Wednesday, August 21, 2024

Cân nhắc nới lỏng khai thác nước ngầm ở TP.HCM

Trong bối cảnh TP.HCM vẫn đang đối mặt với nguy cơ sụt lún, nhiều chuyên gia cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định nới lỏng quy mô khai thác nước ngầm.

HƠN 116.000 HỘ DÂN ĐÀO GIẾNG KHOAN

Trưa một ngày giữa tháng 8.2024, anh Nguyễn Minh Quốc (ở P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM) bật công tắc máy bơm giếng khoan, tưới nước cho hơn 600 gốc mai, cây cảnh, bon sai trong vườn. Giếng khoan được anh Quốc thuê thợ về làm hơn 4 năm trước, chi phí chừng 4 – 5 triệu đồng. Phần lớn cây cảnh trong khu vườn rộng gần 3.000 m2 đều trồng trong bồn nên anh phải tưới nước thường xuyên, ngày nắng phải tưới 2 lần.

Cân nhắc nới lỏng khai thác nước ngầm ở TP.HCM

Anh Nguyễn Minh Quốc (ở P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM) tưới cây cảnh bằng nước giếng khoan

SỸ ĐÔNG

Nước ngầm cũng là một tài nguyên, nếu khai thác hợp lý sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, không nên cấm tuyệt đối. Tuy nhiên, việc khai thác cần tính toán cụ thể các chỉ số về khả năng khai thác của tầng chứa nước, lượng nước có thể khai thác theo thời gian.

TS Đặng Xuân Trường, Trưởng bộ môn Quản lý hạ tầng đô thị, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

“Dùng nước thủy cục để tưới cây thì chi phí chịu không nổi. Cũng có chủ vườn dùng nước sạch tưới cây, phải làm bồn chứa nước chờ 2 – 3 ngày cho nước bay bớt chất clo; mỗi tháng tốn gần 2 triệu đồng”, anh Quốc nói lý do không gắn đồng hồ nước.

Giếng khoan trên khu đất anh Quốc thuê cũng đa dụng, vừa dùng để sinh hoạt hằng ngày, vừa tưới cây cảnh trong vườn, vừa cho hàng xóm mượn để tưới cây. Để dùng cho sinh hoạt, gia đình làm một bồn lọc và một bồn chứa, nguồn nước này để tắm giặt, nấu ăn; còn nước uống trực tiếp thì mua nước bình loại 20 lít.

Cũng ở P.Thạnh Xuân, ông Phan Bửu Định (62 tuổi) cho biết trước đây cũng dùng giếng khoan, đến khi xây nhà mới thì ông bít giếng lại, sinh hoạt hay tưới cây đều dùng nước thủy cục. Được ít năm, vợ ông Định thấy xót khi phải đóng tiền nước hằng tháng cao, dù sinh hoạt không bao nhiêu, chủ yếu là nước tưới cây. Hiện giá nước sinh hoạt tính theo lũy kế, từ 6 m³ trở lên phải trả 14.900 đồng/m³. Chưa kể, dùng nước sạch phải trả phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (hiện tăng lên 25%). “Muốn khuyến khích người dân không đào giếng khoan thì nhà nước phải có chính sách hỗ trợ người dân, giá nước cho nông dân trồng cây cảnh phải thấp hơn giá nước sinh hoạt, không tính phí xử lý nước thải”, ông Định đề xuất.

Không chỉ ở P.Thạnh Xuân, nhiều vườn mai khác ở P.An Phú Đông (Q.12), TP.Thủ Đức, làng mai Bình Lợi (H.Bình Chánh) cũng phải dùng nước giếng khoan để phục vụ tưới cây. Anh Quốc là một trong số hơn 116.000 hộ dân, tổ chức ở TP.HCM vẫn còn khai thác nước ngầm quy mô dưới 10 m3/ngày phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, chăn nuôi, tập trung ở H.Hóc Môn, H.Củ Chi, H.Bình Chánh, Q.12 và Q.Gò Vấp.

VÌ SAO KHÔNG GIẢM THÊM?

Hồi tháng 3.2018, UBND TP.HCM ban hành quyết định giảm khai thác nước ngầm, đặt ra mục tiêu kéo giảm khối lượng khai thác từ 716.581 m3/ngày xuống còn 100.000 m3/ngày vào năm 2025 nhằm hạn chế tình trạng sụt lún, cạn kiệt nguồn nước ngầm do khai thác quá mức. Tính đến tháng 6.2024, trung bình mỗi ngày có 252.528 m3 nước ngầm được khai thác, trong đó các hộ gia đình chiếm 129.830 m3 (51%), kế đến là Tổng công ty TNHH MTV Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) khai thác 73.610 m3, còn lại là các doanh nghiệp bên trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN – KCX).

Cân nhắc nới lỏng khai thác nước ngầm ở TP.HCM
 

Theo tìm hiểu, Sở TN-MT TP.HCM đang lấy ý kiến về việc điều chỉnh quy mô khai thác nước ngầm theo hướng giữ nguyên hiện trạng (255.000 m3/ngày) thay vì kiên trì với mục tiêu đề ra 6 năm trước. Lý do đưa ra chủ yếu vì quy định pháp luật thay đổi, luật Tài nguyên nước 2023 chỉ cấm khai thác nước ngầm ở vùng cấm khai thác, mà TP.HCM không có vùng cấm khai thác, chỉ có vùng hạn chế khai thác.

Đối với nhóm hộ gia đình, Sở TN-MT cho rằng thời gian qua các địa phương đã nỗ lực vận động người dân trám lấp giếng khoan nhưng đang gặp nhiều khó khăn và khó có thể giảm tiếp. Đối với nhóm khai thác nước ngầm trong các KCN – KCX, hiện còn 30 công trình với tổng lưu lượng 23.828 m3/ngày và sẽ khó đạt mục tiêu giảm còn 8.000 m3/ngày. Hiện nhiều công trình do Bộ TN-MT cấp phép có thời hạn 5 – 10 năm, còn hiệu lực đến năm 2025 trở về sau. Ngoài ra, các KCN – KCX muốn khai thác nước ngầm khoảng 30% tổng nhu cầu để dự phòng các sự cố phát sinh của hệ thống cấp nước cũng như phòng cháy chữa cháy.

Đối với SAWACO hiện đang khai thác 73.610 m3/ngày, các trạm cấp khai thác nước ngầm hầu hết ở H.Bình Chánh, là khu vực cuối nguồn, mạng lưới cấp nước chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, Nhà máy nước ngầm Tân Phú là nhà máy nước ngầm quan trọng có công suất lớn và công nghệ xử lý hoàn chỉnh, được phê duyệt công suất 75.000 m3/ngày. Theo tính toán của SAWACO, khi công suất khai thác từ các trạm giếng đến năm 2025 giảm còn 30.000 m3/ngày thì việc cấp nước cho người dân H.Bình Chánh sẽ gặp khó khăn do tuyến ống truyền tải chưa hoàn thiện.

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nước đến năm 2025 của TP.HCM có thể lên đến 2,9 triệu m3/ngày, nếu lượng nước ngầm chỉ 100.000 m3/ngày (chiếm khoảng 3,4% tổng lượng nước khai thác) là quá thấp so với các nước trên thế giới. Nếu nguồn nước mặt có sự cố như nhiễm mặn vào mùa khô hoặc phát sinh ô nhiễm do các sự cố bất thường thì lượng nước ngầm khai thác hiện nay khó đáp ứng đủ an ninh nguồn nước.

Một lý do khác được Sở TN-MT đưa ra là tổng trữ lượng nước dưới đất nhạt của các tầng chứa nước có thể khai thác an toàn trên địa bàn TP.HCM gần 2 triệu m3/ngày, với quy mô điều chỉnh 255.000 m3/ngày chỉ chiếm khoảng 13%. Các địa bàn có trữ lượng lớn gồm H.Củ Chi, H.Bình Chánh, TP.Thủ Đức, H.Hóc Môn, Q.12, Q.Bình Tân. Ngoài ra, kết quả quan trắc mực nước trong 5 năm 2018 – 2023 cho thấy mực nước đã tăng trở lại, cho thấy lượng nước ngầm khai thác đang thấp hơn lượng nước được bổ cập hằng năm.

CẦN XÁC ĐỊNH “LẰN RANH ĐỎ”

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước cho rằng TP.HCM cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định không giảm quy mô khai thác nước ngầm như mục tiêu ban đầu.

