Friday, August 30, 2024

Luật sư Phạm Văn Bạch – ‘Mùa thu nhớ mãi’

Năm 1981, đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy”, ngồi ôn lại cuộc đời mình, nhiều sự kiện như những bức tranh lờ mờ, song có sự kiện luật sư Phạm Văn Bạch không bao giờ có thể quên. Đó là những ngày mùa thu năm 1945: Mùa thu nhớ mãi – tên hồi ký của ông do Minh Ngọc ghi.

Phạm Văn Bạch sinh ra và lớn lên trong một gia đình thế tộc, có ruộng đất, có quyền hành. Cha ông làm công chức ở Sài Gòn. Ông ngoại là Đốc phủ sứ Tỉnh trưởng Gia Định.
Luật sư Phạm Văn Bạch - 'Mùa thu nhớ mãi'

Luật sư Phạm Văn Bạch (1910 – 1986)

Ảnh: K.M chụp lại

Mồ côi mẹ từ nhỏ, Phạm Văn Bạch được ông bà ngoại nuôi ăn học. Anh sang Pháp du học và lấy bằng tiến sĩ luật khoa. Nhưng với thân phận người dân thuộc địa, dù có bằng tiến sĩ, người thanh niên họ Phạm vẫn thất nghiệp ở chính nước Pháp. Anh trở về Việt Nam làm nghề “gõ đầu trẻ” rồi chuyển sang luật sư tập sự khi ở Sài Gòn, lúc sang Phnom Penh (Campuchia).

Trở về lại Cần Thơ sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), bắt liên lạc được với ông Nguyễn Văn Cái (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre), ông Phạm Văn Bạch bắt đầu tham gia cách mạng. Đúng lúc đó, phát xít Nhật ở Cần Thơ quyết định trưng dụng ông làm chánh án tòa án tỉnh. “Tôi đi tham khảo ý kiến của tổ chức thì được khuyên nên nhận lời, vì Đảng bộ đã hiểu lập trường của tôi, và vì ở vị trí đó, sau này tôi có thể giúp đỡ anh em dễ dàng hơn”, ông Phạm Văn Bạch kể lại.

Những ngày tháng 8.1945 sôi động, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Bến Tre. Đầu tháng 9.1945, ông Hoàng Quốc Việt – Đặc phái viên của Trung ương Đảng tại Nam bộ – đã ủy nhiệm cho ông Nguyễn Văn Cái thay mặt Xứ ủy Nam bộ từ Sài Gòn xuống Bến Tre mời ông Phạm Văn Bạch lên Sài Gòn làm việc. Tới nơi, ông mới biết mình được nhận một nhiệm vụ hết sức bất ngờ như lời ông kể trong hồi ức:

“Lúc ấy anh Trần Văn Giàu đang làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời Hành chánh Nam bộ (gọi tắt là Lâm ủy). Lên đến Sài Gòn, tôi mới biết mình được Đảng phân công làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Nam bộ, trên cơ sở quyết nghị nhất trí của Mặt trận Việt Minh. Cùng đứng trong Ủy ban có các anh Trần Văn Giàu lo về quân sự, Nguyễn Văn Tạo phụ trách nội vụ, Ung Văn Khiêm trông coi giao thông nội bộ, Phạm Ngọc Thạch lo mặt đối ngoại, Ngô Tấn Nhơn lo về kinh tế; ngoài ra còn có kỹ sư Nguyễn Văn Nghiêm và Huỳnh Phú Sổ (Hòa Hảo), Từ Bá Đước (địa chủ yêu nước)…”.

Luật sư Phạm Văn Bạch - 'Mùa thu nhớ mãi'

Lễ gắn biển đặt tên đường Phạm Văn Bạch tại Hà Nội (2015)

Ảnh: K.M chụp lại

Ủy ban còn có một ban cố vấn khoảng 50 trí thức nhiệt tình yêu nước và có uy tín cao đối với đồng bào Nam bộ. Đứng đầu ban cố vấn là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (sau năm 1954 từng làm Phó chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế).

Đứng đầu Ủy ban Nhân dân Cách mạng trong lúc nước sôi lửa bỏng, phải đối phó với ngoại bang đang âm mưu xâm chiếm lại Nam bộ không phải dễ dàng. Ủy ban có 2 thành viên nhỏ tuổi nhất là Phạm Ngọc Thạch (36 tuổi) và Phạm Văn Bạch (35 tuổi). Ông Thạch được phân công lo ngoại giao, để dễ nói chuyện với những người bên phía Anh và Pháp. Hai ông tự bảo nhau khai tăng 10 tuổi.

Trong khi đó, nhiều người bi quan, tiêu cực, cho rằng ông Bạch đã “lao đầu vào chỗ chết”. Họ can ngăn ông hãy nhìn những trí thức từ chối tham chính để làm gương. Nhiều người lúc này còn chưa hiểu cách mạng là gì. Ngay đến người thân của ông còn hiểu sai về hai chữ “cách mạng”. Họ hình dung theo kiểu cảm nghĩ của A.Q: Làm cách mạng trước sau gì cũng bị “cách” cái “mạng”. Còn Phạm Văn Bạch suy nghĩ – đó cũng là suy nghĩ chung của đa số người Việt Nam lúc bấy giờ: Hạnh phúc biết bao nếu như mình có thể đem mạng sống nhỏ nhoi đổi lấy một cái gì đó cho đồng bào, cho Tổ quốc!

Từ cuối 1946 đến giữa 1948, ông Phạm Văn Bạch còn kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam, phụ trách các tỉnh từ Phú Yên tới mũi Cà Mau. Nhiệm vụ của ủy ban là tổ chức liên lạc giữa Trung ương ở Việt Bắc và Nam bộ, đưa cán bộ và chiến sĩ ra vào, tiếp tế vũ khí đạn dược và tài chính…. Vào chiến khu, ông Phạm Văn Bạch đã tận mắt chứng kiến sau hơn 80 năm bị đô hộ, đồng bào miền Nam sẵn sàng đem tài sản và hy sinh cả tính mạng của mình để che giấu cán bộ bằng nguyên tắc “ba không”: không biết, không nghe, không thấy. (còn tiếp) 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi