Sunday, August 18, 2024

TP.HCM sẽ làm hơn 26.000 căn nhà ở xã hội

Dự kiến từ nay đến hết năm 2025, TP.HCM sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư 26.200 căn nhà ở xã hội, giúp người dân thu nhập thấp tiếp cận nhà ở.

Phấn đấu đạt 40 triệu m2 sàn nhà ở, 26.200 căn nhà ở xã hội

UBND TP.HCM vừa ban hành chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến năm 2025. Chỉ thị đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ít nhất 7,5% và năm 2025 đạt từ 8 – 8,5%; tỷ trọng kinh tế số lần lượt là 22% và 25% trong 2 năm 2024 – 2025.

TP.HCM phấn đấu đưa các chỉ số PCI, Par-Index nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước đến cuối năm 2025; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 6,5%.

Về nhà ở, địa phương phấn đấu đạt từ 40 triệu m2 sàn nhà ở trở lên và xây dựng ít nhất 26.200 căn nhà ở xã hội. Đến năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hoặc tái chế đạt 80% trở lên; phát triển ít nhất 150 ha đất công viên cây xanh.

Để đạt mục tiêu nhà ở, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng và trình kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư và đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ bị hư hỏng xuống cấp trên địa bàn. Về nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội.

TP.HCM sẽ làm hơn 26.000 căn nhà ở xã hội

TP.HCM phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 40 triệu mét vuông sàn nhà ở trở lên

SỸ ĐÔNG

TP.HCM xác định tập trung 3 động lực truyền thống

Tính từ năm 2021 đến tháng 6.2024, TP.HCM mới hoàn thành 4 dự án, gồm 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 1.233 căn hộ. Ngoài ra, TP.HCM cũng có 6 dự án với tổng quy mô 4.386 căn hộ đang thi công.

Theo Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, đến năm 2030 TP.HCM xây dựng khoảng 69.700 – 93.000 căn.

Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao, TP.HCM xác định tập trung 3 động lực truyền thống gồm: thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư; thực hiện chi tiêu công hiệu quả, tiếp tục kích cầu tiêu dùng và chương trình bình ổn thị trường; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

TP.HCM sẽ làm hơn 26.000 căn nhà ở xã hội

Các TikToker livestream bán hàng ở chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM)

SỸ ĐÔNG

Bên cạnh đó, địa phương chú trọng thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, Sở KH-CN triển khai các chính sách đầu tư cho khoa học và công nghệ như hình thành các trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp, xây dựng các mô hình xã hội hóa, hợp tác công tư…

Sắp tới, TP.HCM tổ chức các diễn đàn, hội thảo, triển lãm, cuộc thi về công nghệ tài chính (Fintech); thực hiện chuỗi kết nối giữa cộng đồng Fintech, các ngân hàng Việt Nam với cộng đồng Fintech Đông Nam Á; tổ chức diễn đàn để kết nối giữa các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư, cộng đồng khởi nghiệp và các nhà nghiên cứu.

Về chuyển đổi số, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM được giao nhiệm vụ phối hợp các đơn vị nghiên cứu triển khai chương trình “Trăm doanh nghiệp, Vạn đơn hàng, Triệu tài khoản” thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng thời, nghiên cứu đề án Tổ chức hành lang kết nối khu vực lõi của trung tâm (các tuyến đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ, Q.1) và khu công viên bờ sông Sài Gòn (thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm) phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế ven sông, kinh tế đêm.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi