Thường ‘sáng đèn’ từ 21 giờ và kết thúc khi ngày mới bắt đầu, những lớp học livestream giờ ‘lạ’ trên TikTok ngày càng nở rộ với nhiều đặc điểm đáng chú ý, song cũng kéo theo nhiều mối lo ngại.
ĐA DẠNG MÔN HỌC, CÁCH DẠY
Ngân cho biết các lớp học livestream (phát trực tiếp, gọi tắt là live) trên TikTok thường kéo dài đến nửa đêm, thậm chí đến rạng sáng khoảng 1 – 2 giờ trong những ngày “nước rút” trước thi. Giờ “lạ” là thế, song những buổi học này không thiếu HS. “Như các phiên livestream em theo dõi thường có tầm 100 – 200 “mắt”, trong giờ học các bạn rất nhiệt tình bình luận để trả lời câu hỏi và tương tác với giáo viên (GV)”, Ngân chia sẻ.
Có hai lý do chính khiến nữ sinh chọn học trên TikTok vào đêm khuya. Thứ nhất, những lớp này dù miễn phí “nhưng thầy cô vẫn dạy rất tâm huyết, đầu tư”. Thứ hai, việc cùng học với các bạn đồng trang lứa khác vào buổi tối giúp Ngân “như được tiếp thêm động lực”, tránh xao nhãng. “Em và bạn bè cũng thường chia sẻ cho nhau những kênh TikTok dạy hay, thú vị để tranh thủ ôn luyện thêm”, nữ sinh nhớ lại.
Tương tự, Lê Vũ Lâm, HS Trường THPT Bạch Đằng (Hải Phòng), cũng thường xuyên theo dõi các buổi học livestream TikTok vào nửa đêm. “Em tranh thủ nghe GV giải đề để biết thêm cách ứng dụng kiến thức, nhất là với những gì đã học”, Lâm nói.
Từ giới thiệu của Ngân và Lâm, chúng tôi dành nhiều đêm theo dõi sự nhộn nhịp của các kênh TikTok chuyên live dạy học. Theo khảo sát, từ 22 giờ đến 1 giờ hôm sau là thời gian “cao điểm”, trải dài đa dạng môn nhưng tập trung nhiều nhất ở toán, văn, ngoại ngữ. Nhiều kênh còn ghi rõ lịch live trong phần giới thiệu, hầu hết kéo dài cả tuần, và định kỳ đăng video quảng bá lịch live.
Gọi là live dạy học, song không phải chủ kênh TikTok nào cũng dành 100% thời lượng để chia sẻ kiến thức. Một số GV nhân cơ hội này để tư vấn hướng nghiệp, trong khi số khác tranh thủ quảng bá các sản phẩm giáo dục của bản thân như sách vở, khóa học…
ĐÁP ỨNG NHU CẦU, THÓI QUEN CỦA GIỚI TRẺ
Vì sao live dạy học vào thời điểm đêm khuya, rạng sáng? Anh Nguyễn Ngọc Ân, đồng sáng lập Tổ chức giáo dục Your-E (TP.HCM) và chủ kênh TikTok “TOEIC-IELTS-tiếng Anh hiệu quả”, lý giải nó xuất phát từ chính thói quen sinh hoạt của học trò. “Trước đây khi lướt TikTok, tôi từng thấy một HS lớp 12 dù đã 3 giờ sáng nhưng vẫn live học bài, thu hút hơn 100 người theo dõi. Các bạn chủ yếu trao đổi kiến thức, động viên nhau học tập và điều này giúp tôi nhận ra mình cũng có thể làm điều tương tự”, anh nói.
Hai lý do khác, theo nam GV, là anh có thể giao lưu trực tiếp với HS khi live thay vì chỉ tương tác một chiều nếu như đăng nội dung bình thường, và thời điểm trước 22 giờ anh bận việc văn phòng và các lớp dạy trực tiếp.
Về nội dung live, thời gian đầu anh Ân chỉ tập trung giải đáp những điều liên quan đến bài học. Sau này, khi đã thích ứng, anh bắt đầu chia sẻ những kinh nghiệm học tập, làm việc của bản thân để nội dung buổi live thêm đa dạng. “Tuy nhiên, những buổi live này thành công hay không phần lớn dựa vào thái độ học tập của HS. Bởi, vốn dĩ TikTok có rất nhiều nội dung khác giải trí và cuốn hút hơn”, anh Ân nói thêm.
Tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cô Trương Thị Phương Thảo, GV luyện thi kiêm chủ kênh TikTok “Học tiếng Anh cùng cô Thảo”, thường chọn livestream vào khung cố định từ 21 – 23 giờ để tạo cho HS thói quen học tập, và bổ sung lịch trưa từ 11 giờ 30 – 12 giờ 30 nếu vào giai đoạn chuẩn bị thi cử. “Nội dung chính của các buổi live là kiến thức phổ thông và giải đề thi tốt nghiệp THPT”, cô Thảo cho hay.
