Friday, August 30, 2024

Năm học mới lại nóng chuyện dạy thêm, học thêm

Hôm nay 26.8, học sinh cả nước tựu trường năm học mới. Vấn đề dạy thêm tràn lan vốn chưa bao giờ hết nhức nhối nay lại nóng hơn khi Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo quy định mới với nhiều ý kiến trái chiều.

Dù thế nào, mong muốn lớn nhất của người học và phụ huynh đó là thay đổi phải dẹp được “loạn” dạy thêm.

LO NGẠI HỢP THỨC HÓA DẠY THÊM TRÀN LAN

Trước thềm năm học này, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy định mới về dạy thêm học thêm (DTHT) với khẳng định nhằm xin ý kiến của toàn xã hội để khi ban hành chính thức sẽ phù hợp với thực tiễn và khả thi hơn trong quá trình thực hiện.

Năm học mới lại nóng chuyện dạy thêm, học thêm

Học sinh theo các lớp học thêm kéo dài đến tối mịt là hình ảnh quen thuộc ở hầu hết các địa phương,đặc biệt là các thành phố lớn

ẢNH: NHẬT THỊNH

Cấm những hiện tượng tiêu cực, không cấm nhu cầu DTHT chính đáng

Chúng tôi muốn tránh chuyện hình thức trong quản lý DTHT. Ví dụ, dự thảo bỏ quy định HS hoặc phụ huynh phải viết đơn xin học thêm vì thực tế có quy định phải có đơn của người học nên lại nảy sinh hiện tượng ép HS phải “tự nguyện” viết đơn. Do vậy dự thảo sửa theo hướng nhà trường cần công khai rõ ràng mọi thông tin về DTHT để HS và phụ huynh có căn cứ đăng ký dựa trên nhu cầu và mong muốn của từng HS.

Vấn đề là minh bạch thông tin và dự thảo đã đưa ra nhiều quy định mới về việc phải công khai những thông tin gì, báo cáo ra sao khi tổ chức DTHT. Khi xây dựng dự thảo này, điều quan trọng mà chúng tôi hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học. Hơn nữa, giám sát việc DTHT không chỉ có ngành GD-ĐT hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính HS và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.

Ông Nguyễn Xuân Thành
(Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT)

Rất nhiều ý kiến đã gửi tới Báo Thanh Niên về dự thảo, đa số tỏ ra băn khoăn vì những điều hiện nay đang cấm DTHT thì nay không còn. Một bạn đọc “chất vấn”: “Lúc chưa tăng lương giáo viên (GV) thì đổ lỗi cho lương thấp. Khi tăng rồi thì mở ra cho dạy thêm”.

Một phụ huynh có con học lớp 4 tại một trường tiểu học ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Chấn chỉnh đâu chưa biết nhưng hơn chục năm nay, từ khi Bộ GD-ĐT có quy định cấm dạy thêm với học sinh (HS) tiểu học; GV không được dạy chính HS của mình ở ngoài nhà trường… nhưng thực tế là HS từ lớp 1, thậm chí chuẩn bị vào lớp 1 đã phải đi học thêm ở lớp do chính cô chủ nhiệm tổ chức mỗi tuần vài buổi. Tuy nhiên, việc dạy học này được thực hiện “lén lút”, phụ huynh phải viết đơn rồi khi nào nhà trường hay ngành GD-ĐT ở quận tăng cường kiểm tra thì GV sẽ thông báo cho HS tạm nghỉ. Hết đợt kiểm tra, HS lại đi học bình thường”. Phụ huynh này lo lắng: “Nay Bộ GD-ĐT lại dự kiến bãi bỏ các lệnh cấm này, GV chẳng cần phải xin phép các cấp quản lý nào mà được “đàng hoàng” dạy thêm thì không biết HS có được dừng lại ở 1 – 2 buổi học thêm ở nhà cô nữa hay tăng vô tội vạ”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng chưa rõ những giải pháp hạn chế tiêu cực về DTHT trong dự thảo quy định mới. Hơn nữa, nếu chỉ đưa ra được các quy định mà không giám sát thực hiện, quy trách nhiệm… thì GV và thậm chí cả nhà trường cũng luôn có phương án lách luật.

Điều khiến không ít ý kiến lo ngại, đó là dự thảo quy định mới dù giữ nguyên tắc không DTHT với HS đã học 2 buổi/ngày và nêu tổng thời lượng học tập (bao gồm cả học thêm, nếu có) của HS từng cấp học nhưng đó chỉ áp dụng với trong nhà trường. Điều này làm dấy lên lo lắng HS sẽ càng rơi vào vòng xoáy học thêm không có điểm dừng khi các nhà trường tận dụng tối đa cơ hội để tổ chức dạy thêm trên lớp còn HS vẫn không thể bỏ những lớp học thêm theo nhu cầu, nguyện vọng thực sự ở bên ngoài.

TS Nguyễn Hoàng Chương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát (H.Bảo Lộc, Lâm Đồng), chỉ ra rằng: “Dự thảo quy định DTHT không nói rõ, việc DTHT có được tổ chức trong khoảng thời gian HS nghỉ hè, vào các ngày lễ, tết, chủ nhật? Thời gian biểu học thêm trong ngày bắt đầu, kết thúc lúc nào? Nếu không quy định rõ thì DTHT e phủ kín 24/7?”.

HIỆU TRƯỞNG, HIỆU PHÓ CŨNG DẠY THÊM THÌ “NÓI ĐƯỢC AI” ?

Dự thảo thông tư quy định hiệu trưởng, hiệu phó vẫn được tham gia dạy thêm nhưng phải thực hiện các yêu cầu theo quy định. Chẳng hạn, hiệu phó báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định… Hiện nay cũng không có quy định nào cấm hiệu trưởng, hiệu phó dạy thêm nhưng việc đưa vào quy định cho phép và hướng dẫn thì nhiều ý kiến cũng nêu băn khoăn.

