Ca mắc sởi tại nước ta đang gia tăng, nhiều địa phương ghi nhận ca bệnh, ngành Y tế khuyến cáo người dân phòng bệnh chủ động bằng tiêm chủng.
Ngày 27/8, TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi trên địa bàn thành phố sau khi ghi nhận hàng trăm ca mắc và có 3 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi. Cùng với đó, nhiều địa phương cũng ghi nhận ca bệnh sởi.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng Đồng – Xuân. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân.
Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được trên 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng. Dịch thường có tính chu kỳ từ 3-5 năm.
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vaccine sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Bệnh sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo như khác như viêm phổi, tiêu chảy… và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Tiêm vaccine sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
Nếu trẻ được tiêm một mũi vaccine sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vaccine sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.
Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời. Các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng.
Nguồn: vtv.vn