Ông Colin Huang 44 tuổi vừa chính thức trở thành người giàu nhất Trung Quốc và 25 thế giới theo Bloomberg Billionaires Index.
Với khối tài sản trị giá 48,6 tỷ USD, ông Colin Huang đã soán ngôi giàu nhất Trung Quốc từ “vua nước đóng chai” Zhong Shanshan. Ông Shanshan giữ ngôi giàu nhất Trung Quốc kể từ tháng 4 năm 2021.
Khối tài sản của tỷ phú 44 tuổi có sự thăng tiến vượt bậc trong thời gian gần đây khi thói quen mua sắm của người Trung Quốc thay đổi. Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài khiến nhiều người phải cân nhắc chi tiêu. Lúc này trang mua sắm Temu và ứng dụng bán lẻ Pinduoduo thuộc sở hữu của ông Huang trở thành địa chỉ tin cậy. Pinduoduo thu hút người tiêu dùng bằng những đợt giảm giá lớn và nhiều loại sản phẩm, đôi khi đưa ra mức giá thấp đến mức đáng kinh ngạc trong một lĩnh vực đang cạnh tranh khốc liệt.
Với khối tài sản trị giá 48,6 tỷ USD, ông Colin Huang đã soán ngôi giàu nhất Trung Quốc từ “vua nước đóng chai” Zhong Shanshan.
Ông Huang cũng là “ông trùm công nghệ” đầu tiên đứng ở vị trí người giàu nhất Trung Quốc trong hơn 3 năm qua khi Chính phủ Trung Quốc có những biện pháp quản lý mạnh tay với các công ty công nghệ.
“Jack Ma và Jeff Bezos đã từng là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành đạt trong thời đại của họ, nhưng thời thế đã thay đổi và Huang đang đạt được thành công lớn với một cách tiếp cận khác, ít nổi bật hơn”, ông Brock Silvers, giám đốc điều hành tại công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital cho biết.
Thần đồng toán học
Không giống như Jack Ma, một giáo viên tiếng Anh chuyển sang khởi nghiệp, Colin Huang đại diện cho thế hệ doanh nhân công nghệ Trung Quốc mới, những người bắt đầu sự nghiệp của mình với những cơ hội toàn cầu.
Ngay từ khi còn nhỏ, Colin Huang đã được xem là thần đồng toán học. Năm 12 tuổi, tài năng toán học phi thường của Huang đã giúp cậu học sinh ưu tú có được một suất học tại Trường Ngoại ngữ Hàng Châu danh giá. Đây là nơi Huang được học cùng lớp với con cháu của giới tinh hoa chính trị và xã hội Trung Quốc.
Sau khi tốt nghiệp với bằng khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, năm 2002, Huang rời Trung Quốc để theo học chương trình thạc sĩ tại Đại học Wisconsin.
Colin Huang chụp ảnh cùng huyền thoại đầu tư Warren Buffett
Hai năm sau khi tốt nghiệp, Huang trở về Trung Quốc để giúp thành lập chi nhánh Google tại quốc gia tỷ dân. Huang thành lập công ty đầu tiên của mình vào năm 2007, sau đó bán vào năm 2010 để bắt đầu một lĩnh vực kinh doanh mới là giúp các công ty tự tiếp thị trên các trang web như Taobao của Alibaba hoặc JD.com.
Khi bị nhiễm trùng tai khiến anh phải nghỉ ngơi năm 2013, Huang đã nảy ra ý tưởng về Pinduoduo.
“PDD Holdings (công ty do Huang thành lập) không phải là để người dân Thượng Hải cảm thấy như đang sống cuộc sống ở Paris, mà là đảm bảo rằng người dân An Huy có giấy nhà bếp và trái cây tươi”, Huang nói trong cuộc phỏng vấn năm 2018 với tạp chí Caijing.
“Mục tiêu không phải là giá rẻ, mà là khiến người dùng cảm thấy như họ đã có được một món hời”.
Trong công việc, Huang nổi tiếng vì vấp phải sự phản đối từ các nhà cung cấp do chính sách hạ giá “khủng khiếp”, đồng thời có chế độ làm việc khắc nghiệt cho chính bản thân và nhân viên.
Ngay sau cuộc điều tra về điều kiện làm việc sau cái chết của một nhân viên vào năm 2021, PDD vẫn tiếp tục yêu cầu nhân viên làm việc từ 11 giờ sáng đến 11 giờ tối, sáu ngày một tuần, cộng với làm thêm giờ.
Đây là một biến thể của văn hóa “996” (văn hóa làm việc 12 giờ mỗi ngày, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần, 72 giờ mỗi tuần) của ngành công nghệ mà các công ty như ByteDance Ltd. và Alibaba đã tránh xa sau sự giám sát của cơ quan quản lý.
Tránh xa ánh đèn sân khấu
Trẻ tuổi, thành công sớm, sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng Colin Huang là người rất kín đáo. Tỷ phú 44 tuổi tránh xa “ánh đèn sân khấu” khi quyết định từ chức giám đốc điều hành của PDD vào năm 2020 và rời khỏi hội đồng quản trị với tư cách là chủ tịch vào năm 2021. Đây là thời điểm là Bắc Kinh áp dụng những biện pháp quản lý mạnh tay với các ông lớn công nghệ nước này.
Trong bức thư gửi Hội đồng quản trị, Huang cho biết, lý do từ chức là để ” theo đuổi sở thích cá nhân là nghiên cứu thực phẩm và khoa học đời sống”.
Vào khoảng thời gian đó, PDD và giá trị tài sản ròng của Huang bắt đầu lao dốc.
Colin Huang trong một sự kiện của PDD
Tuy nhiên, Temu, sản phẩm của PDD bên ngoài Trung Quốc, đã củng cố doanh thu cho công ty. Temu tăng vọt lên vị trí hàng đầu trên các cửa hàng ứng dụng ở Hoa Kỳ sau khi ra mắt vào tháng 9/2022. Ứng dụng này nhắm đến những người Mỹ mệt mỏi vì lạm phát với các sản phẩm giá rẻ, không có thương hiệu được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc. PDD báo cáo doanh thu khoảng 248 tỷ Nhân dân tệ (tương đương với 35 tỷ USD) vào năm ngoái, tăng 90% so với năm 2022.
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mọi người đều tìm kiếm giải pháp chi tiêu cho số tiền khiêm tốn. Đây là thời điểm tỏa sáng cho các nhà bán lẻ như Temu”, ông Neil Saunders, một nhà phân tích bán lẻ tại GlobalData Retail cho biết.
Cùng với việc Trung Quốc bãi bỏ chính sách Covid-Zero, mọi thứ đã thúc đẩy sự gia tăng trong định giá của PDD. Vào tháng 11, công ty đã vượt qua Alibaba lần đầu tiên để trở thành công ty internet lớn thứ hai của Trung Quốc. Hai đối thủ đã cạnh tranh quyết liệt kể từ đó.
Nguồn: vtv.vn