Sunday, August 18, 2024

Có nên ‘nhảy việc’ khi đồng nghiệp cũ rủ rê?

Khi một đồng nghiệp cũ rủ rê bạn nhảy việc, có nhiều yếu tố cần cân nhắc để bạn đưa ra quyết định.

Đồng nghiệp cũ gọi điện và đề nghị bạn nhảy việc sang công ty mới cùng họ, cảm giác đầu tiên có thể là hứng thú. Một cơ hội mới, môi trường làm việc khác và có lẽ là mức lương hấp dẫn hơn. Nhưng liệu đây có thực sự là một cơ hội vàng hay chỉ là một cái bẫy tiềm ẩn?

“Nhảy việc” sẽ có cơ hội mới?

Chị Ngọc (27 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một chuyên viên truyền thông đã có 3 năm làm việc tại một công ty khá nổi tiếng. Mọi thứ đều ổn định cho đến khi chị nhận được một cuộc gọi từ chị Lan, một đồng nghiệp cũ đã chuyển sang công ty khởi nghiệp về công nghệ.

Chị Lan rủ chị Ngọc chuyển sang công ty mình làm vì đang còn nhiều vị trí trống. Người đồng nghiệp cũ này nói về những cơ hội mới, dự án sáng tạo và hứa hẹn về môi trường làm việc năng động, thân thiện.

Nghe lời mời gọi hấp dẫn, chị Ngọc đã quyết định chuyển công ty. Chị kể, ban đầu chị rất hứng khởi, có nhiều trải nghiệm mới. Chị cũng được đề xuất một mức lương và chế độ đãi ngộ cao hơn.

Tuy nhiên sau một thời gian làm việc, chị nhận ra công ty có rất nhiều điểm bất ổn. Chị phải nắm trong tay nhiều đầu việc và phải làm việc ngoài giờ hành chính, điều đó khiến chị Ngọc cảm thấy căng thẳng, áp lực.

“Có lẽ, tôi đã quá vội vàng khi đưa ra quyết định nhảy việc. Không kể đến những khó khăn trong công việc, tôi còn cảm thấy xấu hổ khi gặp mặt sếp ở công ty trước đây. Họ là người đã dìu dắt, nâng đỡ tôi từ ngày đầu, cũng hỗ trợ tôi hết mình trong công việc. Vậy mà tôi vì một chút lợi ích trước mắt mà rời đi”, chị Ngọc chia sẻ

Tương tự, anh Nhật Hào (23 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng từng nhận được lời rủ rê nhảy việc từ đồng nghiệp cũ. Dù bị lay động trước những phúc lợi đưa ra nhưng anh vẫn quyết tâm ở lại.

“Tôi mới ra trường, muốn tìm một công ty ổn định để gắn bó, ít nhất là 2 hoặc 3 năm. Ở công ty hiện tại, tôi vẫn đang được nhận những phúc lợi và đãi ngộ tốt từ cấp trên nên không có lý do gì để nhảy việc. Nếu cứ nhảy việc theo cảm tính sẽ rất bất lợi cho tôi trong tương lai. Thay vì đứng núi này trông núi nọ, tôi sẽ cố gắng phát triển, nỗ lực thật nhiều để sớm được thăng chức, tăng lương, nâng cao giá trị bản thân mình”, anh Hào nói.

Có nên 'nhảy việc' khi đồng nghiệp cũ rủ rê?

Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đồng ý lời rủ rê “nhảy việc” của đồng nghiệp cũ

UYỂN NHI

Cần cân nhắc trước khi “nhảy việc”

Chị Nhật Linh (22 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ, chị cũng từng được đồng nghiệp cũ rủ qua công ty mới về lĩnh vực truyền thông, sự kiện để làm việc. Đồng nghiệp liệt kê cho chị Linh nhiều điểm mạnh của công ty, tuy nhiên chị Linh không vội vàng đưa ra quyết định mà chị cân nhắc trước lời mời chào của đồng nghiệp.

“Tôi thường so sánh công việc hiện tại và công việc mới như: Mức lương, phúc lợi, cơ hội phát triển bản thân, văn hóa công ty mới có phù hợp với tôi hay không và công ty mới có tính ổn định về tài chính và nhân sự hay không. Ngoài ra, công ty mới có phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của tôi hay không. Sau khi tìm hiểu thông tin khách quan và xem xét yếu tố chủ quan, tôi thấy công ty mới không thực sự phù hợp với tôi”, chị Linh nói.

Chị Linh chia sẻ thêm, nếu nhận được lời mời từ đồng nghiệp cũ rủ qua công ty mới làm thì đầu tiên chúng ta cần nói lời cảm ơn đến họ. Nếu không nhận lời mời, chúng ta hãy từ chối lịch sự, khéo léo và thể hiện sự tôn trọng đến với đồng nghiệp của mình. Không nên nói xấu công ty mới hay so sánh 2 công ty với nhau, bởi những điều này sẽ gây ảnh hưởng đến cơ hội tuyển dụng trong tương lai.

Quyết định chuyển sang công ty mới cùng đồng nghiệp cũ hay không phụ thuộc vào tình hình cụ thể và mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi