VTV.vn – Ngày 10/8/1961 máy bay của không quân Mỹ bắt đầu rải chất độc, mở màn cuộc chiến tranh hóa học ở miền Nam Việt Nam. 63 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó.
Thống kê cho thấy, chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. Từ năm 1975 đến nay, gần 1 triệu người chết vì chất độc hóa học. Với hơn 3 triệu nạn nhân còn lại, việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn. Hiện, cả nước có hơn 850.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 350.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và khoảng 500 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP đã tiếp tục tăng cường vận động nhiều nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. 6 tháng đầu năm, Hội đã vận động hỗ trợ các nạn nhân hơn 7.600 suất quà, tặng 29 xe lăn xe lắc, hỗ trợ 105 nạn nhân khám chữa bệnh trị giá hơn 6 tỷ đồng…
Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương vẫn còn đọng lại. Ảnh: NSNA Phạm Thế Phong
Chị Phạm Thị Thu Thủy (sinh sống tại làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Sự đồng hành của gia đình, chung tay của xã hội, đã giúp các nạn nhân da cam, người khuyết tật như chị vượt qua nghịch cảnh, tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Chị Thủy cũng chia sẻ: Nghe tin TP Hồ Chí Minh có kế hoạch xây dựng một “làng cam”, nơi tập hợp, hỗ trợ chăm sóc, dạy học cho các nạn nhân chất độc da cam của thành phố, bản thân chị cảm thấy rất vui. Chị Thủy tin rằng, khi “làng cam” hình thành sẽ hỗ trợ rất nhiều người có hoàn cảnh giống mình có được một cuộc sống ổn định hơn.
Sự chung tay góp sức của xã hội sẽ xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân. Ảnh: NSNA Phạm Thế Phong
Ở phạm vi cả nước, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, chính sách giải quyết hậu quả chất độc da cam. Hàng năm, Nhà nước dành khoản ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế, góp phần giúp nạn nhân giảm bớt khó khăn, xoa dịu nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Các nạn nhân đã từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Ảnh: NSNA Phạm Thế Phong
Bên cạnh đó, những cảm thông sâu sắc cũng như những hỗ trợ thiết thực từ các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã và đang là những nghĩa cử cao đẹp và rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong việc cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước bằng các chính sách, chế độ, quy định và hướng dẫn thực hiện ở các cấp chưa đồng bộ. Vai trò của tổ chức Hội các cấp, nhất là cấp cơ sở có nơi chưa được phát huy tốt. Công tác vận động nguồn lực hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ở một số tỉnh, thành phố kết quả còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của địa phương…
Hãy cùng chung tay vì một tương lai tươi sáng hơn cho các nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: NSNA Phạm Thế Phong
Nỗi đau da cam vẫn còn đó và 10/8 hàng năm luôn là ngày để nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe mà hàng triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng, đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Mong rằng thời gian tới, những nghĩa cử cao đẹp vì nạn nhân chất độc da cam sẽ ngày càng được phát huy và lan tỏa sâu rộng hơn nữa với tinh thần: “Xin đừng quên họ – Dù bạn có là ai!”
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!