Tính đến nửa đầu tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 3,65 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra căng thẳng và phức tạp tại TP.HCM dễ có nguy cơ xâm nhập xuống ĐBSCL, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp chế biến thủy sản không khỏi lo lắng.

Thuỷ sản “ách tắc” vì chờ giấy xét nghiệm PCR âm tính

Hiện toàn bộ xe container và xe tải di chuyển từ Tp.HCM – ĐBSCL đang ách tắc tại các điểm chốt chặn vào tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.

Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), phản ánh của doanh nghiệp thuỷ sản, hiện toàn bộ xe container và xe tải di chuyển từ TP.HCM – ĐBSCL đang ách tắc tại các điểm chốt chặn vào tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp vì yêu cầu tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp Realtime RT-PCR (thời hạn không quá 3 ngày khi có kết quả xét nghiệm), còn các nhà vận chuyển thì không kịp chuẩn bị cho yêu cầu mới này. 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, yêu cầu đột ngột này của UBND tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đang làm tắc nghẽn hoạt động vận chuyển hàng hóa, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng hoạt động kinh doanh xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình vận chuyển quốc tế trong nửa đầu năm vô cùng khó khăn, cước vận tải biển đã tăng gấp 5-7 lần, container khan hiếm.

Hơn nữa, với tình hình chống dịch như hiện nay, cơ sở y tế ở TP.HCM nhận kiểm nghiệm PCR không nhiều, thậm chí nếu có cũng phải chờ ít nhất 1-2 ngày mới có kết quả và kết quả này cũng chỉ có giá trị, thời hạn trong vòng 3 ngày. Đây là một yêu cầu hết sức gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Mới đây, Hải Phòng là địa phương phản ứng rất nhanh nhằm kịp thời ngăn chặn và hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập vào thành phố. Ngày 7/7/2021, UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu từ 12h ngày 8/7/2021, các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố chỉ cho phép người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày mới được vào thành phố.

Tuy nhiên, ngày hôm sau, ngày 8/7/2021, UBND thành phố Hải Phòng đã có ngay văn bản không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (Realtime PCR hoặc test nhanh) tại các chốt kiểm soát cửa ngõ khi vào thành phố đối với lái xe, phụ xe container, xe chở xăng dầu của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố chạy tuyến cố định để tránh tình trạng quá tải tại các chốt kiểm soát.

Được biết, hiện các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều đang đặt vấn đề an toàn, phòng chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc có thể khiến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu bị dừng lại, gây thiệt hại lớn tới doanh nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp đều chủ động trang bị đầy đủ nhà vệ sinh, nơi nghỉ độc lập cho các tài xế tại nơi dỡ hàng, đảm bảo tài xế không vào khu vực sản xuất, không có tiếp xúc với nhân viên công ty và người dân địa phương. Ngoài ra, khi đi vào – ra các địa phương, nhà vận chuyển cũng nghiêm túc thực hiện việc test nhanh COVID-19 theo đúng quy định.

Do đó, để vừa đảm bảo chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại CV 4351 vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, tránh gây tình trạng kẹt cảng vì hàng nhập, kẹt kho lạnh vì không nhập được hàng để chờ kết quả ở các điểm chốt, VASEP cho rằng, UBND các tỉnh nói chung, tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp nói riêng nên thực hiện như văn bản hướng dẫn trên của Bộ Y tế đó là thực hiện test nhanh COVID-19 tài xế container và xe chở hàng tuyến cố định thay vì test PCR để đảm bảo lưu thông hàng hóa.

Liên quan tới vấn đề này, mới đây Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) kiến nghị không xét nghiệm PCR với lái xe ra vào vùng dịch để tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. VLA cho biết đưa ra đề xuất này với Sở Giao thông Vận tải, Công Thương TP HCM dựa trên kinh nghiệm chuyên môn nghề nghiệp, nhằm tối ưu cho vận hàng tải hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh.

Thuỷ sản “ách tắc” vì chờ giấy xét nghiệm PCR âm tính

Tính đến nửa đầu tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 3,65 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Khi ra vào vùng dịch, tài xế được trang bị bảo hộ và chỉ ngồi trên cabin, không ra khỏi xe khi giao và nhận hàng. Đồng thời, tài xế thực hiện nghiêm theo văn bản 898 về hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Do đó, theo hiệp hội, rủi ro lây nhiễm từ lái xe ra cộng đồng là rất hiếm.

VLA đánh giá không phải xét nghiệm PCR sẽ giảm rủi ro cho lái xe khi tập trung tại các điểm xét nghiệm đông người. Doanh nghiệp cũng sẽ giảm được chi phí cho doanh nghiệp vận tải, vốn đang rất khó khăn khi dịch kéo dài.  

Hiện nay, toàn ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến là hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn tại ĐBSCL, miền Nam và Nam Trung bộ. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500 – 3.000 lao động, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000 – 10.000 người, mật độ lao động cao. Ngành thủy sản cũng là một ngành kinh tế đặc thù của đất nước vì đang góp phần đảm bảo việc làm và sinh kế cho nông-ngư dân tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng về kim ngạch xuất khẩu của đất nước với khoảng 8,5 – 8,8 tỷ USD/năm trong 3 năm trở lại đây.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng và ngày càng có dấu hiệu phức tạp, đặc biệt tại các khu công nghiệp và các nhà máy có sử dụng nhiều lao động. Thậm chí, thời gian gần đây, tình hình càng trở nên căng thẳng và nóng bỏng hơn khi số ca nhiễm ở TP.HCM đang tăng mạnh và có nguy cơ cao lan rộng sang các tỉnh xung quanh và ĐBSCL. Đây thực sự đang là mối lo lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế nói chung, đến sự tồn tại của các doanh nghiệp và việc làm, đời sống người lao động, đặc biệt với các ngành và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như thuỷ sản.

Nhìn vào những bài học đáng tiếc đã từng xảy ra ở một số địa phương, KCN, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản càng nâng cao cảnh giác vì khi một doanh nghiệp bị giãn cách, cách ly không sản xuất từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất, kinh doanh một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản và người lao động bị mất việc làm. Nếu rủi ro, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cũng như uy tín ngành hàng của Việt Nam. Hơn thế nữa, toàn bộ chuỗi từ nhà máy chế biến, người lao động làm việc tại nhà máy, người nuôi, ngư dân khai thác đều bị ngừng hoạt động liên hoàn.