Dù nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng 78% doanh nghiệp công nghệ thông tin khó khăn tìm kiếm nhân sự có kỹ năng đáp ứng yêu cầu.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), công nghệ thông tin trong top 3 lĩnh vực mà doanh nghiệp có ý định tuyển dụng mạnh mẽ nhất trong quý 3 tới. Tuy nhiên, 78% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự có kỹ năng đáp ứng yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh – Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao miền Bắc của ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh: công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ đòi hỏi các nhân sự không chỉ bắt nhịp mà còn phải nắm vai trò tiên phong. Bên cạnh máy móc và thuật toán, lĩnh vực công nghệ thông tin còn bao gồm những nhân sự giúp các công nghệ trở nên hữu ích.
Theo ManpowerGroup, năm 2024 sẽ có 8 xu hướng lao động chính ngành công nghệ thông tin đang thúc đẩy đổi mới và tác động đến các doanh nghiệp, nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Đứng đầu danh sách là trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện AI và máy học đang được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp song khoảng cách về kỹ năng lao động đang gia tăng. Các giám đốc tuyển dụng trên toàn thế giới đã xếp việc “đào tạo người lao động để phát huy AI trong công việc hiện tại” là thách thức lớn nhất, với 78% doanh nghiệp lo ngại không thể đào tạo người lao động đủ nhanh để theo kịp sự phát triển của công nghệ.
Thứ hai, công nghệ “trên mây” đang góp phần thay đổi mạnh mẽ doanh nghiệp nhưng nhân sự lành nghề vẫn là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng này. Tại Việt Nam, kỹ sư điện toán đám mây có thể nhận lương từ 1.800 – 4.000 USD/tháng (tương đương từ 45 – 100 triệu đồng).
Thứ ba, kỹ năng mềm ngày càng có vai trò quan trọng, bao gồm khả năng hợp tác, thích nghi, và chịu đựng áp lực.
Thứ tư, bùng nổ sản xuất chip bán dẫn khiến nhu cầu nhân lực lành nghề gia tăng mạnh mẽ. Tính đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu sẽ cần thêm hơn 1 triệu lao động. Con số tuyển dụng nhân sự mảng này tại Việt Nam là khoảng 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn, mỗi năm tăng 10 – 15%.
Thứ năm, điện toán lượng tử đang chuyển đổi từ nghiên cứu lý thuyết sang ứng dụng thực tế. Tính đến năm 2025, có tới 50% việc làm về điện toán lượng tử trên toàn cầu có thể vẫn bỏ trống. Tại Việt Nam, nguồn cung lao động cho mảng này vô cùng hạn hẹp và có rất ít cơ sở đào tạo trong nước giảng dạy các chương trình về điện toán lượng tử.
Thứ sáu, xanh hóa ngành công nghệ thông tin hướng tới phát triển bền vững. Tính đến năm 2027, 80% CIO (giám đốc công nghệ thông tin cấp cao) sẽ có các chỉ số hiệu suất công việc gắn liền với tính bền vững của bộ phận công nghệ thông tin. Hầu hết các doanh nghiệp công nghệ trên toàn cầu cho biết đang cân nhắc hoặc đã tích cực tuyển dụng ứng viên sở hữu kỹ năng xanh.
Thứ bảy, an ninh mạng với nhu cầu nhân lực lành nghề cần thêm 4 triệu nhân tài an ninh mạng để giải quyết các mối đe dọa ngày càng nhiều trên toàn cầu.
Cuối cùng là chuyển đổi số lấy con người làm trung tâm, có đến 82% doanh nghiệp đang đầu tư vào nhân tài mới để làm chủ những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn