Cá sấu là một con vật nguy hiểm với con người, song tại Vùng lãnh thổ Bắc Australia, cá sấu lại có thể trở thành vật nuôi của gia đình.
Tuy vậy, gần đây, chính quyền đã thắt chặt quy định này và không cấp thêm giấy phép mới cho các gia đình muốn có vật nuôi là cá sấu. Quy định mới này đang gây ra một cuộc tranh luận tại đây.
Cá sấu là một loài vật có thể gây ra nguy hiểm đối với con người và vật nuôi. Tuy vậy ở một số nơi tại Australia, trong đó có Vùng lãnh thổ Bắc Australia, từ nhiều năm nay, người dân được nuôi cá sấu như một con vật nuôi thông thường nếu được cấp giấy phép của cơ quan chức năng. Tuy vậy, điều này đang dần thay đổi khi chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia đang lên kế hoạch dừng cấp giấy phép để cá sấu trở thành vật nuôi trong các gia đình. Với những người đang có giấy phép thì vẫn được tiếp tục nuôi như thông thường.
Chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia đi đến quyết định này khi số lượng cá sấu tự nhiên tại đây gia tăng nhanh chóng từ khoảng 3.000 con vào năm 1971 lên tới khoảng 100.000 con vào thời điểm hiện tại. Số lượng cá sấu trong môi trường tự nhiên tăng cũng làm làm cho số người bị cá sấu làm hại đang gia tăng tại khu vực này. Trong đó, không thể không kể đến vụ 1 khách du lịch 67 tuổi bị cá sấu cắn bị thương khi đang bơi ở thác Wangi, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở phía Nam thành phố Darwin thuộc Vùng lãnh thổ Bắc Australia.
Việc dừng cấp giấp phép để nuôi cá sấu như là vật nuôi của gia đình khiến nhiều người yêu thích cá sấu không hài lòng. Quyết định này cũng làm ảnh hưởng tới doanh thu của các cơ sở chuyên cung cấp cá sấu làm vật nuôi.
Ông Trevor Sullivan, người đã nuôi cá sấu hơn 30 năm cho biết, ông yêu quý cá sấu song cũng muốn bán nhà để đi du lịch. Tuy vậy quy định mới sẽ khiến cho ông khó có thể bán nhà khi cần phải tìm được người được phép nuôi cá sấu như là một vật nuôi trong gia đình.
Trong khi đó với nhiều người, ngoài những yêu cầu về an toàn và môi trường sống bắt buộc phải tuân thủ, cá sấu là con vật nuôi không cần phải chăm sóc nhiều và không mất nhiều thời gian cũng như công sức với nó vì cá sâu không cần có người chăm sóc, không cần dắt đi dạo, không cần phải thủ thỉ, cưng nựng.
Bà Nicola Collins, người từng nhiều năm có vật nuôi là 1 con cá sấu có tên gọi là Fat Boy cho biết, mặc dù không lúc nào bà có thể lơ là cảnh giác hoặc quá gần gũi với Fat Boy như các loại thú cưng khác như Fat Boy là một con vật dễ thương và rất hay cười với bà.
Để hạn chế cá sấu làm hại người, chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia cũng vừa nâng số lượng cá sấu tự nhiên bị giết hại trong 1 năm từ 300 con lên đến 1.200 con. Tuy nhiên việc làm này lại khiến một số người không hài lòng.
Chị Charlene O’Sullivan có con gái bị cá sấu tấn công vào năm 11 tuổi khi đang bơi ở trong đầm nước cho biết, mặc dù chị vẫn luôn đau lòng khi nhớ về cái chết của con gái song cho biết thay vì việc gia tăng số lượng cá sấu bị giết hàng năm thì nên tăng cường giáo dục cộng đồng.
Chuyên gia về cá sấu Simon Pooley, thành viên của Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên chuyên nghiên cứu về sự đụng độ giữa cá sấu và con người ở nhiều nơi trên thế giới cho rằng, số vụ cá sấu tấn công người gia tăng tại Vùng lãnh thổ Bắc Australia là do con người chưa học được cách sinh sống với loài động vật này. Ông Simon Pooley tại bang Louisiana của Mỹ cũng có rất nhiều cá sấu nhưng lại không xảy ra nhiều vụ cá sấu tấn công người. Và theo ông Simon Pooley, đây là điều mà Australia cần học hỏi để giảm thiểu số vụ cá sấu tấn công con người.
Nguồn: vov.vn