Ở ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) có 2 ngôi nhà xưa nổi tiếng. Đó là nhà Hương chủ Dược họ Lê và nhà ông Nguyễn Văn Thường. Khi chúng tôi tìm đến nơi thì được biết nhà của Hương chủ Dược đã dỡ bán cho người khác.
Nhà ông Nguyễn Văn Thường xây dựng đầu thế kỷ 20, nằm cạnh lộ nhựa chạy song song với rạch Cần Thơ – con rạch nhỏ thông thương cho ghe xuồng đi về hướng Cần Thơ. Ngày xưa, ngôi nhà do ông Nguyễn Văn Mao xây dựng. Người thừa kế là ông Thường, cháu nội, nhưng đã qua đời. Hiện nay ngôi nhà do ông Nguyễn Quang Tảo, con trai ông Thường, trông coi, gìn giữ.
Ông Tảo trước làm công nhân lò gạch ở Sa Đéc, nay đã nghỉ hưu. Ông cho biết mình là cháu cố của ông Nguyễn Văn Mao, xưa làm nghề mua bán cau khô, một mặt hàng nổi tiếng thời đó ở Sa Đéc. Theo giới thương hồ đi mua bán ở vùng biên giới, ông Mao mua một bộ giàn trò (khung nhà) từ một căn nhà cũ đem về. Mấy năm sau, ông mua thêm gỗ rồi mướn thợ dựng nhà. Công trình đang dở dang thì ông Mao đột ngột qua đời. Bấy giờ, ông nội của ông Tảo, năm ấy tuổi còn trẻ, không rành việc xây cất nên việc làm nhà chủ yếu dựa vào thợ.
Năm 1910, khi dựng lại ngôi nhà, những người thợ đã đôn tán chân cột, nâng cột hàng hiên lên cao hơn nhà cũ. Bao lam, hoành phi và các tác phẩm mỹ thuật thì mướn thợ miền ngoài vô làm. Nghe kể lại, bấy giờ, cả gia đình thợ tới ăn ở tại chỗ và làm 2 – 3 năm mới xong. Ngôi nhà khá thấp. Cột hàng hiên chỉ có 2,6 m, cấu trúc theo lối nhà rường Nam bộ với 3 gian, 2 chái, nền nhà lát gạch da quy. Mái nhà lợp ngói âm dương, đặc biệt lợp theo tỷ lệ 7 – 3, tức 3 phần hở, 7 phần ngói, chứ không lợp tỷ lệ 5 – 5 như những ngôi nhà khác nên không bị dột. Các bộ phận kiến trúc như cột, kèo, xiên, trính đến các phần trang trí như bao lam, hoành phi, liễn đối đều bằng gỗ mun và căm xe nên rất chắc chắn.
Đặc biệt, các cây cột được tạo dáng khá cầu kỳ. Chân cột gọt đẽo thành hình cổ bồng, trái bí. Các đầu cột nối thanh kèo chạm hình cá hóa long. Mặt dưới thanh kèo được chạm viền hoa văn kỷ hà chữ nhật. Phía trong chạm cách điệu dây lá và hoa mai hóa lân, sen hóa quy, cúc hóa phượng, phật thủ hóa long… Ở các mặt vách lụa của ngôi nhà cũng được chạm khắc với nhiều ô trám, hộc xen kẽ nhau hài hòa cùng chấn song gỗ tuy nhiều họa tiết nhưng lại rất thông thoáng.
Hình chạm trong các ô trám cũng là đề tài quen thuộc như mai điểu, tứ linh, cúc, lan… với nhiều tác phẩm chạm lọng rất khéo léo, tinh xảo. Riêng ở gian chính còn có các tấm biển chạm khắc, cẩn xà cừ các bài thơ mà theo ông Tảo đó là những bài thơ dân gian do các nghệ nhân làm nhà tặng làm kỷ niệm, như hình thức khuyến mãi bây giờ.
Vết tích của chiến tranh
Gian thờ phượng là điểm nhấn của ngôi nhà với chiếc tủ bằng gỗ quý khảm xà cừ thờ tổ tiên ông bà. Khánh thờ đặt phía trên cao được chạm trổ tinh vi với các ô trám chạm lọng, khảm xà cừ; hai bên có câu đối chạm lõm, thếp vàng, sơn son. Khung khám thờ được khảm xà cừ hình cành mai, dây lá, bố trí hài hòa theo các đường chỉ lá sen. Do làm bằng gỗ quý nên lâu ngày lên nước, càng lau càng bóng.
Trên trang thờ có gắn bức đại tự khắc lõm 2 chữ Tư Mệnh – chưa rõ hàm ý chỉ sự chủ trì, quản lý hay viết tắt danh hiệu Đông Trù Tư mệnh Táo Quân theo tập tục thờ cúng Ông Táo thuần Việt. Ngoài ra, bên vách trang thờ là tranh tượng Quan Thánh đế quân. Ông Tảo nói, việc thờ cúng Ông độ mạng này là duy trì tục xưa của ông bà. Tuy nhiên, nội tổ làm khánh thờ cao quá, mỗi lần cúng kiếng, quét dọn phải bắc thang trèo lên.
Theo lời kể của ông Tảo, ông nội của ông có 7 người con trai nên việc thờ cúng phải chia ra. Trước đây, gian chính có 3 bàn thờ, đến đời ông thì giảm bớt. Mấy bàn thờ xưa phải chia ra cho ông anh thờ cúng, giỗ chạp. Hiện nay, ngôi nhà chỉ còn một bàn thờ, nhưng việc giữ gìn, bảo quản là nhiệm vụ không thể xao lãng. “Từ các tấm liễn đến mỗi cây cột, bức vách… ngày xưa nội tôi bắt mỗi năm phải lau chùi 2 lần. Một lần vào dịp Tết Nguyên đán và một lần vào ngày giỗ ông cố, người xây dựng cũng là chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này”, ông Tảo chia sẻ.
Giải thích về vết xước trên một cây cột cái, ông Tảo nói đó là vết tích thời chiến tranh. Sau Tết Mậu Thân 1968, khu vực này xảy ra trận đánh lớn. Xe thiết giáp M113 tràn vô. Hai bên đánh nhau, đại liên 12 ly 7 bắn như mưa, tưởng ngôi nhà đi đời rồi. May thay, đạn chỉ ghim vô cột, tủ thờ, bao lam… Riêng khu vực bàn thờ bị hơn 20 vết đạn. Bấy giờ gia đình ông tản cư hết, chỉ còn ba ông ở lại giữ đồ đạc trong nhà.
Trước đây, nhà có 4 bức tranh lụa thủy mặc do nhóm thợ làm nhà vẽ tặng, nhưng sau chiến tranh cũng không còn. Tấm hoành phi giữa nhà có cẩn ốc xà cừ rất đẹp, nhưng bị rớt xuống bể, tới nay chưa tân trang lại được. Mới đây, lại bể thêm một cái đèn tây của Pháp bằng pha lê. Ông Tảo cho biết, khu vực nhà ông không bị ngập lụt, nhưng vì quá lâu ngày nên nền gạch da quy bị ẩm mốc. Bây giờ, muốn thay gạch khác cùng loại cũng không dễ kiếm. Mấy mươi năm trước, nếu ngói bị hư thì tìm mua ngói Biên Hòa về lợp lại. Giờ muốn sửa phải đặt hàng chứ mua không có.
Ngôi nhà của ông Tảo cũng được cơ quan chức năng đề nghị xếp hạng và khai thác du lịch, nhưng ông không đồng ý.
Nguồn: thanhnien.vn