Saturday, August 10, 2024

2 bệnh viện kịp thời chia sẻ thuốc cấp cứu quý hiếm cứu sống người bệnh bị ngộ độc nặng

VTV.vn – Bệnh viện Trưng Vương và Bệnh viện Nhi đồng 1(TP Hồ Chí Minh) vừa kịp thời chia sẻ thuốc cấp cứu thuộc nhóm quý, hiếm giúp cứu sống 2 bệnh nhân bị ngộ độc hóa chất.

Lúc 21h ngày 9/8/2024, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh) nhận được điện thoại hội chẩn từ Bệnh viện huyện Bình Chánh và chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc hóa chất gây tím tái toàn thân. Sau đó khoảng hơn 1 giờ, 2 bệnh nhân ngộ độc bị tím tái được Bệnh viện huyện Bình Chánh chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương.

Trong đó, bệnh nhân N.T.S. là nặng nhất, nhập viện trong tình trạng đặt nội khí quản giúp thở, bệnh nhân kích thích, vật vã, đồng tử đều 2 bên, mạch 120 lần/phút, huyết áp 110/60 mmHg, da xanh tái, tím môi đầu chi, SpO2 77%, nước tiểu màu nâu sậm, khi lấy máu động mạch để thử khí máu phát hiện máu động mạch màu nâu đen, PaO2 trong máu đo được là 308 mmHg. Bệnh nhân thứ hai N.C.D., bị tím môi, đầu chi, mạch 60 lần/phút, huyết áp 160/100 mmHg, SpO2 89% (đang thở oxy mask với oxy 15 lít/phút), bệnh nhân tỉnh, thở đều không gắng sức, tím môi đầu chi, chi mát, nước tiểu màu nâu sậm.

Các dấu hiệu lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị MetHemoglobin. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực, thở máy và cần được truyền tĩnh mạch Blue Methylene – thuốc đặc trị cho bệnh nhân bị MetHemoglobin. Tuy nhiên, Blue methylene là thuốc quý hiếm đã từ lâu không sẵn có tại các tủ thuốc cấp cứu của các bệnh viện. Các bác sĩ kíp trực đã báo cáo khẩn giám đốc bệnh viện. Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương đã liên hệ ngay đến Trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và được chia sẽ ngay 8 ống Blue Methylene.

Lúc 1h30 ngày 10/8/2024, 2 bệnh nhân được truyền thuốc Blue Methylene. Ngay sau khi truyền, tình trạng tím tái của 2 bệnh nhân được cải thiện dần.

Vào 8h sáng ngày 10/8/2024, thông tin từ Bệnh viện Trưng Vương cho biết tình trạng bệnh nhân N.T.S. tỉnh táo trở lại, mạch 85 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg, SpO2 96%, nước tiểu vàng trong, máu động mạch bệnh nhân đã có đỏ nâu trở lại (còn tiếp tục thở máy). Còn bệnh nhân N.C.D. tỉnh táo, mạch 78 lần/phút, huyết áp 160/80 mmHg, SpO2 98% (thở oxy qua canula mũi).

Hemoglobin (viết tắt là Hb) còn gọi là huyết cầu tố, gồm 2 phân tử Heme và Globin, trong đó Heme có kết hợp 4 nguyên tố Fe2+, có khả năng kết hợp với oxy để vận chuyển oxy từ phổi tới các mô của cơ thể và lấy CO2 từ mô trở về phổi thải ra ngoài qua khí thở ra. Vì nguyên nhân nào đó làm cơ thể tiếp xúc với số lượng nhiều nitrate (có trong củ dền, nước giếng), thuốc nhuộm, thuốc súng, kháng sinh (sulfamide, dapsone) làm cho Fe2+ trong hemoglobin chuyển thành Fe3+, gọi là Methemoglobin. Methemoglobin không có khả năng gắn với oxy nên không thể vận chuyển oxy đi nuôi các mô, làm thiếu oxy ở các mô và da niêm bệnh nhân trở nên tím tái đòi hỏi cấp cứu khẩn cấp.

Blue Methylen là thuốc điều trị giải độc rất hiệu quả trong trường hợp này, tuy nhiên, thuốc Blue Methylen đã từ lâu trở thành thuốc quý, hiếm, hầu như không có mặt trong các tủ thuốc của các bệnh viện nên việc điều trị các trường hợp ngộ độc Methemoglobin nặng gặp nhiều khó khăn. Trong tình huống này, thay máu bằng hồng cầu lắng là một giải pháp điều trị hiệu quả cho các ca ngộ độc Methemoglobin nặng, góp phần cứu sống bệnh nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi