Friday, August 9, 2024

Giáo sư Việt tại Úc bày cách chọn ngành ‘ăn nên làm ra’ cho du học sinh

Kinh doanh, quản lý và STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) là 2 khối ngành được du học sinh Việt quan tâm hàng đầu. Theo chuyên gia, những ngành nào thuộc hai khối ngành trên có thể giúp các bạn ‘rộng cửa’ việc làm?

Giáo sư Việt tại Úc bày cách chọn ngành 'ăn nên làm ra' cho du học sinh

Giáo sư Lữ Nhật Vinh trong một sự kiện tuyển sinh đầu tháng 8 ở TP.HCM

NGỌC LONG

Những ngành thu hút

Trao đổi với Thanh Niên tại ngày hội thông tin do ĐH Quốc gia Úc (Australian National University-ANU) tổ chức gần đây ở TP.HCM, giáo sư, tiến sĩ Lữ Nhật Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, Khoa Kinh doanh và kinh tế ANU, nhận định ngày càng nhiều du học sinh Việt quan tâm đến khối ngành kinh doanh, quản lý và STEM khi đến xứ sở chuột túi.

Ở bậc cử nhân, theo giáo sư Vinh, khoảng 60% sinh viên ANU chọn học song bằng. Và nếu muốn chuẩn bị cho một tương lai “rộng cửa” việc làm, ông Vinh khuyên học sinh cân nhắc học kết hợp ngành phân tích kinh doanh (business analytics) với quản trị doanh nghiệp, tài chính, khoa học máy tính, máy học. “Nhu cầu của thị trường lao động đang rất lớn”, giáo sư Vinh nhận định.

Một ngành khác cũng đang nhận được nhiều quan tâm là nghiên cứu tính toán (actuarial studies), phù hợp với những bạn du học sinh Việt có niềm đam mê sâu sắc với toán học nhưng định hướng kinh doanh chứ không đi chuyên sâu nghiên cứu. “Đây là ngành giúp sinh viên ‘ăn nên làm ra’ vì khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí như phân tích đầu tư, phân tích rủi ro cho công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ tài chính”, ông Vinh chia sẻ.

Ở bậc thạc sĩ, giáo sư Vinh cho rằng để tìm cơ hội làm việc tại Úc, du học sinh Việt thường quan tâm đến các chương trình đào tạo kéo dài 2 năm để đủ điều kiện được chính phủ Úc cấp visa (thị thực) làm việc, thay vì các chương trình đào tạo chỉ kéo dài 1 năm như quản trị kinh doanh (MBA).

Trong đó, các ngành học có sự giao thoa giữa kinh doanh và công nghệ như quản lý hệ thống thông tin, quản lý dự án, quản trị marketing… thu hút khá đông du học sinh Việt, và khoảng 30% học viên những ngành này “đều được doanh nghiệp giữ lại sau khi hoàn thành kỳ thực tập”, ông Vinh cho hay.

Hưởng lợi từ chính sách

Theo chuyên trang giáo dục quốc tế ICEF Monitor, các ngành học ở nước ngoài thu hút du học sinh Việt nhiều nhất là STEM, kinh doanh, du lịch và liên quan đến lĩnh vực sức khỏe. Còn dữ liệu mới nhất từ Viện Giáo dục quốc tế (IIE) cho thấy, tỷ lệ du học sinh Việt chọn khối ngành STEM và kinh doanh, quản lý là 47,6% và 24,7%, chiếm gần 3/4 tổng số người Việt du học Mỹ vào năm 2023.

Giáo sư Việt tại Úc bày cách chọn ngành 'ăn nên làm ra' cho du học sinh

Một du học sinh Việt trong lễ tốt nghiệp tại Mỹ

LÊ BẢO THẮNG

Từ năm học 2023-2024, nhiều ĐH Mỹ cũng bắt đầu mở những ngành “giao thoa” giữa STEM và kinh doanh, quản lý, như ngành phân tích kinh doanh ứng dụng cả quản trị kinh doanh lẫn STEM, theo ông Nguyễn Hiền, đại diện tuyển sinh ĐH Northern Arizona. Đó là do thị trường lao động các ngành kinh doanh, quản lý đang bị “bão hòa”. Trong khi đó, các ngành “giao thoa” vẫn xem là thuộc khối STEM và được lợi từ chính sách.

“Thông thường, du học sinh có một năm ở lại Mỹ làm việc theo diện OPT (chương trình thực tập không bắt buộc). Song, nếu tốt nghiệp khối ngành STEM, con số này tăng thêm 2, lên đến 3 năm. Chưa kể, giá trị của khối ngành STEM lẫn cơ hội nghề nghiệp đang ngày càng tăng trưởng trong thời đại số”, bà Đinh Mỹ Phương, đại diện tuyển sinh ĐH Rochester (Mỹ), chia sẻ.

Còn ở Canada, ông Thái Dũng Tâm, đại diện tuyển sinh khu vực Đông Nam Á của ĐH Vancouver Island, cho biết sinh viên quốc tế nhìn chung yêu thích các ngành: khoa học máy tính; kinh doanh; quản trị du lịch, giải trí, khách sạn; nghiên cứu truyền thông kỹ thuật số. Riêng ở lĩnh vực giáo dục sức khỏe, cơ thể động học (kinesiology) đang là một ngành học đang được nhiều người quan tâm.

Dạy học từ kết quả nghiên cứu

Theo giáo sư, tiến sĩ Lữ Nhật Vinh, điểm nhấn trong chương trình đào tạo kinh doanh, kinh tế tại Úc là bài giảng, tư liệu đều được thiết kế dựa trên kết quả nghiên cứu của chính giáo sư đứng lớp. “Điều này giúp tri thức được truyền tải luôn mang tính thực tiễn, đương đại và giảng viên có thể giải đáp tường tận cho sinh viên. Bên cạnh đó, việc kết hợp 3 yếu tố là nghiên cứu, thực hành và đề án thực tiễn giúp sinh viên sẵn sàng hơn sau khi tốt nghiệp”, ông Vinh chia sẻ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi