Wednesday, August 21, 2024

Ấn Độ là nhà hòa giải tiềm năng cho xung đột Nga – Ukraine?

Các quan chức Ấn Độ và Ukraine hôm qua xác nhận Thủ tướng Narendra Modi sẽ thăm Kiev vào ngày 23/8 tới, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo cấp cao Ấn Độ đến Ukraine kể từ tháng 2/2023.

Diễn ra chỉ hơn 1 tháng sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Nga Putin tại Moscow hồi đầu tháng 7 vừa qua, chuyến thăm cho thấy vai trò hoà giải tiềm năng của Ấn Độ đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Tổng thống Ukraine Zelensky và mang lại cơ hội để thảo luận về toàn bộ các mối quan hệ song phương. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng một lần nữa nhấn mạnh lập trường nhất quán và rõ ràng của nước này là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể được giải quyết thông qua đối thoại và ngoại giao.

Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng thông báo về chuyến đi của Thủ tướng Modi, cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên của Nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Ukraine, mà tại đó hai nhà lãnh đạo sẽ ký nhiều văn bản hợp tác và thảo luận về “các vấn đề hợp tác song phương và đa phương”.

Kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Ấn Độ đã luôn cho thấy lập trường trung lập trong cuộc xung đột khi nhiều lần kêu gọi các bên ngừng bắn và bỏ phiếu trắng đối với tất cả nghị quyết do phương Tây đệ trình lên án Nga tại Liên hợp quốc.  

Đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Modi đã tới thăm Moscow và hội đàm với Tổng thống Nga Putin, một động thái cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Tuy nhiên, chuyến thăm khi đó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tổng thống Ukraine Zelensky.  

Đánh giá về vai trò trung gian hoà giải của Ấn Độ, truyền thông nước này cho rằng, dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu ngoại giao hơn nữa như tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng dầu (G20) vào năm ngoái hay thúc đẩy sự mở rộng của nhóm BRICS. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, những áp lực ngoại giao từ phương Tây đã đặt Ấn Độ vào tình thế khó khăn, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng trong các bước đi ngoại giao.

Thủ tướng Modi cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Tôi đã nhiều lần nói rằng, thế giới ngày nay không có chỗ cho chiến tranh. Các vấn đề không thể được giải quyết trên chiến trường. Những thiệt hại về nhân mạng đối với dân thường là không thể chấp nhận được dù là ở bất kỳ đâu. Đối thoại và ngoại giao là con đường nhanh nhất để khôi phục hoà bình và ổn định. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ có thể nhằm đạt được mục tiêu này.”

Lần gặp gần đây nhất giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Ukraine Zelensky là vào cuối tháng 6 vừa qua bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) tại Italia. Hai nhà lãnh đạo cũng nhiều lần thảo luận qua điện thoại kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra.

Tổng thống Zelensky mới đây cũng cho biết, nước này quan tâm đến việc tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với Ấn Độ, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, hợp tác hàng không, thương mại, dược phẩm và công nghiệp. Tất cả những điều này đã một lần nữa cho thấy vai trò nhà môi giới hoà bình tiềm năng của Ấn Độ. Giới phân tích kỳ vọng chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi có thể là một bước đi ngoại giao quan trọng trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine chưa có hồi kết

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi