Monday, August 12, 2024

Bộ GD-ĐT xem xét sửa quy chế về xét tuyển sớm

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn (ảnh), nếu như hoạt động tuyển sinh ĐH chưa có tác động tích cực trở lại quá trình dạy học ở bậc phổ thông thì chí ít cũng không gây ảnh hưởng tiêu cực tới nó. Vì thế Bộ đang xem xét sửa quy chế, điều chỉnh quy định về xét tuyển sớm.

Bộ GD-ĐT xem xét sửa quy chế về xét tuyển sớm

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

MINH THU

YÊU CẦU TRƯỜNG ĐỐI SÁNH CÁC PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH

Như Thanh Niên đã phản ánh, trong hội nghị giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức cuối tuần qua, các lãnh đạo Bộ đều khẳng định sang năm sẽ có sự điều chỉnh về quy định trong tuyển sinh ĐH nhằm đảm bảo sự công bằng cho thí sinh (TS). Trao đổi với Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định:

Hiện nay chúng ta có rất nhiều phương thức xét tuyển, nhưng Bộ GD-ĐT phân loại thành 20 nhóm phương thức, sắp xếp theo căn cứ, tiêu chí để xét tuyển, phương pháp đánh giá… Trong những năm qua, việc đa dạng phương thức xét tuyển giúp các trường ĐH có thêm sự lựa chọn các tiêu chí đánh giá phù hợp hơn với đặc điểm ngành nghề đào tạo của mình. TS cũng có thêm lựa chọn để phù hợp với năng lực, sở trường của từng em.

Tuy nhiên, như chúng ta đã nhận thấy vấn đề được đặt ra là làm thế nào để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Đây là vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta phải quan tâm trong công tác tuyển sinh.

Để có căn cứ đánh giá sự công bằng khi một ngành của một trường ĐH đồng thời sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường xây dựng, thực hiện phân tích dữ liệu để đánh giá mối tương quan giữa tuyển sinh đầu vào với kết quả học tập của các em. Quy định này có sẵn trong quy chế. Vì quy chế cũng chỉ mới ban hành năm 2022, đến giờ trường mới có sinh viên năm 2 kể từ khi thực hiện quy chế. Tuy nhiên, hầu hết các trường cũng đã đánh giá, có báo cáo về việc này.

Kết quả báo cáo của các trường như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Việc báo cáo chưa đạt yêu cầu như Bộ GD-ĐT mong muốn. Về đại thể có thể chia ra 2 nhóm trường. Một nhóm trường làm rất kỹ, bài bản, khoa học nhưng có nhiều trường chưa đi sâu vào việc phân tích dữ liệu này.

Việc phân tích dữ liệu không chỉ đơn thuần lấy điểm trung bình học tập so sánh với điểm đầu vào của sinh viên rồi nói rằng phương thức này hơn phương thức kia. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải phân tích sâu hơn, phân tích tương quan giữa kết quả học tập các môn học, đối sánh nhiều yếu tố chứ không chỉ là lấy điểm trung bình. Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn các trường làm tốt việc này.

Bộ GD-ĐT xem xét sửa quy chế về xét tuyển sớm

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại các trường ĐH, trong đó có các phương thức tuyển sinh sớm

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bộ sẽ có định hướng trong thời gian tới để các trường phải làm sao nâng cao tính đảm bảo công bằng tốt hơn giữa các phương thức xét tuyển và có những giải pháp để thực hiện việc này trong thời gian tới.

ĐẢM BẢO SỰ CÔNG BẰNG GIỮA CÁC PHƯƠNG THỨC

Phải chăng Bộ GD-ĐT có động thái này do lo lắng trước việc tỷ lệ xét tuyển của phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng giảm sâu?

Nói như thế là không đúng. Chúng tôi không nói là phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT đảm bảo độ tin cậy cao nhất. Chúng tôi chỉ nói điểm thi tốt nghiệp THPT là một căn cứ tin cậy để đánh giá trong công tác tuyển sinh. Ví dụ một số trường tổ chức kỳ thi đánh giá riêng, như kỳ thi của các ĐH quốc gia, của ĐH Bách khoa Hà Nội… thì các kỳ thi này cũng có sự đảm bảo về độ tin cậy, đáp ứng tốt yêu cầu đánh giá đầu vào của các trường ĐH.

Lý do mà Bộ GD-ĐT thấy cần phải điều chỉnh quy chế tuyển sinh là đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Ví dụ ngành A của trường X có 3 phương thức xét tuyển, mỗi phương thức có một tỷ lệ chỉ tiêu riêng. Khi nhìn vào sự phân chia tỷ lệ đó hẳn là mỗi chúng ta sẽ tự đặt câu hỏi: căn cứ vào đâu mà trường X quy định phương thức này hay phương thức kia của ngành A có từng ấy chỉ tiêu? Cho nên trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cùng các trường ĐH sẽ thảo luận về việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh để thống nhất toàn hệ thống có cách làm tốt hơn, để có sự công bằng cho TS.

Việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh này còn có phải vì sang năm chúng ta có kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên cho những học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới?

Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông không có ảnh hưởng nào đáng kể đối với các phương thức tuyển sinh ĐH. Trong kỳ thi tốt nghiệp THTP 2025 sẽ có một số môn mới, các trường ĐH có thể bổ sung các môn đó vào các tổ hợp của mình. Cho nên hoạt động tuyển sinh mấy năm nay, và kể cả từ 2025, về cơ bản vẫn sẽ được giữ ổn định.

Vấn đề ở chỗ, như tôi đã nói, là việc có quá nhiều phương thức xét tuyển, và các quy định liên quan tới phương thức xét tuyển sớm như hiện nay chưa đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh. Giờ Bộ GD-ĐT và các trường sẽ phải thảo luận để có sự thống nhất cao trong việc tìm giải pháp. Mặc dù việc quyết định phương thức là tự chủ ĐH, nhưng chúng ta phải thấy là việc thực hiện quyền tự chủ đó không được ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của người học, của TS. Quyền được lựa chọn của TS, sự công bằng, chất lượng tuyển sinh là những yêu cầu quan trọng nhất trong giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng.

Tại hội nghị giáo dục ĐH năm 2024, Bộ GD-ĐT nhắc nhiều đến xét tuyển sớm như một phương thức ảnh hưởng tiêu cực tới giáo dục phổ thông, ông có thể giải thích rõ hơn?

Sự ảnh hưởng tiêu cực tới giáo dục phổ thông của phương thức xét tuyển sớm theo cách hiện nay là lý do quan trọng để Bộ GD-ĐT thấy cần phải có sự điều chỉnh quy chế tuyển sinh. Về nguyên tắc, đổi mới hay áp dụng đổi mới phương thức tuyển sinh thế nào cũng đều hướng tới việc nó phải có ảnh hưởng tích cực trở lại việc dạy và học ở bậc phổ thông. Nhưng hiện nay cái mà chúng ta nhìn thấy ở việc xét tuyển sớm là TS sau khi biết mình trúng tuyển thì xao nhãng việc học hành. Đó là một tác động tiêu cực tới hoạt động dạy và học ở phổ thông. Nếu chúng ta chưa có tác động tích cực thì ít nhất là không để xảy ra tác động tiêu cực. Dứt khoát Bộ sẽ chỉ đạo để chấm dứt xu hướng tác động tiêu cực này.

Bộ GD-ĐT xem xét sửa quy chế về xét tuyển sớm

Thí sinh làm bài thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

ĐÀO NGỌC THẠCH

KHÔNG LO NGẠI MẤT CÂN BẰNG VỀ CƠ CẤU CHỌN NGHỀ

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại từ nhiều năm nay lượng TS chọn bài thi khoa học xã hội chiếm tỷ lệ áp đảo trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, và điều này đe dọa sự mất cân bằng trong chọn ngành nghề của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT?

Các con số thống kê cho thấy chưa có dấu hiệu đáng lo ngại trong việc chọn nghề của TS, mà ngược lại, những gì chúng tôi thấy còn có vẻ tích cực. Theo thống kê một số năm gần đây, TS đăng ký và trúng tuyển vào các ngành khoa học công nghệ tăng, thậm chí tốc độ tăng tốt hơn những lĩnh vực/ngành khác.

Còn vì sao nhiều TS chọn các môn khoa học xã hội để thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn không ảnh hưởng tới sự mất cân bằng trong chọn nghề, có hai lý do. Một là có tỷ lệ khá lớn các em trúng tuyển sớm, phần còn lại dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH, tỷ lệ này khoảng 50 – 50 hoặc xoay quanh mốc đó trong tổng số TS có NV xét tuyển ĐH. Thứ hai, có khoảng 1/3 số TS đăng ký thi tốt nghiệp không xét tuyển ĐH. Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy mặc dù chưa có biểu hiện rõ sự mất cân bằng trong cơ cấu TS nhập học, nhưng cần phải thúc đẩy chất lượng và số lượng nguồn tuyển sinh cho khối ngành kỹ thuật, khoa học và công nghệ. Vì thế, Bộ sẽ có nghiên cứu để điều chỉnh ngay từ việc học ở phổ thông sao cho chúng ta khuyến khích được nhiều học sinh chọn học các môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – PV) ở THPT.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi