiếu ROS. Bị cáo Quyết cũng phải liên đới truy nộp hơn 680 tỉ đồng, được xác định là khoản tiền thu lợi bất chính từ hành vi thao túng chứng khoán. Hiện các bị cáo đã nộp hơn 260 tỉ đồng để khắc phục.

HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin của NĐT cũng như thị trường chứng khoán…

Nhà đầu tư được bồi thường thế nào ?

Bản án xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã thực hiện thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng. Bị cáo Quyết còn chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn Công ty CP xây dựng FLC Faros (Công ty Faros), đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán HOSE, sau đó bán cho NĐT, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.

Do không biết cổ phiếu ROS bị nâng khống giá trị, hơn 25.000 NĐT đã bỏ tiền mua, vì thế được xác định là bị hại. Tòa cho rằng về nguyên tắc các bị cáo sẽ phải bồi thường số tiền ban đầu mà NĐT bỏ ra mua cổ phiếu bị nâng khống. Nhưng thực tế có NĐT mua nhiều lần, người mua giá cao, người mua giá thấp, việc giao dịch kéo dài trong nhiều năm… Để đảm bảo công bằng, các bị cáo chỉ phải bồi thường cho các NĐT dựa trên số tiền đã nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán ra thị trường, tương ứng số cổ phiếu họ còn nắm giữ. Theo tính toán của tòa, với các bị hại mua cổ phiếu ROS lần đầu, giá trị bị nâng khống là hơn 7.200 đồng/cổ phiếu. Với những NĐT được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, giá trị bị nâng khống là hơn 5.400 đồng/cổ phiếu.

Hiện có 85 bị hại cho biết đã được gia đình bị cáo Quyết bồi thường, các bị cáo sẽ phải tiếp tục bồi thường cho số bị hại còn lại. Những người chưa có yêu cầu bồi thường có thể yêu cầu nội dung này trong vụ án dân sự khác. Với các NĐT đã mua nhưng sau đó bán cổ phiếu ROS cho người khác, họ được quyền tự thỏa thuận về việc hoàn trả giá trị bị nâng khống, nếu không thỏa thuận được thì có quyền đề nghị giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi