Sau hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, ngày 23.8, TAND TP.HCM tuyên án đối với 254 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm VN, các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) phương tiện cơ giới, chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TP.HCM và một số địa phương trên cả nước.
Với 251 bị cáo còn lại, HĐXX tuyên phạt từ 1 năm tù treo đến 30 năm tù. Trong đó, có 69 bị cáo được tuyên án tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Trần Lập Nghĩa (chủ 3 TTĐK là 62-03D tại tỉnh Long An, 71-02D tại tỉnh Bến Tre, 83-02D tại tỉnh Sóc Trăng) bị tuyên phạt 30 năm tù. Trần Lập Nghĩa phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi “nhận hối lộ” hơn 1,6 tỉ đồng, hành vi “giả mạo trong công tác” đối với 975 chữ ký giả đăng kiểm viên và “xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” để điều chỉnh kết quả của 678 phương tiện đăng kiểm tại TTĐK 71-02D. Tổng số tiền bị cáo Trần Lập Nghĩa hưởng lợi từ các hành vi trái pháp luật tại 3 TTĐK là hơn 14,7 tỉ đồng.
Các bị cáo này bị xét xử về một trong 11 tội danh: “đưa hối lộ”; “nhận hối lộ”; “môi giới hối lộ”; “giả mạo trong công tác”; “sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”; “xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác”; “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “tham ô tài sản”.
Ngoài ra, HĐXX tuyên tịch thu sung vào ngân sách khoảng 86 tỉ đồng và 99.000 USD mà các bị cáo đã nộp tại cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án. Buộc các bị cáo, người liên quan phải giao nộp lại số tiền hưởng lợi và tiền do phạm tội mà có, trong đó bị cáo Trần Kỳ Hình còn phải nộp tiếp hơn 4 tỉ đồng…
Xử nghiêm người đứng đầu, giảm nhẹ cho cấp dưới
Theo HĐXX, đây là vụ án sai phạm có phạm vi trên cả nước, có hệ thống từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các phòng ban, TTĐK địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm, ảnh hưởng đến các chính sách pháp luật của nhà nước, gây mất niềm tin của người dân.
Bên cạnh đó, việc các bị cáo nhận hối lộ, bỏ qua các lỗi phương tiện giao thông, dẫn đến khả năng gây tai nạn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân khi tham gia giao thông. “Các bị cáo được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về đăng kiểm, biết sai phạm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn thực hiện là xem thường kỷ cương, pháp luật nên cần xử phạt nghiêm khắc”, chủ tọa thay mặt HĐXX nhận định.
Về hình phạt, tòa cho rằng cần có sự phân hóa trách nhiệm xử lý nghiêm đối với người đứng đầu vụ án, xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo cấp dưới, người làm công ăn lương, không hưởng lợi, không nhận thức đầy đủ về hành vi của mình…
Theo HĐXX, bị cáo Trần Kỳ Hình với vị trí cục trưởng đã không làm đúng chức trách, buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng tiêu cực có hệ thống, trong thời gian dài, vì vụ lợi cá nhân nhận tiền của các bị cáo từ đơn vị đăng kiểm tư nhân hơn 7,1 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo Hình còn lợi dụng vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật, phê duyệt thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đúng quy định. Ghi nhận bị cáo Hình đã nộp lại 2,85 tỉ đồng và 12.000 USD khắc phục hậu quả.
Đối với bị cáo Đặng Việt Hà, HĐXX đánh giá bị cáo đã thiếu giám sát và chỉ đạo lãnh đạo các phòng ban Cục Đăng kiểm VN, các TTĐK trên cả nước nhận hối lộ; bị cáo vì vụ lợi cá nhân, khi nhận nhiệm vụ cục trưởng đã chỉ đạo cấp dưới nâng mức tiền nhận hối lộ của bản thân lên cao nhất. Vì vậy bị cáo Hà phải chịu trách nhiệm chung với số tiền nhận hối lộ của Phòng Kiểm định xe cơ giới – Phòng VAR (Cục Đăng kiểm VN) 31 tỉ đồng, và một số TTĐK tại TP.HCM, Hà Nội. Tổng số tiền bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm chung là hơn 40 tỉ đồng, hưởng lợi 8,55 tỉ đồng. Ghi nhận bị cáo đã nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi.
Nguồn: thanhnien.vn