Friday, August 30, 2024

Trúng tuyển ĐH, nỗi lo gánh nặng chi phí

Trong số hàng trăm ngàn thí sinh trúng tuyển ĐH đang háo hức với cuộc sống tân sinh viên sắp tới, có không ít em thuộc hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ phải tằn tiện chắt bóp để con có hành trang về thành phố nhập học. Nỗi lo chi phí 4 năm ĐH trĩu nặng trên vai.

HỌC PHÍ, TIỀN TRỌ, TIỀN ĂN…

Ông Nguyễn Quang Hùng (H.Diễn Châu, Nghệ An) năm nay có 2 con gái sinh đôi cùng bước vào ĐH. Vợ chồng chia tay từ lâu, các con đều ở với ông Hùng nên nay khi con chuẩn bị trở thành tân sinh viên (SV), ông Hùng một mình chạy đôn chạy đáo chuẩn bị hành trang cho con nhập học.

Trúng tuyển ĐH, nỗi lo gánh nặng chi phí

Bên cạnh niềm vui trúng tuyển là nỗi lo về học phí, các chi phí học tập, sinh hoạt trong thời gian học ĐH

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Hùng chia sẻ: “Tôi vừa đưa một con vào Đà Nẵng nhập học Trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng, sau đó tiếp tục đưa con gái thứ hai vào nhập học tại ĐH Kinh tế TP.HCM. Số tiền trước mắt phải lo cho 2 con nhập học là khoảng 35 – 40 triệu đồng bao gồm học phí kỳ đầu tiên, tiền ký túc xá, bảo hiểm y tế, tiền ăn uống tháng đầu tiên… Để có đủ tài chính cho con nhập học, tôi đã phải tiết kiệm từ nhiều tháng nay. Thời gian 4 năm sắp tới, tôi cũng chưa biết mình sẽ lo như thế nào”.

Theo tính toán một cách tiết kiệm nhất của ông Hùng, trung bình mỗi tháng, con gái học ở Đà Nẵng tốn ít nhất 8 triệu đồng bao gồm: khoảng 3 – 4 triệu đồng học phí, 4 triệu đồng tiền ăn ở, chi phí sinh hoạt. Còn con gái ở TP.HCM sẽ tốn khoảng 10 triệu đồng.

“Trong khi đó, thu nhập của tôi không ổn định, tháng nhiều, tháng ít. Gần đây tôi bị bệnh nên càng khó khăn. Nuôi 2 con học ĐH cùng lúc thực sự rất nhiều áp lực, nhưng vì tương lai của con, tôi phải cố gắng. Chỉ mong các con học xong có cái nghề, có công việc ổn định, kiếm được tiền lo cho bản thân và cho cuộc sống gia đình sau này”, ông Hùng bày tỏ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tú (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) năm nay có con trúng tuyển Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Chị Tú làm tạp vụ cho một công ty trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch, mỗi tháng được gần 7 triệu đồng. Nhà chị Tú hiện còn 2 con đang học lớp 11 và lớp 8. Chồng chị làm công nhân, lương mỗi tháng cũng khoảng 7 triệu đồng.

“Thu nhập 2 vợ chồng chưa được 14 triệu đồng, trong khi nhà có ông bà đã nhiều tuổi bị bệnh cùng 3 con nhỏ, cuộc sống khá chật vật. Nay con nhập học ở TP.HCM phải chuẩn bị hơn 20 triệu đồng gồm tiền học phí, bảo hiểm y tế, đồng phục… Cháu nói các tháng sau cháu sẽ cố gắng đi làm thêm để phụ giúp ba mẹ. Nhưng liệu đi làm thêm thì cháu có sức mà học nữa hay không. Con đòi đi học thì thôi mình ráng chắt bóp chi tiêu để lo vậy, mong sau này con có nghề có nghiệp”, chị Tú chia sẻ.

Trúng tuyển ĐH, nỗi lo gánh nặng chi phí

Chi phí cho con học ĐH hiện nay là không nhỏ đối với nhiều gia đình

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

TÌM HỖ TRỢ TỪ TRƯỜNG ĐH

Để giảm nhẹ phần nào khó khăn cho sinh viên, giảm gánh nặng chi phí cho phụ huynh, có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ SV đang được thực hiện ở các trường ĐH.

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết thực tế mỗi khi vào năm học mới, thầy cô trong trường lại chứng kiến nhiều SV hoàn cảnh khó khăn. Có em cha mẹ không có thu nhập hoặc thu nhập thấp, có em mồ côi cha hoặc mẹ… Nhưng các em có ước mơ được học ĐH để mong sau này thoát cảnh không có nghề nghiệp hoặc nghèo khó.

“Đây là ước mơ chính đáng. Với phương châm luôn đề cao sự hỗ trợ cho SV, đặc biệt là SV có hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc hỗ trợ các hoạt động chính sách, khuyến khích học tập, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM thực hiện các chương trình học bổng trị giá hơn 3 tỉ đồng hằng năm”, thạc sĩ Cường thông tin.

Đặc biệt, theo thạc sĩ Cường, SV thuộc các trường ĐH công lập có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi thì có thể đăng ký vào ở ký túc xá Cỏ May (nằm trong khuôn viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) để được hỗ trợ toàn bộ tiền học phí, sinh hoạt phí, kỹ năng….

Ông Trần Văn Trí, Phó phòng Công tác SV và truyền thông Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng cho biết để hỗ trợ SV có hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm trường dành hàng ngàn suất học bổng cho SV có thành tích học tập tốt. Theo đó, SV thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được học bổng trị giá 2 – 8 triệu đồng/suất. SV có hoàn cảnh khó khăn đột xuất như chịu ảnh hưởng của thiên tai (bão lũ, hạn mặn…), dịch bệnh, tai nạn, bệnh hiểm nghèo… được học bổng từ 3 – 10 triệu đồng/suất.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, thông tin có những SV thực sự khó khăn đã được trường miễn hoàn toàn học phí (khoảng gần 100 triệu đồng) và có chính sách hỗ trợ riêng bằng cách kêu gọi thêm từ các doanh nghiệp (DN). Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng hỗ trợ học bổng cho SV khó khăn, có trường hợp được 50 – 100% học phí, đồng thời kêu gọi DN hỗ trợ thêm cho SV tiền ăn hằng tháng và chỗ ở.

Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trung bình mỗi năm trường chi hơn 2 tỉ đồng cho việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho SV có hoàn cảnh khó khăn. “Trường còn có học bổng DN cho SV vượt khó và có thành tích đặc biệt với tổng giá trị hơn 3 tỉ đồng mỗi năm”, PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông của trường, cho hay.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin – truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho biết hằng năm tân SV hoàn cảnh khó khăn có năng lực học tập tốt hoặc có tài năng đặc biệt sẽ được các suất học bổng khác nhau, mức cao nhất là 100%, tương đương 80 triệu đồng/năm.

Hầu hết các trường ĐH đều có các chính sách học bổng, hỗ trợ học phí cho nhiều đối tượng SV.

Chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho SV sư phạm

Theo Nghị định 116/2020 có hiệu lực từ 15.11.2020, SV sư phạm sẽ được hỗ trợ 2 khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).

SV sư phạm có thể đăng ký đào tạo theo các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/DN (đào tạo theo nhu cầu xã hội). Với SV sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

CÁC CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG, CHO VAY lãi suất 0%

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HS, SV ban hành năm 2022, quy định mỗi HS, SV được vay vốn học tập tối đa 4 triệu đồng/tháng (tối đa 40 triệu đồng/năm học 10 tháng) với lãi suất là 0,5%/tháng.

Ngoài ra, hiện nay một số trường ĐH cũng có chương trình cho SV vay vốn học tập với lãi suất 0%. ĐH Quốc gia TP.HCM có Quỹ Phát triển ĐHQG-HCM, SV được vay số tiền tối đa bằng với học phí học kỳ 1 năm học 2024 – 2025 nhưng không vượt quá 20 triệu đồng/học kỳ.

ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có chương trình “Trả góp học phí qua thẻ tín dụng của ngân hàng”, hỗ trợ SV trả góp học phí với lãi suất 0% thông qua hình thức phát hành thẻ tín dụng. Theo đó, trường hỗ trợ mức phí chuyển đổi trả góp cho 130 suất theo mức phí chuyển đổi trả góp thấp nhất giữa các ngân hàng 1,5%, mức chênh lệch SV thanh toán trực tiếp cho ngân hàng khi đến hạn.

Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM có quỹ hỗ trợ SV với tổng giá trị 20 tỉ đồng. Cụ thể, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được xem xét vay vốn học tập từ “Quỹ hỗ trợ sinh viên” mà không cần phải trả lãi suất để trang trải học phí.

Trường ĐH Văn Hiến cũng hỗ trợ SV có hoàn cảnh khó khăn và có kết quả học tập trung bình – khá trở lên được vay học phí với lãi suất 0%. Ngoài ra, nếu SV khó khăn trong việc đóng học phí thì nhà trường hỗ trợ chia học phí thành 2 lần đóng/học kỳ để phụ huynh có thêm thời gian sắp xếp. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi