Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn và người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù là người được xem xét đặc xá.
Chính phủ vừa có hướng dẫn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 758 năm 2024 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024. Theo đó, đối tượng được xét đặc xá gồm:
Thứ nhất, người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện (sau đây gọi là phạm nhân).
Thứ hai, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Điều kiện được đề nghị đặc xá
Theo điểm c khoản 1 điều 18 Nghị định số 133 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Thi hành án hình sự, thì xếp loại chấp hành án phạt tù quý 2/2024 vào ngày 25.5, xếp loại chấp hành án phạt tù quý 3/2024 vào ngày 25.8.
Do đó, tính đến thời điểm các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện họp xét, đề nghị đặc xá, phạm nhân phải có các quý đã đủ thời gian xếp loại được xếp loại khá, hoặc tốt. Thời gian tiếp theo từ ngày 26.5.2024 đến ngày họp xét, đề nghị đặc xá phải được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù khá, hoặc tốt.
Sau khi có kết quả xếp loại quý 3/2024, các trại, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện phải rà soát, đối chiếu với danh sách phạm nhân đã được đề nghị đặc xá, và kịp thời đề nghị cơ quan cấp trên trực tiếp báo cáo thường trực hội đồng tư vấn đặc xá để xem xét. Đồng thời, đề nghị hội đồng tư vấn đặc xá loại ra khỏi danh sách đề nghị đặc xá những phạm nhân không được xếp loại khá, hoặc tốt quý 3/2024.
Ngoài được xếp loại khá, hoặc tốt, đối với phạm nhân được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, hoặc bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, đã trở lại tiếp tục chấp hành án, còn phải được UBND xã nơi cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý, hoặc cơ sở y tế điều trị trước đó xác nhận đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.
Cách tính thời gian chấp hành án phạt tù
Thời gian đã chấp hành án phạt tù là thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù trong trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, không kể thời gian được tại ngoại, được hoãn, tạm đình chỉ, và thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Thời gian bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.
Thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được tính để trừ vào phần thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại.
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị kết án 12 năm tù, bị bắt ngày 30.9.2016, tính đến ngày 30.9.2024, A đã thực sự chấp hành được 8 năm, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 3 lần, tổng cộng là 2 năm, thì thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại là 2 năm.
Đã bồi thường bao nhiêu mới được xem xét giảm án?
Phạm nhân, hoặc người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, hoặc nộp án phí nhưng được toà án quyết định miễn hình phạt tiền, miễn nộp án phí, thì cũng đủ điều kiện theo quy định.
Phạm nhân, hoặc người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo quy định.
Ngoài ra, một số trường hợp sau cũng được coi là đã thi hành xong bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác:
Thứ nhất, trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thì phải thực hiện xong hoàn theo bản án, quyết định của tòa án, hoặc đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 1 lần, được UBND cấp xã nơi cư trú, hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận.
Thứ hai, nếu mới thực hiện được một phần nghĩa vụ cấp dưỡng, hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nhưng có thỏa thuận, xác nhận của đại diện hợp pháp của người bị hại, hoặc của người được nhận cấp dưỡng về việc không phải tiếp tục thực hiện, hoặc không phải thực hiện và được UBND cấp xã nơi cư trú, hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận, thì cũng được coi là đã thực hiện xong nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thứ ba, trường hợp khi phạm tội là người dưới 18 tuổi quy định tại điểm d khoản 3 điều 3 quyết định về đặc xá năm 2024 mà trong bản án, quyết định của tòa án giao trách nhiệm thi hành bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác cho bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp thì phải có tài liệu để chứng minh những người này đã thi hành xong.
Cụ thể gồm: các biên lai, hóa đơn, chứng từ thể hiện việc này hoặc quyết định đình chỉ thi hành án của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, hoặc văn bản thỏa thuận của người được thi hành án, hoặc đại diện hợp pháp của người đó về việc không phải thi hành bồi thường thiệt hại…
Thời gian thực hiện đặc xá
Từ ngày 18.8 – 31.8, các tổ thẩm định liên ngành đến trực tiếp các đơn vị, địa phương để kiểm tra, thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị xét đặc xá.
Từ ngày 22.8 – 7.9, thường trực hội đồng tư vấn đặc xá tổng hợp hồ sơ, danh sách chuyển đến các thành viên hội đồng tư vấn đặc xá nghiên cứu, thẩm định.
Từ ngày 9.9 – 19.9, thường trực hội đồng tư vấn đặc xá, TAND tối cao tổng hợp ý kiến của các thành viên hội đồng tư vấn đặc xá và chuẩn bị hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá, danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá để trình hội đồng tư vấn họp xét duyệt.
Từ ngày 23.9 – 25.9, hội đồng tư vấn đặc xá họp xét duyệt danh sách đặc xá.
Từ ngày 26.9 – 28.9, thường trực hội đồng tư vấn đặc xá tổng hợp, hoàn chỉnh danh sách đặc xá trình Chủ tịch nước quyết định.
Tổ chức họp báo công bố quyết định của chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn và tổ chức tha người được đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước vào ngày 30.9.
Tổ chức tha người được đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước vào ngày 1.10.
Nguồn: thanhnien.vn