Saturday, November 30, 2024

Ninh Bình: Quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công

Tỉnh Ninh Bình quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 gắn với đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

Cần sự nỗ lực

Năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công của tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 6.459,9 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương là 611,3 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 5.848,5 tỷ đồng.

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công tác nghiệm thu, thanh, quyết toán khối lượng hoàn thành của các dự án. Đặc biệt, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương năm 2024 đã được UBND tỉnh giao.

Với những giải pháp đồng bộ, tổng số vốn đầu tư thực hiện 6 tháng đầu năm toàn tỉnh ước đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng tháng năm trước.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực tăng tốc cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế-xã hội của địa phương, tỉnh đã chủ động rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một số dự án đầu tư công trong quá trình triển khai thực hiện. Để từ nay đến cuối năm 2024 hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công quá hạn hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Ninh Bình: Quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công

Trên công trường thi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn I) – Ảnh Báo Ninh Bình

Ông Trần Song Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan tài chính địa phương phối hợp với Kho bạc Nhà nước cùng cấp rà soát, thu hồi số vốn tạm ứng đối với các dự án đầu tư công quá hạn, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Khi đề nghị mức tạm ứng cao hơn 30% giá trị hợp đồng theo quy định phải căn cứ vào tiến độ thực hiện khối lượng của hợp đồng, khả năng thu hồi vốn tạm ứng của dự án, đánh giá kỹ lý do, sự cần thiết tăng tỉ lệ tạm ứng và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, thực hiện đúng các quy định hiện hành về việc tạm ứng vốn. Mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng, mức thu hồi tạm ứng từng lần, thời điểm thu hồi tạm ứng từng lần theo đúng quy định phải được ghi cụ thể trong hợp đồng và phải phù hợp với tiến độ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng và khối lượng thực hiện theo từng năm.

Đối với các dự án đang thực hiện còn dư số tạm ứng chưa thu hồi, phải khẩn trương thực hiện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thu hồi vốn tạm ứng, đảm bảo thu hồi hết khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng (trừ trường hợp được người có thẩm quyền cho tạm ứng ở mức cao hơn).

Đối với các khoản tạm ứng quá hạn, tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân từng khoản tạm ứng quá hạn; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân phải hoàn ứng; đề xuất các phương án xử lý triệt để và quyết liệt thực hiện, đảm bảo thu hồi hết số tạm ứng quá hạn (bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra tòa, chuyển cơ quan thanh tra, công an).

Lập báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo từng dự án gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán nơi giao dịch và cơ quan cấp trên của chủ đầu tư theo quy định.

Đồng thời, yêu cầu Thanh tra tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, có kế hoạch thanh tra đối với các trường hợp tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn Ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Việt Bách – Đại diện Công ty xây dựng CT Bách Việt: Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, các dự án đến nay vẫn đang gặp một số vấn đề khó khăn như: Đa số các dự án đều gặp khó khăn trong quá trình kê khai kiểm đếm, áp giá (liên quan quy hoạch sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất so với quy hoạch, kinh phí bồi thường GPMB tại thời điểm thực hiện vượt nhiều so với chi phí dự kiến trong tổng mức đầu tư, khó khăn về đền bù giải phóng đối với đất thổ cư…) nên ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2024 các nguồn vốn do tỉnh quản lý, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư phải xác định giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm tất cả các nguồn vốn.

Đồng thời, các chủ đầu tư phối hợp với các ngành liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công, đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn đầu tư công các dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của tỉnh, nhất là các dự án: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường kết nối Quốc lộ 12B với Quốc lộ 10 đoạn Yên Mô-Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (tuyến ĐT.480E cũ); xây dựng tuyến đường Bái Đính (tỉnh Ninh Bình)-Ba Sao (Hà Nam) đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II).

Ninh Bình: Quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công

Dự án tuyến đường Đông-Tây đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu thông xe dịp kỷ niệm Quốc khánh 02/9 (Ảnh Báo Ninh Bình)

Ông Đặng Hữu Trường – Phó Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết: Năm 2024, tổng kế hoạch vốn giao cho Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (QLDAGT) tỉnh là 1.094.986 triệu đồng. Trong trong đó có 3 công trình giao thông trọng điểm, được xác định là các dự án lớn có sức lan tỏa, có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển bền vững của tỉnh cũng như khu vực.

Tuy nhiện, hiện một số dự án phải thực hiện công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án do tăng chi phí GPMB. Bên cạnh đó, các địa phương bàn giao mặt bằng không được liên tục nên ảnh hưởng tới việc bố trí máy móc, nhân lực, nguyên vật liệu để thi công của các nhà thầu. Ngoài ra, một số dự án mới mới được phê duyệt dự án đầu tư, đang tổ chức thực hiện các các bước tiếp theo, dự kiến khởi công dự án trong quý IV/2023. Việc tập trung nhân lực, máy móc thiết bị của nhà thầu chưa đảm bảo dẫn đến tiến độ không đúng theo cam kết.

Để đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh hiện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để sớm trình duyệt được dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Phối hợp chặt chẽ với hội đồng bồi thường, GPMB các huyện có dự án đi qua, đấy nhanh tiến độ GPMB, sớm có mặt bằng sạch bàn giao cho các nhà thầu thi công.

Ông Trường chia sẻ: “Chúng tôi cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thực hiện các gói thầu, nhưng yêu cầu phải đúng cam kết về tiến độ, chất lượng, mỹ thuật công trình. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng và báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét bổ sung nhà thầu thi công nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ. Ban cũng yêu cầu các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế thực hiện nghiêm túc phần việc của mình. Khối lượng công việc hoàn thành sẽ được chúng tôi tổ chức nghiệm thu, phối hợp với các ngành liên quan để thanh quyết toán, phấn đấu đến ngày 31/12 giải ngân đạt trên 95% vốn đã được tỉnh bố trí cho Ban”.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img