Theo nữ GV, việc chọn live vào khung giờ đêm khuya là bởi lẽ HS, đặc biệt là các bạn cuối cấp, thường bận rộn từ sáng đến tối, từ học trên trường đến học thêm trung tâm. Vì thế, cô muốn tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi còn lại của học trò nếu các bạn muốn dành nó để ôn bài thêm, vì thời điểm này không còn nhiều GV còn thức và sẵn lòng hỗ trợ. “Trong tương lai, tôi có thể mở những buổi “megalive”, tức dạy liên tục 4 – 5 tiếng thay vì chỉ 1 – 2 tiếng như hiện tại”, cô Thảo nói thêm. “Khi dạy live, bạn không chỉ là GV mà còn là một nghệ sĩ”, cô Thảo nhấn mạnh.
Cả hai chủ kênh TikTok live vào đêm khuya, rạng sáng đều nhận định việc GV live vào khung giờ “lạ” này không hiếm, và hoạt động này bắt đầu nở rộ từ mùa thi cử năm nay. Theo cô Phương Thảo, nhiều GV còn mở rộng live lúc 5 – 6 giờ sáng. Các phiên live nhìn chung đều được đón nhận, nhiều trong số đó là các bạn học trò nghèo không có cơ hội tiếp cận các khóa ôn thi chuyên nghiệp, theo anh Ngọc Ân.
CẨN TRỌNG VỚI MỤC ĐÍCH TUYỂN SINH KHÓA HỌC
Thạc sĩ Bùi Văn Công, GV luyện thi đánh giá năng lực (ĐGNL) trực tuyến tại TP.HCM kiêm chủ kênh TikTok “Ôn thi ĐGNL-thầy Bùi Văn Công”, cho hay thời điểm thi cử cuối năm học và nghỉ hè là giai đoạn có đông đảo GV dạy live trên TikTok, “chủ yếu vì mục đích tuyển sinh khóa học”. “Giờ dạy live hầu hết từ 21 – 23 giờ, nhưng vì đang dịp nghỉ hè nên có thể nhiều thầy cô dạy đến tận sáng”, thầy Công nói.
Có nhiều năm dạy live, thạc sĩ Công cho rằng nhiều GV khi lên TikTok chỉ chăm chăm vào các nội dung thú vị để thu hút học trò đăng ký khóa học, “không có lộ trình bài bản và mang lại hiệu quả kiến thức khá khiêm tốn”. “Ở trường hợp này, buổi live giống như một “sản phẩm dùng thử”, giúp HS tiếp xúc trước với GV, tài liệu trước khi quyết định có nên mua khóa học của GV đó hay không”, thầy Công phân tích.
Đó cũng là lý do nam GV khuyên HS tỉnh táo và có sự cân nhắc phù hợp trước khi theo dõi các buổi học live trên TikTok, tránh mất thời gian.
Tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất – tinh thần
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê, Phó chủ tịch Chi hội Bệnh lý mất ngủ VN kiêm giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhận xét rủi ro lớn nhất khi HS chọn theo dõi những buổi dạy live vào đêm khuya, rạng sáng là bị rối loạn nhịp sinh học. “Việc có ngày ngủ sớm, ngày lại ngủ muộn sẽ khiến cơ thể, cảm xúc bị rối loạn, về lâu dài có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất – tinh thần nói chung, hiệu quả học tập nói riêng”, bác sĩ Khuê nhận xét.
Lý giải cụ thể hơn, bác sĩ Khuê cho hay người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7 – 9 giờ mỗi ngày để cơ thể hồi phục sau một ngày vận động. Trong đó, mỗi giai đoạn trong giấc ngủ đảm nhận một chức năng khác nhau. Trong một đêm, giấc ngủ gồm 2 giai đoạn chính: non-REM (giấc ngủ không có cử động mắt nhanh) và REM (giấc ngủ có cử động mắt nhanh). Giai đoạn non-REM chia thành ba giai đoạn nhỏ, từ nông đến sâu: N1, N2, N3.
“Nhìn chung, giai đoạn ngủ sâu N3 chủ yếu giúp cơ thể phục hồi thể chất, tạo điều kiện phát triển chiều cao, tăng sức đề kháng. Trong khi đó, giấc ngủ REM tập trung vào việc hồi phục tinh thần, củng cố trí nhớ, xử lý cảm xúc”, chuyên gia cho hay.
Đáng chú ý, giai đoạn N3 chủ yếu xảy ra ở đầu giấc, còn giai đoạn REM ưu thế ở cuối giấc, hay gần sáng. Thế nên, HS không nên “để dành” giấc ngủ, như đêm thức khuya và chỉ ngủ 4 giờ, rồi đợi đến trưa hôm sau ngủ tiếp 4 giờ còn lại. “Điều này sẽ khiến các bạn mãi không thể đạt đủ giấc ngủ REM, tức chỉ hồi phục được thể chất còn tinh thần vẫn mệt mỏi”, bác sĩ Khuê cho hay.
“Nhìn chung, nếu phải đi học vào buổi sáng, các bạn nên tranh thủ ngủ trước 12 giờ đêm để đạt trạng thái tốt nhất vào hôm sau. Trong trường hợp thực sự phải học bài để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra vào ngày kế tiếp, các bạn có thể ngủ 90 phút (là một chu kỳ của giấc ngủ), sau đó thức dậy học. Tuy nhiên, các bạn phải tranh thủ học sớm và tiếp tục đi ngủ tiếp chứ đừng thức luôn đến sáng để đi thi là không nên”, bác sĩ Khuê lưu ý.
Nguồn: thanhnien.vn