Monday, November 25, 2024

TP Hồ Chí Minh cần hơn 4 triệu tỷ đồng đầu tư để vượt bẫy thu nhập trung bình

VTV.vn – Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP đến năm 2030 là 8,5-9%/năm. Trong giai đoạn 2026-2030 Thành phố sẽ cần 4,4 triệu tỷ đồng. Tức là mỗi năm cần đến gần 900.000 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh cần tìm động lực tăng trưởng mới, trước những thách thức về tăng trưởng kinh tế nội tại cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Có những định lượng cụ thể về mục tiêu, từ đó xác định những trọng tâm giải pháp, và tìm ra những hướng đi mới cho khu vực còn rất nhiều tiềm năng này. Đây là những nội dung chính tại “Hội thảo khoa học tham vấn định hướng phát triển kinh tế – xã hội TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2026-2030” vừa mới diễn ra.

Tại hội thảo các chuyên gia cùng chung nhận định: Mô hình tăng trưởng của Thành phố đang cần động lực phát triển mới. Theo đó tổng vốn đầu tư xã hội chính là đòn bẩy, quyết định đến 40% tăng trưởng. Và để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP đến năm 2030 là 8,5-9%/năm. Trong giai đoạn 2026-2030, Thành phố sẽ cần 4,4 triệu tỷ đồng đầu tư toàn xã hội. Tức là mỗi năm cần đến gần 900.000 tỷ đồng.

Nguồn lực này đến từ đâu? Và cơ chế chính sách thế nào để thu hút được nguồn lực xã hội? Đây là những câu hỏi lớn mà Thành phố cần phải giải bằng những giải pháp rất cụ thể trong thời gian tới.

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hoạch định những định hướng, những nhiệm vụ, những giải pháp về kinh tế xã hội đến năm 2030 nó vừa là thực hiện để đạt nhiệm vụ của một nhiệm kỳ, nhưng nó phải khai mở, phải đặt nền tảng để chắc chắn đến 2035, là chúng ta góp phần cùng với cả nước để chúng ta vượt bẫy thu nhập trung bình”.

Thúc đẩy đầu tư hạ tầng và tăng kết nối liên kết vùng

Theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị đang là những nút thắt lớn cần tháo gỡ. Và không chỉ chú trọng phát triển cho riêng mình mà thành phố cần đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Trong đó, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy được xem là rất tiềm năng giúp kết nối nội thị và liên tỉnh xoay quanh hành lang sông Sài Gòn.

Sông Sài gòn dài 251km, bắt nguồn từ tỉnh Bình Phước, chảy qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh hợp lưu với sông Đồng Nai kéo đến tận huyện Cần Giờ. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tận dụng địa thế, phát triển giao thông đường thủy, liên kết vùng.

TP Hồ Chí Minh cần hơn 4 triệu tỷ đồng đầu tư để vượt bẫy thu nhập trung bình - Ảnh 1.

TP Hồ Chí Minh cần xây dựng các tuyến liên kết vùng, tuyến tránh đô thị, các điểm kết nối giao thông vận tải để tạo động lực phát triển.

Xây dựng các tuyến liên kết vùng, tuyến tránh đô thị, các điểm kết nối giao thông vận tải. Theo các chuyên gia, tất cả phải được quy hoạch phát triển theo hướng tích hợp. Ví dụ như tuyến metro phải kết nối với tuyến đường sắt nối với sân bay, đường vành đai nối với tuyến đường thuỷ. Đặc biệt, Thành phố cần khai thác lợi thế tuyến đường ven sông Sài Gòn.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đề nghị bổ sung quy hoạch đại lộ ven sông Sài Gòn, không chỉ đại lộ ven sông phía TP Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng đề nghị tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh cũng có quy hoạch để chúng ta khai thác tuyến đường sông Sài Gòn một cách hiệu quả nhất”.

Theo Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, để tạo động lực phát triển mới, thì Thành phố phải hóa giải bốn thách thức gồm: Thứ nhất là thực hiện các công trình, dự án giao thông đô thị mang tính tầm cỡ. Thứ hai là triển khai các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Thứ ba là giải quyết tình trạng ngập úng. Và cuối cùng là mở rộng không gian 5 huyện ngoại thành, phát triển đa tâm “hướng sông, bám biển”.

Tiến sĩ Dư Phước Tân – Chuyên gia đô thị, Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết: “Khi mà chúng ta đã tận dụng được cái thế của mình mà tiềm năng chưa khai thác thì chúng ta sẽ tập trung đầu tư và nó sẽ tạo ra được những hiệu quả rất lớn. Tôi cũng rất tâm đắc với vấn đề phát triển du lịch dọc theo tuyến sông Sài Gòn”

Ngoài ra, Thành phố cần đầu tư hạ tầng tương xứng với định hướng dài hạn, đầy đủ loại hình như đường thủy, đường bộ, đường sắt đô thị liên tỉnh lấy hành lang ven sông Sài Gòn liên kết Vùng TP Hồ Chí Minh làm trọng tâm, đoạn kết nối Thành phố qua Củ Chi đến điểm du lịch tiềm năng núi Bà Đen, Tây Ninh.

Tiến sĩ Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 – TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải tập trung vấn đề hoàn thiện quy hoạch cho đường ven sông. Tôi biết rằng nếu TP Hồ Chí Minh quy hoạch xây dựng đường ven sông dọc từ Củ Chi đi về thì chúng ta hình dung từ 15 – 20 năm sau, trên sông Sài Gòn chiều dài 50km chúng ta thấy đô thị ven sông. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy bộ mặt khác, nâng tầm, nâng vị thế dòng sông yêu thương, dòng sông Sài Gòn”.

Trong thời gian tới, các chuyên gia cũng kiến nghị chính quyền Thành phố nghiên cứu bổ sung tuyến đại lộ ven sông với quy mô 6-10 làn xe, kết hợp đường sắt đô thị kết nối với tỉnh Tây Ninh, để đảm bảo kết nối liên vùng, nhằm khai thác được hết tiềm năng sẵn có của sông Sài Gòn.

Với vai trò đầu tàu, TP Hồ Chí Minh phải là hình mẫu của khu vực về hạ tầng và du lịch. Với địa hình sông Sài Gòn chúng ta có thể thấy tiềm năng vô cùng lớn. Không chỉ thuận lợi phát triển giao thông, mà còn là phát triển kinh tế, dịch vụ dọc 2 hành lang sông.

Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy các hình mẫu từ đô thị ven sông như sông Seine (Paris), Thames (London) hay Chao Phraya (Bangkok), dòng sông và không gian hai bên được khai thác rất hiệu quả giúp phát triển kinh tế của cả vùng.

Do đó, tận dụng lợi thế địa hình để hình thành “dòng chảy” du lịch sinh thái – văn hóa – nghỉ dưỡng độc đáo, khác biệt của sông Sài Gòn là điều mà rất nhiều chuyên gia khuyến nghị.

Đánh thức tiềm lực sẵn có của sông Sài Gòn

TP Hồ Chí Minh cần hơn 4 triệu tỷ đồng đầu tư để vượt bẫy thu nhập trung bình - Ảnh 2.

Dọc chiều dài sông Sài Gòn kéo dài từ Cần Giờ qua Củ Chi tới Tây Ninh rất tiềm năng chưa được tận dụng khai phá.

Trên tuyến buýt sông là một trong những sản phẩm du lịch vừa được Thành phố khai thác trên tuyến sông Sài Gòn và thu hút nhiều khách du lịch khi đến TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên những sản phẩm này hiện chỉ tập trung trong khu vực trung tâm. Trong khi đó, dọc chiều dài sông Sài Gòn kéo dài từ Cần Giờ qua Củ Chi tới Tây Ninh rất tiềm năng nhưng gần như đang bị bỏ ngỏ.

Là doanh nghiệp đang khai thác tour sông, đưa du khách từ khu vực trung tâm đi Vàm Sát – Cần Giờ hay địa đạo Bến Đình Củ Chi. Ông Trần Đông Duy cho biết, tiềm năng du lịch trên sông Sài Gòn còn rất lớn nhưng việc đầu tư còn hạn chế. Các điểm đến vẫn còn thiếu các bến thủy đạt tiêu chuẩn quốc tế để đón và trả khách. Đồng thời, dọc hai bờ sông còn thiếu các hoạt động, dịch vụ trải nghiệm tạo nên hệ sinh thái du lịch cao cấp sôi động, trên bến dưới thuyền để thu hút du khách.

Ông Trần Đông Duy – Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Water Bear cho hay: “Chúng ta cần thiết phải có kết nối giữa sông và trên bờ thì khi đó sự phát triển mới đồng bộ, lúc đó dịch vụ mới phong phú và hấp dẫn hơn với du khách”.

Với địa thế của sông Sài gòn, việc phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, du thuyền, lễ hội văn hoá, thể thao dưới nước là rất tiềm năng. Đơn cử như phát triển hệ sinh thái du lịch, hạ tầng giao thông đa dạng loại hình gồm: đường thủy, đường bộ, đường sắt dọc tuyến sông Sài Gòn từ trung tâm Thành phố qua Củ Chi đến Tây Ninh. Trong khi đó huyện Củ Chi, điểm du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử tiềm năng nhưng chưa phát triển đúng tầm.

“Phát triển đại lộ và đường sắt đô thị ven sông là yếu tố then chốt. Thứ nhất là xây dựng tuyến đại lộ kết nối TP Hồ Chí Minh qua Củ Chi lên Tây Ninh. Tập trung phát triển từ 4 – 10 làn xe, kết hợp đường bộ và đường sắt theo xu thế của các đô thị phát triển trên thế giới. Qua đó mở ra hướng phát triển đô thị, thương mại, du lịch điểm nhấn trên sông nước. Hoặc gia tăng kết nối hạ tầng, kết nối nội thành và liên kết vùng”, ông Hoàng Anh Tú – Giám đốc dự án, Tập đoàn BCG Việt Nam cho hay.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười – Nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: “Nhiều nơi khác muốn có sông nước để khai thác người ta không có, chính người ta đến đây để hưởng thụ không gian sông nước, cảm giác sông nước và sống trên sông nước thế nào. Thứ nhất là có dòng sông, có dòng chảy và chúng ta có cảnh quan hai bờ sông, có di tích lịch sử và chúng ta nên đầu tư thêm các loại hình, hoạt động khác như lưu trú, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí”.

Các chuyên gia đánh giá, để sông Sài Gòn trở thành 1 trong những trụ cột phát triển kinh tế và du lịch bền vững, Thành phố cần huy động nguồn lực xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư chiến lược để triển khai được hệ thống hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông tiên tiến, đột phá.

Chủ tịch UBND Thành phố thông qua hội thảo vừa rồi đã nêu quan điểm rất mạnh mẽ rằng: các mục tiêu đã được đặt ra rồi nhưng rất cần cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực, và nhanh chóng đi vào thực tiễn để phát triển. Đây thực sự là nhiệm vụ cấp thiết phục vụ cho Quy hoạch Thành phố trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img