Năm học mới lại nóng chuyện dạy thêm, học thêm

Cứ vào năm học mới, chuyện dạy thêm, học thêm lại trở thành chủ đề tranh luận, thậm chí bức xúc

ẢNH: NHẬT THỊNH

Một GV trường THCS ở Q.Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng hiệu phó tham gia dạy thêm thì việc kiểm tra đánh giá HS ở các nhà trường phổ thông rất khó có thể được thực hiện công bằng, khách quan, cho dù họ có cam kết. Ở hầu hết các trường hiệu phó chuyên môn thừa lệnh hiệu trưởng quản lý tất cả các đề kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) do tổ trưởng các tổ chuyên môn nộp lên. Mỗi khi hiệu phó nắm nội dung kiểm tra và họ cũng tham gia dạy thêm thì sẽ như thế nào?

Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng cho phép hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường với một số điều kiện về chế độ báo cáo kèm theo. TS Nguyễn Hoàng Chương chia sẻ: “Từng là hiệu trưởng, tôi lo lắng điều này”. Theo ông, ở vị trí đứng đầu nhà trường, trong bối cảnh đổi mới giáo dục, hiệu trưởng cần dồn hết tâm sức, thời gian… Theo quy định hiệu trưởng vẫn phải trực tiếp đứng lớp dạy 2 tiết/tuần với THPT, nhưng nhiều hiệu trưởng còn nói khó có thời gian thực hiện. “Điều này xa thực tế, rất trái khoáy. Khi “nhúng chàm” rồi, hiệu trưởng kiểm tra dạy thêm của GV sao đây”, ông Chương nêu.

GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN TIÊU CỰC TRONG DTHT

Tiếp cận dự kiến thay đổi về DTHT, một HS cấp THPT gửi gắm tâm tư tới Bộ GD-ĐT thông qua Báo Thanh Niên: “Em vẫn nghĩ yếu môn nào thì học thêm môn ấy nhưng chưa bao giờ em học thêm GV ở trên trường, em chỉ toàn học bên ngoài vì thấy GV đó phù hợp. Tuy nhiên, do nhà trường tổ chức dạy thêm nên nhiều lúc em cảm thấy rất bất lực khi thấy các bạn học thêm các GV trên lớp được tiết lộ đề kiểm tra thường xuyên và thi giữa kỳ, được các GV nhiệt tình giúp đỡ, được thiên vị quá mức… thực sự nó không công bằng với em và những bạn khác. Tuy đã bị cấm nhưng nó luôn diễn ra trong tình trạng ngầm. Dù cho có biết nhưng em cũng phải im lặng, chẳng thể làm gì được cả vì sợ GV “đì” vì không đi học thêm. Bản thân em cũng đã trải qua cảm giác ấy một khoảng thời gian, nó rất rất tệ nên rất mong Bộ GD-ĐT có một hướng xử lý nghiêm và hình thức kỷ luật thích đáng đối với các trường hợp như vậy ạ”.

Đây là phản ánh không mới. Trao đổi với PV Thanh Niên về giải pháp để chặn tình trạng tiêu cực trong dạy thêm khi xây dựng quy định mới, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Dự thảo lần đầu tiên đưa vào một nội dung mới trong điều khoản về nguyên tắc khi DTHT, đó là: “Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã DTHT để kiểm tra, đánh giá HS”. Sở dĩ chúng tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu này là để tránh hiện tượng gây bức xúc lâu nay: HS nào học thêm thì có điểm cao trong bài kiểm tra, đánh giá và ngược lại.

Nhiều ý kiến đồng tình với việc bổ sung quy định này nhưng cũng đề nghị ngành GD-ĐT cần quyết liệt hơn nữa trong việc hạn chế sự cảm tính hoặc thậm chí là động cơ không trong sáng của GV khi muốn kéo nhiều HS học thêm trong việc ra đề kiểm tra, đánh giá, cho điểm. Ví dụ, các kỳ kiểm tra quan trọng, định kỳ có tính quyết định học lực trong kỳ học, năm học của HS thì không nên để chính GV ra đề, đề kiểm tra cũng cần chuẩn hóa để hạn chế dấu ấn cá nhân GV.

PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng hiện nay sách giáo khoa đã rất mở, cho phép xây dựng các dự án học tập để dạy và kiểm tra, đánh giá HS. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu phải đánh giá trên sản phẩm của HS, đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập, phẩm chất của các em, không phải chỉ đánh giá trên kết quả học tập của HS. “Nếu các đề thi chuẩn hóa, phủ hết các nội dung học tập với các câu hỏi đơn giản, có thể làm trên máy tính luôn thì thi cử sẽ nhẹ nhàng, kết quả có luôn, phản ánh được sự tiến bộ của HS trong quá trình học”, PGS-TS Chu Cẩm Thơ nói và cho rằng khi chậm thay đổi, vẫn làm theo cách ôn đề sẽ tạo điều kiện cho DTHT theo hướng tiêu cực còn “đất sống”.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết quy định cấm hay không cấm trong DTHT không phải là vấn đề mấu chốt, quan trọng không kém để việc dạy học này trở nên lành mạnh và không tràn lan là các giải pháp đồng bộ về kiểm tra, đánh giá, thi cử… Theo đó, Bộ cũng có thể sẽ tính đến phương án đánh giá độc lập, khách quan trong các kỳ kiểm tra định kỳ thay vì để GV trực tiếp ra đề rồi lại chấm điểm bài làm của HS do mình giảng dạy, bao gồm cả dạy chính khóa và dạy thêm.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi