Wednesday, August 21, 2024

Bí thư TP.HCM: Sắp xếp đơn vị hành chính không mới nhưng luôn nhạy cảm

Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, công việc này không mới nhưng luôn nhạy cảm, phức tạp, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Nhận định trên được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu ra tại phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2030 diễn ra chiều 20.8.

Ông Nên nhấn mạnh đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Công việc này tuy không mới nhưng luôn là việc nhạy cảm, phức tạp, tác động đến các cơ quan, tổ chức cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Hơn nữa, việc sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra trong thời điểm TP.HCM phải triển khai nhiều việc quan trọng nên công tác truyền thông, tư tưởng, tổ chức phải hết sức chặt chẽ, đồng bộ.

Bí thư TP.HCM: Sắp xếp đơn vị hành chính không mới nhưng luôn nhạy cảm

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý khi sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức

NGUYÊN VŨ

Bí thư Nguyễn Văn Nên lưu ý khi sắp xếp cần hạn chế tối đa những phát sinh ảnh hưởng đến đời sống người dân và tâm tư của đội ngũ cán bộ. “Nguyên tắc là sắp xếp xong phải tốt hơn, ổn hơn”, ông chia sẻ thêm, đồng thời đề nghị cần phân cấp để xử lý các vấn đề phát sinh, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.

Đối với đội ngũ cán bộ dôi dư sau sắp xếp, ông Nên đề nghị ban hành chính sách đảm bảo quyền lợi cho lực lượng này để họ yên tâm dù có làm việc tiếp hay không. Song song đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công phù hợp với thực tiễn địa phương.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng yêu cầu các cơ quan như Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Đảng đoàn HĐND và Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM xây dựng chương trình giám sát để kiểm tra, lắng nghe, phản biện xã hội kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức sau sắp xếp.

Đối với thủ tục hành chính của người dân khi thay đổi địa giới hành chính, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị mở kênh tương tác, lắng nghe phản ánh của người dân để chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục có liên quan, không để phiền hà đến người dân.

Hoàn thành sáp nhập trong năm 2024

Trao đổi tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Kim Yến cho biết, khi sáp nhập 80 phường, TP.HCM cần chia ra từng giai đoạn để giải quyết trong quá trình chuyển đổi, tránh gây xáo trộn không đáng có cho người dân.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin tại 80 phường dự kiến sắp xếp có 2.469 cán bộ, công chức. Hiện UBND TP.HCM đã có phương án sử dụng 1.741 người, còn dôi dư 728 người, các trường hợp này sắp xếp theo lộ trình giảm dần chứ không giảm ngay.

Cụ thể, các trường hợp có thể sắp xếp công việc ở vị trí khác sẽ tính toán, bố trí phù hợp ở cùng quận hoặc sở, ngành. Các nhân sự muốn tiếp tục làm việc đến khi nghỉ hưu thì bố trí công việc phù hợp, những người muốn về hưu ngay thì TP.HCM sẽ tính toán chính sách hỗ trợ. Tương tự, trường hợp không thể bố trí được công việc khác thì sẽ có cơ chế, chính sách riêng.

Bí thư TP.HCM: Sắp xếp đơn vị hành chính không mới nhưng luôn nhạy cảm

Dự kiến Q.10 (TP.HCM) sẽ sáp nhập P.11 vào P.10

SỸ ĐÔNG

Về giấy tờ của người dân, ông Hoan cho biết, sẽ có hướng dẫn xử lý chuyển tiếp những trường hợp điều chỉnh hồ sơ, trong đó có loại cơ quan nhà nước tự điều chỉnh. “Khi người dân có nhu cầu giao dịch, nhân đợt này sẽ hỗ trợ điều chỉnh luôn chứ không bắt người dân phải đi chuyển đổi. TP.HCM cũng sẽ không thu phí việc chuyển đổi giấy tờ, cố gắng ít bị xáo trộn nhất và ít tác động đến đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”, ông Hoan nói thêm.

Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho hay, UBND TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành sáp nhập 80 phường ngay trong năm 2024. Từ đầu năm 2025, toàn bộ các phường vận hành theo địa giới hành chính mới và tập trung xây dựng văn kiện để chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp.

Trong giai đoạn 2019 – 2021, TP.HCM từng sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) để thành lập TP.Thủ Đức, đồng thời sáp nhập 19 phường thuộc 5 quận: 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, TP.HCM tiếp tục sáp nhập 80 phường thuộc 10 quận: 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi