Các chuyên gia đề xuất cần có chính sách hấp dẫn để thu hút các nguồn lực tư nhân thông qua cơ chế đối tác công tư PPP để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, chiếm trên 50% tổng nguồn vốn của nền kinh tế. Vì thế, cần tiếp tục huy động nguồn lực tài chính từ các kênh dẫn vốn khác. Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo về “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới”.
Báo cáo từ hội thảo cho thấy trong 5 năm vừa qua, nguồn vốn ngân hàng đang chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong cơ cấu vốn của nền kinh tế, từ mức khoảng 41% năm 2019, đến tháng 6 năm nay đã tăng lên mức 53,4%.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán, dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng thị trường cổ phiếu mới chỉ chiếm khoảng 0,75% tổng huy động vốn. Tổng giá trị huy động vốn qua thị trường cổ phiếu theo các diễn giả chỉ từ khoảng 100.000 -120.000 tỷ đồng, tức là chỉ tương đương với việc một ngân hàng thương mại cổ phần cho vay ra hàng năm.
Còn nguồn vốn đầu tư công, vốn FDI chỉ chiếm từ 16- 17% với nguồn lực tư nhân khoảng 4,8%. Vì thế các chuyên gia khuyến nghị cần mở rộng thêm cơ chế để thu hút các nguồn vốn khác.
Ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài khóa và Tiền tệ quốc gia cho biết: “Chúng ta cần phải có giải pháp để kích cầu và tăng tỷ trọng đầu tư tư nhân lên bằng cách chúng ta phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt các vấn đề vướng mắc về mặt thể chế, về mặt pháp lý, về mặt đất đai, về mặt vốn, về mặt khoa học công nghệ để khối này có thể đóng góp nhiều hơn cho nguồn vốn đối với nền kinh tế”.
Các chuyên gia đề xuất cần có chính sách hấp dẫn để thu hút các nguồn lực tư nhân thông qua cơ chế đối tác công tư PPP để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước và qua đó cũng có thể thu hút được các nguồn lực trong nước và quốc tế để phục vụ phát triển kinh tế.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương nhận định: “Đồng tiền đi liền khúc ruột. Họ không thể đưa vào mười tỷ, trăm tỷ quá dễ dàng. Trước hết phải có cơ chế và cơ chế đó đảm bảo sự an toàn cho nguồn tiền của của người ta. Và hấp dẫn thế nào để đưa tiền vào thì họ phải kiếm ra. Vì vậy, người làm cơ chế rất quan trọng”.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần tạo hành lang pháp lý để huy động thêm vốn cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Nguồn: vtv.vn