VTV.vn – Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho một bệnh nhân nam 47 bị đa chấn thương do ngã giàn giáo cao 10m.
Bệnh nhân N.V.T. (47 tuổi, trú tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) nhập viện do tai nạn lao động trong tình trạng mất nhiều máu, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau cổ, tê tay chân, đau khung chậu cử động hạn chế.
Ngay khi tiếp nhận ca bệnh và làm các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy trật cột sống cổ, trật khớp háng, gãy xương bánh chè, gãy xương bàn tay, đa vết thương phần mềm, yếu hai tay. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Ca mổ do BSCKII. Huỳnh Như Đồng, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh và BSCKI. Đàm Thị Lý tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân tỉnh táo, cử động 2 tay tốt, ăn uống được.
Theo BSCKII. Huỳnh Như Đồng, đây là một trường hợp tai nạn lao động với những chấn thương hết sức phức tạp, tổn thương nhiều vị trí, đòi hỏi các bác sĩ nhiều kinh nghiệm cũng như phối hợp rất nhiều chuyên khoa tham gia phẫu thuật cấp cứu. Những trường hợp tai nạn lao động nguy kịch đều chịu áp lực nặng nề về thời gian, vì thế người thân cần sơ cứu đúng cách và nhanh chóng hết sức đưa nạn nhân tới cơ sở y tế bởi chỉ vài phút cấp cứu chậm trễ là có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Ngã cao là tai nạn rất phổ biến, đa dạng và thường xảy ra ở tất cả các dạng thi công trên cao như xây, lắp đặt, tháo dỡ cốp pha, lắp đặt cốt thép, đổ dầm bê tông, lắp ghép các kết cấu xây dựng và thiết bị, vận chuyển vật liệu lên cao, làm mái và các công tác hoàn thiện (trát, quét vôi, trang trí…). Để phòng ngừa tai nạn ngã cao, một biện pháp cơ bản nhất là phải trang bị dàn giáo, bảo hộ lao động (thang, giáo cao, giáo ghế, giáo treo, chòi nâng, sàn treo…) để tạo ra chỗ làm việc và các phương tiện khác bảo đảm cho công nhân thao tác và đi lại ở trên cao thuận tiện và an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!