Sunday, November 24, 2024

Du lịch khổ sở vì khỉ hóa ‘tướng cướp’: Cần biện pháp mạnh để cứu các khu du lịch

Không chỉ ở VN, rất nhiều nơi trên thế giới đã phải áp dụng các biện pháp quyết liệt để trả lại sự yên bình cho các khu du lịch có động vật hoang dã, sau thời gian dài tuyên truyền gần như vô hiệu.

 

Các nước trấn áp đàn khỉ thế nào?

Chắc hẳn nhiều người đến nay vẫn chưa quên hình ảnh hàng ngàn con khỉ xâm chiếm TP.Lopburi ở Thái Lan trong giai đoạn dịch Covid-19. Đường phố không một bóng người, chen chúc nhau là hơn 3.500 con khỉ với thái độ hung dữ vì thiếu thức ăn. Chúng tranh giành lẫn nhau để có được nguồn chuối ít ỏi. Cách Bangkok khoảng 150 km về phía bắc, Lopburi là điểm dừng nổi tiếng dành cho du khách đi Chiang Mai từ thủ đô Thái Lan bằng đường bộ, tàu lửa. Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa thì hàng ngàn con khỉ đang sống chung với người dân ở khắp TP chính là một trong những điều thu hút khách du lịch Thái Lan. Du khách thường cho khỉ ăn và chụp ảnh selfie cùng chúng. Khu vực này cũng tổ chức lễ hội khỉ hằng năm để tri ân loài động vật đã giúp thu hút du khách đến Lopburi.

Du lịch khổ sở vì khỉ hóa 'tướng cướp': Cần biện pháp mạnh để cứu các khu du lịch

Đàn khỉ đu bám người để đòi thức ăn tại Lopburi, Thái Lan

AFP

Thế nhưng, tình trạng quá đông du khách tới ngắm khỉ, cho thức ăn, diễn ra trong thời gian dài đã biến những chú khỉ thân thiện, dạn dĩ trở nên ngày càng hung hãn. Khi đại dịch Covid-19 ập tới, lượng khách du lịch giảm trầm trọng vì các lệnh cách ly, những chú khỉ, vốn được hưởng nguồn cung thức ăn ổn định từ du khách trở nên “phát điên” vì đói. Năm 2020, giới chức Lopburi đã phát động chiến dịch triệt sản nhằm giảm tốc độ phát triển của loài khỉ ở đô thị, đồng thời ra sức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không cho khỉ ăn.

Tuy nhiên, những cuộc xung đột giữa người và khỉ không những không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng. Từ đầu năm 2024 đến nay, thường xuyên xảy ra cảnh khỉ cố giật thức ăn từ con người. Hồi tháng 3, một người phụ nữ bị trật khớp đầu gối vì khỉ kéo lê trên đường để giành thức ăn. Một người đàn ông khác bị một con khỉ đói húc ngã khỏi xe máy. Bên cạnh đó, một số công ty và cửa hàng đã phải ngừng hoạt động và rời khỏi Lopburi vì khỉ thường xuyên tràn vào cơ sở và quấy rối khách hàng đến mua sắm. Chúng cũng làm hư hại mặt tiền của các cửa hàng, buộc chủ sở hữu phải bỏ tiền ra sửa chữa và cuối cùng quyết định rời đi

Những xung đột nguy hiểm cho con người ngày càng gia tăng khiến chính quyền địa phương và cơ quan bảo vệ động vật Thái Lan phải quyết liệt vào cuộc. Từ cuối tháng 3, cảnh sát Lopburi thành lập một đội đặc biệt chuyên thực hiện nhiệm vụ truy bắt những con khỉ hung dữ. Những con hung hãn bị bắt sẽ được đưa đến phòng khám động vật hoang dã ở Saraburi để kiểm tra sức khỏe. Sau đó, chúng được chuyển đến một địa điểm thích hợp trong khoảng 2 tháng trước khi gửi trở lại Lopburi. Chính quyền địa phương cũng dự kiến sẽ quy hoạch lại TP, xây khu bảo tồn khỉ, cách ly khỉ với người và cấm mọi hành vi du khách tiếp xúc gần, cho khỉ ăn.

Còn tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, việc cho khỉ ăn gần nơi ở của con người bị coi là hành vi phạm tội. Hội đồng quản lý khu vực Delhi (DCB) đã ban hành lệnh cấm cho khỉ ăn sau khi xung đột giữa người và khỉ gia tăng ở nhiều nơi tại thủ đô mà không có bất kỳ hạn chế nào được áp dụng. Ban quản lý khu vực Delhi quy định: Bất kỳ ai bị phát hiện cho khỉ ăn trong khu dân cư sẽ bị khiển trách hoặc phạt tiền theo luật hiện hành của thành phố. Những người vi phạm có thể bị phạt tới 5.000 rupee.

Singapore từ năm 2008 cũng đã áp dụng quy định phạt tiền tới 3.000 SGD (tương đương 35 triệu đồng tại thời điểm ban hành) nếu khách đến thăm vườn thú ở nước này cho đàn khỉ đồ ăn. Mức phạt có thể cao hoặc thấp tùy mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Ngay khi quy định được áp dụng, tòa án ở Singapore đã phạt một người đàn ông 45 tuổi 4.000 SGD vì ném cho đàn khỉ ở Khu bảo tồn thiên nhiên lưu vực trung tâm phần ăn trưa của mình.

Cần những biện pháp mạnh tay hơn

Tại VN hiện nay chưa có quy định xử phạt với hành vi cho động vật hoang dã ăn, nên giới chức địa phương chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở người dân, du khách khi đến các khu bảo tồn thiên nhiên. Từ năm 2020, một số địa phương như Quảng Ngãi, Tây Ninh… đã phải lên phương án di dời các đàn khỉ “lạc” xuống khu dân cư trong nội ô về rừng tự nhiên và khuyến cáo người dân hạn chế cho khỉ ăn.

Du lịch khổ sở vì khỉ hóa 'tướng cướp': Cần biện pháp mạnh để cứu các khu du lịch

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai phương án di dời đàn khỉ ở đảo Hòn Trà, xã Bình Đông, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) vào các khu rừng tự nhiên

Hải Phong

Hiện nay, Đà Nẵng đang là địa phương gặp nhiều trở ngại nhất trong việc xử lý tình trạng “khỉ tướng cướp” làm xấu hình ảnh du lịch bán đảo Sơn Trà. Mới đây, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã đề xuất Sở Du lịch Đà Nẵng có văn bản gửi các công ty lữ hành, hội lữ hành, Chi hội hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, đơn vị vận chuyển… khuyến cáo khách không cho động vật hoang dã ăn trái cây và thức ăn đóng gói sẵn khi tham quan bán đảo Sơn Trà. Đồng thời, cắm bảng tuyên truyền tại các khu vực thường có người cho khỉ ăn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và du khách với nội dung: “Hãy dừng ngay hành động cho khỉ ăn ! Hãy tôn trọng đời sống hoang dã của loài khỉ”. Cùng với đó, lập biên bản nhắc nhở gửi về địa phương và đề xuất chế tài xử phạt đối với hành vi cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà.

Đã từng nhiều lần họp với UBND TP về vấn đề phát triển du lịch bền vững, TS Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khẳng định: Sơn Trà được ví như hòn ngọc của Đà Nẵng. Trên cả nước, không nơi đâu có rừng trong lòng TP như vậy. Bán đảo Sơn Trà không chỉ đóng vai trò quan trọng điều hòa không khí, cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo mảng xanh mà còn là điểm đến du lịch vô cùng đặc sắc. Sơn Trà cùng với Bà Nà, đỉnh đèo Hải Vân, Ngũ Hành Sơn tạo thành hệ thống danh lam thắng cảnh gắn với sinh thái nhiều bậc nhất mà gần như không đâu có được. Trong đó, giá trị của Sơn Trà là nổi bật nhất, vừa có rừng, vừa có bãi biển, có khu du lịch tâm linh là chùa Linh Ứng và đặc biệt nhất là sở hữu thảm động thực vật phong phú, nổi bật có voọc chà vá chân nâu…

“Với tất cả những lợi thế trên, Đà Nẵng phải xác định gìn giữ Sơn Trà thành công viên tự nhiên lớn nhất TP. Quan điểm của hiệp hội là phải đảm bảo được tối đa môi trường và hệ sinh thái tự nhiên của Sơn Trà. Phát triển du lịch lan tỏa kinh tế, tạo sức mua, tăng du khách, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân là cần thiết, song yếu tố phát triển bền vững thông qua giữ gìn, bảo vệ môi trường sống cho các loài thú, loài chim trên đó vẫn phải đặt lên hàng đầu. Du khách đến đông nhưng nếu để những hành vi thiếu kiến thức, thiếu ý thức kéo dài sẽ làm lệch hướng phát triển, khiến các loài động vật quý giảm khả năng sinh tồn, ảnh hưởng tới phát triển du lịch bền vững”, ông Dũng nhấn mạnh.

Từ quan điểm trên, TS Cao Trí Dũng cho rằng cần có thêm những bước quản lý mạnh tay hơn để xử lý triệt để những ứng xử, hành vi không đúng của du khách gây ảnh hưởng tới sinh cảnh tại bán đảo Sơn Trà cũng như các điểm đến sinh thái khác. Song song với tuyên truyền, giáo dục, truyền thông cho du khách hiểu tác hại của hành vi cho động vật hoang dã thức ăn, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và có chế tài nghiêm khắc với những hành vi cố tình vi phạm.

Trong trường hợp những biện pháp hiện nay chưa đạt hiệu quả, chính quyền TP cần có giải pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn, có thể tham khảo giải pháp từ các nước để xây dựng chiến lược bài bản trả các loài động vật về đúng với đặc tính thiên nhiên, không ảnh hưởng tới hệ sinh thái mà vẫn giữ được giá trị du lịch của điểm đến.

TS Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img