Năm 2023, Bắc Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số thành phần chưa cao dẫn đến PCI chưa ổn định.
Theo báo cáo thường niên Chỉ số PCI năm 2023, tỉnh Bắc Ninh đạt 65,96 điểm, giảm 3,12 điểm so với 2022. Trong khảo sát năm 2023, VCCI chỉ xếp hạng 30/63 tỉnh/thành phố, theo đó, tỉnh Bắc Ninh nằm ngoài nhóm 30 đơn vị tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất.
Thẳng thắn nhìn nhận “điểm nghẽn”
Đây là năm thứ 19 VCCI đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố cả nước. Đây cũng là năm đầu tiên Bắc Ninh nằm ngoài Top 30 PCI sau 17 năm giữ thứ hạng cao trên Bảng xếp hạng (vị trí cao nhất là xếp thứ 2 năm 2011, thấp nhất là thứ 20 năm 2007).
Bên cạnh 4/10 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường tăng 0,28 điểm; Tính minh bạch tăng 0,09 điểm; Tính năng động của chính quyền tăng 0,19 điểm; Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự tăng 0,55 điểm, thì có tới 6/10 chỉ số thành phần giảm điểm, là: Chi phí thời gian giảm 0,8 điểm; Tiếp cận đất đai giảm 0,09 điểm; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm 1,01 điểm; Đào tạo lao động giảm 1,06 điểm; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng 1,02 điểm; Chi phí không chính thức giảm 0,04 điểm.
Sự tụt hạng của các chỉ số thành phần tuy chưa phản ảnh đầy đủ, toàn diện nỗ lực, quyết tâm cải cách, kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi của chính quyền tỉnh nhưng là cơ hội, áp lực tốt để Bắc Ninh đổi mới tư duy hành động, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh ở mức độ cao hơn, hiệu quả hơn. Theo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Bắc Ninh, tỉnh thẳng thắn nhìn nhận rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh ở một số lĩnh vực chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Những nỗ lực cải thiện chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, còn rào cản, điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ.
Tuy nhiên, ông Đinh Nam Thắng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Bắc Ninh cho rằng, việc các chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng không có nghĩa là các cơ quan, đơn vị của tỉnh chưa nỗ lực cao trong cải cách, trong thực thi công vụ, mà có thể là sự quan tâm, nỗ lực đó trong một số lĩnh vực chưa đủ lớn để tạo đột phá trong cải cách; hoặc cũng có thể là do tỉnh đã tích cực cải thiện nhưng do Bắc Ninh có số lượng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp luôn đặt kỳ vọng cao, cùng với đó là một số tỉnh ở nhóm trung bình của bảng xếp hạng có những tiến bộ về mặt điểm số, đẩy thứ hạng của tỉnh xuống thấp. Vấn đề là sau khi tụt hạng, tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương đã đánh giá đầy đủ các nguyên nhân chủ quan, khách quan để kịp thời đưa ra giải pháp cải thiện.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực tế cho thấy, gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” vẫn là vấn đề lớn khi còn nhiều doanh nghiệp ngoài thủ tục đăng ký thành lập, còn gặp khó khăn về thủ tục sau đăng ký, như: cấp phép phòng cháy chữa cháy, các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện ngành nghề kinh doanh, phù hợp quy chuẩn kỹ thuật và các loại giấy phép khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cộng đồng doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh chưa đủ tốt.
Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân khiến Chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh bị giảm điểm một phần là do các quy định pháp luật chưa thật sự đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách dẫn đến việc thực thi gặp khó khăn. Trong khi đó, mặc dù việc phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã được triển khai, nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm nhiều đến các dịch vụ này, cộng với cơ sở dữ liệu về đất đai chưa được hoàn thiện nên còn khó khăn trong việc liên thông giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Giải pháp nào tháo gỡ?
Ông Lê Đắc Thuật, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Bắc Ninh cho biết, tỉnh luôn xác định lấy sự hài lòng của Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp là đích đến của mọi sự phục vụ. Điều này đã được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá, ghi nhận nhiều năm thông qua thứ hạng các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PCI và PAPI.
Tuy nhiên, theo ông Thuật, giải pháp không phải là hô khẩu hiệu mà cần có hành động cụ thể, nói đi đôi với làm, có hình thức khen thưởng đối với trường hợp làm tốt, xử lý đối với trường hợp chưa đạt yêu cầu; cần coi việc nâng cao thứ hạng các Bộ chỉ số nói trên là việc “phải làm và làm sớm”; các sở, ngành, địa phương cần coi việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tập trung thực hiện.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Bắc Ninh, để hành động vì một môi trường kinh doanh thuận lợi, Bắc Ninh cần tiếp tục nỗ lực xây dựng nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện với người dân, doanh nghiệp; xây dựng bộ máy hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC về đất đai, sớm công khai cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức. Đồng thời cần tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp cho biết còn nhiều phiền hà như thuế, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, môi trường; kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Điều quan trọng nhất hiện nay đó là cần tập trung cao đón bắt thời cơ, cơ hội mới; tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong chính quyền các cấp, lan tỏa khát vọng, bản lĩnh tạo đột phá đến từng cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh. Tin tưởng rằng, năm 2024, Chỉ số PCI của tỉnh sẽ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, vị trí cao hơn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn