Sunday, August 18, 2024

Gỡ điểm nghẽn trong tuyển dụng giáo viên

Nhiều năm nay, khi tổng kết năm học ngành giáo dục đều nêu con số “khủng” về tình trạng thiếu giáo viên, năm sau cao hơn năm trước; dù đủ các đề xuất, kiến nghị đã được nêu ra từng năm.

Phản hồi bài viết của Báo Thanh Niên về tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên, dư luận hoài nghi con số thiếu hụt này vì chứng kiến rất nhiều cử nhân sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp hoặc chỉ dạy hợp đồng với lương “ba cọc ba đồng”.

Không ít ý kiến cho rằng để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên (GV), ngoài tăng lương cần minh bạch trong tuyển dụng. Vì hiện nay rất nhiều thông tin cho rằng để vào được biên chế GV cần phải “chung chi”. Thực tế nhiều người rất yêu nghề giáo, học sư phạm xong nhưng không có việc đúng chuyên môn, nên phải cất bằng đi làm nghề khác, rất lãng phí. Bên cạnh đó, nhiều người muốn theo nghề giáo nhưng không dám thi vào sư phạm vì sợ không xin được việc.

Tuy nhiên, dù minh bạch trong tuyển dụng GV được tuân thủ thì cũng chưa chạm vào điểm nghẽn trong chính sách về tuyển dụng GV, bởi vấn đề mấu chốt hiện nay vẫn là ngành giáo dục không có quyền quyết định nhân lực cho chính mình. Họ chỉ có quyền nêu thực tế thiếu bao nhiêu GV, cần tuyển bao nhiêu ở môn học nào, cấp học nào…; còn được giao bao nhiêu chỉ tiêu thì họ không được quyết định.

Ngay như Hà Nội những năm gần đây, năm nào ngành giáo dục thủ đô cũng báo cáo thiếu trên dưới 10.000 GV tất cả các cấp học; rồi năm nào TP cũng họp và quyết định giao khoảng… vài ba nghìn chỉ tiêu. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội từng chỉ ra thực tế, từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục cơ bản giữ nguyên dù trường lớp tăng, học sinh tăng cùng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt; số lượng biên chế toàn TP chỉ đáp ứng khoảng 90% nhu cầu biên chế của các trường công lập.

Bản thân Bộ GD-ĐT cũng than thở vì “tha thiết” đi xin thêm chỉ tiêu biên chế GV, nhưng giao cho các địa phương thì chính quyền địa phương lại chỉ tuyển một phần, còn lại “để dành” vì nhiều lý do, trong đó có việc trừ vào 10% chỉ tiêu biên chế phải cắt giảm hằng năm. Ngành giáo dục từ cấp trường cho tới cấp bộ nhiều lần đã đề nghị không cắt giảm biên chế một cách cơ học với ngành giáo dục, vì có học sinh thì phải có người dạy; thiếu GV mà không được tuyển thêm, lại còn phải cắt giảm thì thực sự các trường không biết “cắt vào ai”. Tuy nhiên, năm này qua năm khác, đề nghị này vẫn chỉ đang được “lắng nghe”.

Dự thảo luật Nhà giáo đang xin ý kiến có một nội dung được xem là đột phá, đó là quy định giao cho ngành giáo dục được quyền quyết định trong tuyển dụng, luân chuyển GV trong các cơ sở công lập, thay vì ngành nội vụ và UBND các cấp như hiện nay. Dự thảo quy định này được chuyên gia giáo dục đồng tình hưởng ứng, kỳ vọng, bởi họ cho rằng quyền quyết định này cần được giao về từng nhà trường, cơ sở giáo dục chứ không phải chỉ là phòng, sở hay Bộ GD-ĐT.

Nếu làm được điều này, việc thừa, thiếu GV như hiện nay chắc chắn sẽ được khắc phục. Cùng với việc có quyền tuyển dụng, người đứng đầu cơ sở GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm lớn nhất về chất lượng đội ngũ, cũng là chất lượng giáo dục ở chính đơn vị mình. Khi ấy, không thể đổ lỗi thiếu GV hoặc chất lượng GV không đảm bảo do không được trực tiếp tuyển dụng.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi