Trong đợt thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng năm 2022, nhiều đơn vị yêu cầu ứng viên trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Một số ý kiến cho rằng cần nới lỏng tiêu chuẩn chính trị để thu hút được nhiều người tài giỏi tham gia ứng tuyển, tăng tính cạnh tranh trong khu vực công.
“Đặc trưng của nền hành chính nước ta là nền hành chính – chính trị, nên việc không đặt ra tiêu chuẩn chính trị với một công chức quản lý là một mạo hiểm về nhân sự và cả chính sách quản lý được đặt trong tay nhân sự đó”, TS Thiện Trí nhận định.
Dù vậy, chuyên gia này cho rằng không nên tuyệt đối hóa hay cứng nhắc, bởi lẽ việc chọn một nhân sự chuyên môn không bao gồm những tiêu chuẩn chính trị cũng là một giải pháp cho việc chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa một số vị trí có yêu cầu cao về chuyên môn. Yếu tố quyết định đối với sự thay đổi này vẫn là do quan điểm chính trị của nước ta ở từng giai đoạn.
TS Thiện Trí đánh giá cơ chế thi tuyển tăng tính cạnh tranh, thay thế dần cơ chế quy hoạch, bổ nhiệm truyền thống là yếu tố tích cực; nhưng không lập tức chuyển đổi ngay mà cần có thời gian. Quá trình chuyển đổi cần được tiếp sức về chính sách, phương thức, cách làm, tư duy, quan điểm, quyết tâm chính trị của cả hệ thống thì mới đạt kết quả cao.
Đầu tiên, cần mở rộng đối tượng thi tuyển để bảo đảm đạt được mục đích chính của đề án là thu hút nguồn lực mới, nhân tố mới và hạn chế tiêu cực. Đặc biệt, để bảo đảm cạnh tranh thực chất thì cần tính đến chuyện bỏ đi việc quy hoạch các ứng viên thi tuyển, để sự công bằng được bảo đảm ngay từ đối tượng dự tuyển.
Bên cạnh đó, nội dung và hình thức thi cần đa dạng nhưng có tính chuyên môn cao để đánh giá được năng lực thực tế của ứng viên trên tất cả phương diện, từ ứng xử, tác phong, văn hóa hành chính, tâm huyết, chuyên môn, năng lực. Đồng thời, hội đồng đánh giá cũng cần đa dạng, bao gồm những người có chuyên môn, kinh nghiệm, uy tín trong ngành, lĩnh vực.
Việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý là một thách thức lớn về cả kinh nghiệm tổ chức, văn hóa ứng xử, tâm lý của người dự thi và cũng có phần tốn kém. Dù chưa hiệu quả như mong đợi thì đây vẫn luôn là cơ chế có nhiều ưu điểm so với cách bổ nhiệm truyền thống.
Vì thế, TP.HCM nên nghiên cứu mở rộng thi tuyển các chức danh quản lý trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng chức danh quản lý chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước, TS Thiện Trí cho rằng nên mạnh dạn thực hiện linh hoạt theo loại hình, quy mô, chính sách kinh tế nhà nước trong từng giai đoạn.
Nguồn: thanhnien.vn