Friday, August 9, 2024

Minh bạch thị trường tranh Việt

Nhiều cuộc đấu giá, triển lãm tranh được tổ chức trong thời gian qua kéo theo nhu cầu cần minh bạch thị trường tranh Việt.

Minh bạch là vấn đề then chốt

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định: Tranh bán ra cần có hồ sơ, lịch sử, bán bao nhiêu lần, bao nhiêu tiền, trong cuộc đấu giá nào… Minh bạch thị trường tranh là vấn đề then chốt.

Minh bạch thị trường tranh Việt

Khách đến xem triển lãm Trần Hải Minh và hành trình 38 năm với hội họa diễn ra từ ngày 3 – 13.7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

T.N

“Cần có lịch sử bức tranh để người mua hay sưu tập biết chiều hướng lên hay xuống giá. Nếu không minh bạch thì sẽ có tranh giả lưu hành trên thị trường. Người mua hay sưu tập nhận thông tin rõ ràng sẽ dễ so sánh để đưa ra nhận định về tranh nguyên gốc hay vẽ lại. Hiện nay vẫn còn một số tranh giả lưu hành trên thị trường do lỡ mua rồi nhưng khó thể bán công khai, minh bạch, phải giấu để bán cho người khác. Cần phải đưa vào luật để chống nạn tranh giả”, ông Khôi nói thêm.

Cũng theo ông Khôi, chuyện chép tranh thì không cấm, vấn đề ai là người vẽ lại bức tranh đó, tất cả đều phải minh bạch. Họa sĩ chép tranh cần ghi rõ đây là tranh chép, bao nhiêu phiên bản.

Trong suốt nhiều thập niên qua, một trong những vấn đề nổi cộm nhất của thị trường mỹ thuật VN là sự thiếu minh bạch về giá cả, nguồn gốc và tính xác thực của tác phẩm.

Giám tuyển Ace Lê, Giám đốc điều hành Sotheby’s VN

Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP.HCM) Nguyễn Thiều Kiên cho rằng minh bạch thị trường tranh là việc rất cần thiết để những người quan tâm và nhà sưu tập có thêm tính chính xác về thông tin, nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm và họa sĩ. Việc này sẽ không những nâng cao giá trị về mặt nội dung lịch sử mà còn đảm bảo uy tín cho tác phẩm. Đa phần các phiên đấu giá trong nước và quốc tế tương đối minh bạch về thông tin nguồn gốc tác phẩm, tuy nhiên vẫn còn một số tranh chưa đầy đủ thông tin để xác định. Hy vọng trong tương lai các phiên đấu giá tranh trong nước sẽ được thẩm định, nghiên cứu thông tin kỹ hơn nhằm bảo vệ và đảm bảo uy tín cho các sàn đấu giá cũng như uy tín của các nhà sưu tập.

Qua nhiều bước thẩm định tranh

Giám tuyển Ace Lê, Giám đốc điều hành Sotheby’s VN, nhận xét: Những đơn vị tham gia thị trường, từ nhà sưu tập tới phòng tranh, từ giám tuyển tới những dịch vụ tổ chức, thì nhà đấu giá vẫn là đơn vị duy nhất niêm yết công khai giá trị của mỗi giao dịch. Trong các thư viện quốc gia lớn trên thế giới đều có kệ dành riêng để lưu trữ các tập giao dịch mỗi năm của Sotheby’s và các nhà đấu giá khác, như một trung tâm tham chiếu giá quan trọng cho công tác nghiên cứu thị trường.

Minh bạch thị trường tranh Việt

Bức Người hát dân ca của Nguyễn Phan Chánh bán đấu giá được 1,09 triệu USD vào tháng 6.2024 tại Paris, Pháp

SOTHEBY’S

Tất cả các giao dịch trong lịch sử của nhà đấu giá lớn (như Sotheby’s) được lưu trữ và niêm yết công khai trên website của mình một cách minh bạch. Động thái này tạo điều kiện cho khách hàng, nhóm nghiên cứu và công chúng yêu nghệ thuật nói chung được tiếp cận những thông tin quan trọng về tác phẩm đã và sắp được đấu giá.

“Đa số các phòng tranh hoặc nhà môi giới độc lập thường không có thói quen và nghĩa vụ phải công bố bảng giá tác phẩm của tác giả họ đại diện. Về mặt thẩm định, việc nhà đấu giá luôn trưng bày và công khai thông tin của tác phẩm trước phiên đấu cũng trao cho công chúng quyền thẩm định và đề xuất những nghi ngại về mặt xác tín nếu có”, ông Ace Lê nhìn nhận.

“Trong suốt nhiều thập niên qua, một trong những vấn đề nổi cộm nhất của thị trường mỹ thuật VN là sự thiếu minh bạch về giá cả, nguồn gốc và tính xác thực của tác phẩm. Việc lần đầu tiên Sotheby’s bổ nhiệm một giám tuyển Việt để đảm nhiệm thị trường VN là bước đi đúng và cần thiết. Tôi rất mừng khi chuyên môn của mình sẽ tích cực góp phần giải quyết vấn đề tồn tại từ rất lâu này”, ông Ace Lê nói thêm.

Giám tuyển Ace Lê cũng công bố quy trình thẩm định, xác tín một tác phẩm của Sotheby’s, qua đó cần kiểm tra 3 khía cạnh chính: giám định lai lịch, thị giác và pháp khoa.

Giám định lai lịch là đối chiếu các thông tin về lịch sử mua bán và sở hữu tranh với kho dữ liệu để định tính xác thực của tranh. Chuỗi thông tin hoàn hảo sẽ bao gồm đầy đủ từng giai đoạn chuyền tay tranh – thời gian, địa điểm, người bán, người mua; các bằng chứng liên quan như giấy chứng thực, hóa đơn mua bán, catalogue bán, poster/brochure có đề cập tới tranh, các hình ảnh, video, bài báo hoặc cuốn sách có ghi chú về tranh, những dấu mộc và nhãn của gallery hoặc sàn đấu giá trên tranh hoặc khung. Đó là những bằng chứng “cứng” không thể chối cãi. Ví dụ, bức Người hát dân ca của Nguyễn Phan Chánh đã xuất hiện trong bức ảnh triển lãm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, trong hồ sơ Đấu xảo Paris 1931, đồng thời có một lịch sử giao dịch rất rõ ràng và sạch sẽ.

Minh bạch thị trường tranh Việt

Tác phẩm Chăn trâu của họa sĩ Lê Thiết Cương trưng bày trong triển lãm Duyên tại TP.HCM diễn ra đến hết ngày 13.8

NVCC

Giám định thị giác là quá trình phân tích bút pháp và chữ ký trong tranh, so sánh chúng với hệ thống tác phẩm của nghệ sĩ, để kết luận xem phong cách có nhất quán hay không. Điều này không dễ và yêu cầu người nghiên cứu phải có bề dày kiến thức lẫn kinh nghiệm với không chỉ tác giả đó, mà với cả giai đoạn đó. Các yếu tố thị giác cần để ý gồm: cỡ tranh, chất liệu, đề tài, bố cục, màu sắc, thủ pháp nói chung. Riêng về chữ ký, có thể nói cho ta biết rất nhiều điều: chữ ký tay hay đóng triện, năm sáng tác, có lưu bút đi kèm hay không…

Cuối cùng, giám định pháp khoa là quá trình nghiệm soi tranh và các chất liệu cấu thành tranh bằng nhiều liệu pháp khác nhau. Theo ông Ace Lê, VN chưa có cơ quan nào đủ khả năng và thiết bị để cung cấp dịch vụ này cho thị trường. Các bảo tàng lớn trên thế giới đều có bộ phận này. Ví dụ, người ta có thể phân tích hóa học một mẩu tiêu bản nhỏ để xét tuổi sơn mài, do đó phân biệt được tranh thật hay tranh mới chép.

Nhạc sĩ dễ dàng đăng ký bản quyền sáng tác, trong khi họa sĩ thì rất khó vì không thể cứ mỗi bức tranh phải đi đăng ký. Tuy nhiên, mỗi cuộc triển lãm tôi đều đăng ký bản quyền cả loạt tranh, như thế sẽ hạn chế nạn tranh giả. Tôi cũng thuê hẳn một công ty luật chuyên lo về bản quyền tác phẩm.

Họa sĩ Lê Thiết Cương

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi