Saturday, November 30, 2024

Thủ tướng Bangladesh rời khỏi đất nước giữa lúc biểu tình bạo lực bùng phát

Truyền thông địa phương chiều 5/8 đưa tin, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã rời khỏi thủ đô Dhaka trên một chiếc trực thăng quân sự, trong bối cảnh các cuộc biểu tình, bạo loạn vẫn đang tiếp diễn trên khắp đất nước.

Theo các thông tin mới nhất từ truyền thông Bangladesh, bà Sheikh Hasina đã rời khỏi đất nước để sang Ấn Độ. Hãng truyền thông ProthomAlo cho biết một chiếc trực thăng quân sự chở Thủ tướng Bangladesh đã cất cánh từ Bangabhaban, dinh thự chính thức của tổng thống Bangladesh lúc 2:30 chiều (giờ địa phương) ngày 5/8.

Bà Sheikh Hasina đi cùng em gái Sheikh Rehana lên trực thăng. ProthomAlo trích dẫn các nguồn tin cho biết Thủ tướng Bangladesh đã khởi hành đến bang Tây Bengal ở Ấn Độ. Trong khi đó, kênh truyền hình CNN News 18 của Ấn Độ đưa tin máy bay chở bà Hasina đã hạ cánh xuống thành phố Agartala, thủ phủ của bang Tripura, Đông Bắc Ấn Độ.

Cùng lúc đó, những người biểu tình đã phá cổng và xông vào dinh thự của thủ tướng vào khoảng 3 giờ chiều hôm nay theo giờ địa phương, (tức 4 giờ 30 chiều giờ Việt Nam).

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, Đại tướng Waker-Us-Zaman xác nhận Thủ tướng Sheikh Hasina, 76 tuổi đã rời khỏi đất nước, một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập tại nước này.

Từ sáng ngày 5/8, hàng nghìn người dân Bangladesh đã xuống đường tham gia chương trình “Tuần hành đến Dhaka” của Phong trào Sinh viên chống Phân biệt đối xử tập trung tại vòng xoay Mirpur 10 và tiến về khu vực Farmgate ở trung tâm thủ đô Dhaka. 

Trước đó, hôm 3/8, những người đứng đầu Phong trào Sinh viên chống Phân biệt đối xử đã đưa ra yêu cầu một điểm, đòi Thủ tướng Sheikh Hasina và các thành viên Nội các phải từ chức.

Bà Hasina sau đó đã lên tiếng kêu gọi những người biểu tình xuống thang và cùng ngồi vào đối thoại. Tuy nhiên, yêu cầu này đã lập tức bị bác bỏ. Ngoài việc yêu cầu Thủ tướng Hasina từ chức, lãnh đạo phong trào biểu tình còn khởi xướng một chiến dịch bất hợp tác, kêu gọi người dân không nộp thuế và người lao động nhập cư không chuyển tiền về nhà qua hệ thống ngân hàng.

Ban đầu, Chương trình “Tuần hành đến Dhaka” được lên lịch diễn ra vào ngày thứ Ba. Tuy nhiên, sau đó, cuộc tuần hành đã được bắt đầu trong ngày hôm nay. Bối cảnh an ninh hỗn loạn buộc chính quyền Bangladesh phải tuyên bố đóng cửa các văn phòng nhà nước và tư nhân, bao gồm cả ngân hàng, trong 3 ngày.

Ít nhất 97 người đã thiệt mạng khi một làn sóng bạo lực mới bùng phát ở Bangladesh trong ngày 4/8. Truyền thông địa phương cho biết, hàng nghìn người bị thương, nhiều người bị trúng đạn trong các vụ đụng độ. Tình hình ở Bangladesh trở nên căng thẳng hơn sau khi các thành viên của Đảng Liên đoàn Awami cầm quyền đổ ra đường để đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ, biến mọi thứ thành bạo lực.

Các cuộc biểu tình ở Bangladesh nổ ra trong tháng Bảy khi xuất hiện phong trào sinh viên phản đối các cải cách trong hệ thống hạn ngạch dành riêng cho khu vực công, trong đó ưu tiên số lượng nhất định cho con cháu của các cựu chiến binh thời chiến tranh giải phóng đất nước năm 1971. Tình hình bất ổn gia tăng sau khi phong trào sinh viên xuống đường biểu tình, dẫn đến bạo lực nhằm vào trụ sở đài truyền hình nhà nước và các đồn cảnh sát ở Dhaka.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img