Cân nhắc nới lỏng khai thác nước ngầm ở TP.HCM

Nhà máy nước ngầm Tân Phú (thuộc SAWACO) vận hành đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân TP.HCM

Nhật Thịnh

TS Đặng Xuân Trường, Trưởng bộ môn Quản lý hạ tầng đô thị, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, phân tích tình trạng sụt lún xuất phát từ nhiều nguyên nhân như xây dựng công trình, sự phát triển đô thị, do tháo khô các lớp đất đá, khai thác nước ngầm quá mức…, chứ không phải chỉ do khai thác nước ngầm. Theo TS Trường, nước ngầm cũng là một tài nguyên, nếu khai thác hợp lý sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, không nên cấm tuyệt đối. Tuy nhiên, việc khai thác cần tính toán cụ thể các chỉ số về khả năng khai thác của tầng chứa nước, lượng nước có thể khai thác theo thời gian. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần đánh giá đầy đủ về mực nước hạ thấp, sự sụt lún đất, sự suy giảm chất lượng, xâm nhập mặn.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) nhấn mạnh cần phải xác định “lằn ranh đỏ”, nếu khai thác vượt mức đó sẽ xảy ra sụt lún, khô cạn nguồn nước ngầm. “Nếu Sở TN-MT muốn hạn chế còn 255.000 m3/ngày thì phải chứng minh khai thác mức đó vẫn giữ được sự ổn định nền địa chất TP.HCM”, TS Nguyên nói.

Vị chuyên gia này cho rằng việc khai thác nước ngầm có thể mang lại một số lợi ích kinh tế, nhưng cần xác định tầm nhìn xa là bảo vệ nền móng, giữ cao trình của TP.HCM được ổn định. Do đó, TP.HCM cần kiểm soát để lượng nước ngầm không bị khai thác quá mức, dẫn đến sụt lún nghiêm trọng. Về nhu cầu, quy mô khai thác nước ngầm cho nông nghiệp như trồng cây, tưới tiêu, chăn nuôi nhu cầu không lớn, chủ yếu là nước ngầm phục vụ công nghiệp và sinh hoạt. Muốn kéo giảm, ngành cấp nước cần có giải pháp thay thế bằng nguồn nước thủy cục thông qua phát triển mạng lưới đường ống.

TS Nguyễn Hữu Nguyên nhìn nhận, sau khi TP.HCM nỗ lực kéo giảm trữ lượng khai thác thì mực nước ngầm được phục hồi dần là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, không nên chủ quan thấy mực nước ngầm tăng lên rồi để tình trạng giếng khoan tràn lan như những năm trước đây. “TP.HCM phải quy định rõ ràng và quản lý chặt chẽ khu vực được khai thác, có định lượng cụ thể”, TS Nguyên nói thêm.

TP.HCM phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước ngầm

Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt danh mục, bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm. Theo đó, TP.HCM không có vùng cấm khai thác mà chỉ có vùng hạn chế, phân bổ ở hầu hết 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Vùng hạn chế phân chia thành 4 loại.

Trong đó, vùng hạn chế 1 là khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung, nghĩa trang tập trung, phải dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước ngầm và trám lấp giếng.

Vùng hạn chế 2 là khu vực có mực nước động trong giếng khai thác vượt quá mực nước động cho phép thì những công trình không có giấy phép phải dừng khai thác và trám lấp, trừ khi lấy nước phục vụ sinh hoạt, phòng chống thiên tai. Nếu công trình đã có giấy phép thì điều chỉnh lưu lượng cho phù hợp.

Vùng hạn chế 3 là khu vực có hệ thống cấp nước tập trung, TP.HCM không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình mới. Nếu công trình đang sử dụng không có giấy phép thì tạm dừng khai thác, trám lấp giếng. Trong trường hợp có giấy phép thì được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn, sau đó gia hạn, điều chỉnh giấy phép theo quy định pháp luật về tài nguyên nước.

Đối với vùng hạn chế hỗn hợp, biện pháp xử lý dựa trên cơ sở các biện pháp hạn chế khai thác tương ứng từng vùng theo thứ tự từ vùng 1 đến vùng 3.

UBND TP.HCM giao Sở TN-MT phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, hướng dẫn, vận động người dân trám lấp giếng khoan không đúng quy định, các giếng hư hỏng, không sử dụng, theo đúng kỹ thuật để phòng tránh ô nhiễm nguồn nước ngầm. Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn và Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn cần đẩy nhanh tiến độ phủ kín mạng lưới cấp nước tập trung, đảm bảo áp lực, lưu lượng và chất lượng nguồn nước cho người dân và lưu lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tại các vùng hạn chế khai thác nước ngầm.

Lo ngại giảm hiệu quả đầu tư mạng lưới cấp nước sạch

Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng trong thời gian qua, TP.HCM khuyến khích các đơn vị cấp nước phát triển mạng lưới cấp nước nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch qua giải pháp mạng lưới và gắn đồng hồ tổng. Việc đề xuất điều chỉnh lượng khai thác nước dưới đất đối với 3 đối tượng (trong hộ dân, trong KCN – KCX và SAWACO) sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư các dự án phát triển, cải tạo mạng lưới cấp nước trên địa bàn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi