Wednesday, September 4, 2024

Chuyên gia nêu nguyên do khiến học sinh giảm động lực học tiếng Anh

Theo chuyên gia, việc sử dụng mỗi sách giáo khoa trong quá trình truyền thụ kiến thức mà không lưu tâm đến những phương pháp cần thiết khác có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, từ đó triệt tiêu động lực học tiếng Anh.

Chuyên gia nêu nguyên do khiến học sinh giảm động lực học tiếng Anh

Theo tiến sĩ Rob Waring, giáo sư danh dự của ĐH Notre Dame Seishin (Nhật Bản), người học sẽ rất dễ quên kiến thức nếu giáo viên cứ liên tục dạy bài mới trong sách giáo khoa

NGỌC LONG

Sáng 30.8, khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp cùng ĐH Công nghệ Malaysia (UTM) tổ chức hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh (ICELT) với chủ đề “Bản địa hóa các yếu tố toàn cầu và hoạt động giảng dạy tiếng Anh”. Sự kiện diễn ra tại TP.HCM và sẽ kéo dài đến hết ngày mai, 31.8, thu hút hàng chục tham luận trình bày từ các diễn giả trong và ngoài nước.

Rủi ro khi chỉ ‘dạy một lần rồi thôi’

Tại đây, tiến sĩ Rob Waring, giáo sư danh dự của ĐH Notre Dame Seishin (Nhật Bản), thành viên ban điều hành Tổ chức Extensive Reading Foundation, thẳng thắn rằng hàng trăm lớp học tiếng Anh ở châu Á ông từng ghé thăm đều có xu hướng tập trung vào một quyển sách giáo khoa. Trong đó, phần lớn những bộ sách giáo khoa ở các nước đều có chung cấu trúc là chia nội dung thành nhiều chương khác nhau.

“Khi đó, các chủ điểm từ vựng, ngữ pháp… ở chương sau sẽ không lặp lại chương trước, do các chương khác chủ đề. Điều này dẫn đến việc khi sang tiết tiếp theo, thầy cô phải dạy bài mới vì mặc định cho rằng học sinh đã hiểu bài cũ. Tôi gọi phương pháp sư phạm này là ‘dạy một lần rồi thôi’ (one-hit teaching), tức dạy xong kiến thức mới rồi bỏ đó và cứ thế lặp lại”, tiến sĩ Waring chia sẻ.

Việc học ngoại ngữ như trên hoàn toàn kém hiệu quả, theo ông Waring. Bởi, các nghiên cứu cho thấy người học cần phải gặp một từ ít nhất 10 lần mới có thể trả lời đúng trong bài kiểm tra. Con số này lần lượt tăng thành 20, 50, 100 nếu muốn người học hiểu được từ này khi đọc, dùng được khi viết, dùng được khi nói. “Trong khi đó, phần lớn từ vựng được dạy trong sách giáo khoa chỉ lặp lại hai lần”, nam giáo sư cho hay.

Chuyên gia nêu nguyên do khiến học sinh giảm động lực học tiếng Anh

Tiến sĩ Rob Waring trình bày về khái niệm “dạy một lần rồi thôi” và đề cập đến việc phần lớn từ vựng chỉ lặp lại hai lần trong sách giáo khoa

NGỌC LONG

Chuyên gia nêu nguyên do khiến học sinh giảm động lực học tiếng Anh

Người tham dự đặt câu hỏi cho diễn giả

NGỌC LONG

Chưa kể, giới khoa học từ lâu đã đưa ra khái niệm “đường cong lãng quên” (forgetting curve), miêu tả rằng kiến thức được lưu giữ nhiều nhất sau khi học và dần bị “xói mòn” theo thời gian. Việc dạy học bài mới liên tục vì thế sẽ khiến học sinh sớm quên nội dung bài cũ, cuối cùng khiến các em tự trách bản thân chậm hiểu và thấy tiếng Anh quá khó. “Và đây là cách chúng ta xóa sổ động lực học tập của các em”, tiến sĩ Waring nói.

Để tạo hứng thú cho học trò, theo giáo sư Waring, giáo viên cần xây dựng chương trình học từ vựng có hệ thống hơn, tạo điều kiện cho các em được tiếp xúc lại những từ vựng, ngữ pháp cũ thay vì cứ liên tục dạy mới. Bên cạnh đó, giáo viên cần hướng dẫn học trò song song phương pháp “đọc để học” (intensive reading) và “học để đọc” (extensive reading) để bổ trợ lẫn nhau trong quá trình học ngoại ngữ.

“Ngành giảng dạy tiếng Anh của chúng ta vẫn còn nhiều điểm làm chưa tốt nhưng chúng ta lại xem nó là điều thông thường, như quá tập trung vào ngữ pháp và cấu trúc, không cung cấp đủ kiến thức, chọn dạy từ vựng dựa trên chủ đề bài học thay vì những từ thực sự hữu ích hay ít tạo ra các hoạt động tương tác nhận thức, cảm xúc và văn hóa – xã hội. Vì thế, hãy tự hỏi, ‘Điều gì đã dập tắt động lực của học trò’ thay vì đổ lỗi cho các em”, tiến sĩ Waring nêu quan điểm.

Dạy trên TikTok, lớp học ảo

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất nhiều phương pháp khác để tạo động lực học tập trong bối cảnh công nghệ ngày càng phổ biến, nhất là với các học viên trẻ tuổi. Theo PGS-TS Hadina Habil, Chủ tịch Viện Ngôn ngữ (ĐH Công nghệ Malaysia), giảng viên nước này có thể đồng kiến tạo lớp học ảo (virtual classroom) cùng giảng viên nước khác để không chỉ nói năng tự nhiên hơn mà còn nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hóa.

Chuyên gia nêu nguyên do khiến học sinh giảm động lực học tiếng Anh

PGS-TS Hadina Habil, Chủ tịch Viện Ngôn ngữ (ĐH Công nghệ Malaysia), khuyến khích các giảng viên áp dụng mô hình lớp học ảo trong tiết học tiếng Anh

NGỌC LONG

“Các học viên đều đánh giá tích cực về mô hình lớp học ảo, nhất là trong khía cạnh học hỏi văn hóa song song với ngoại ngữ. Không chỉ giúp học viên hiểu, giao tiếp với những người từ các nền văn hóa, mô hình này còn tạo điều kiện để giảng viên từ khắp thế giới hợp tác với nhau, trong đó có Việt Nam”, PGS-TS Hadina nhận định, cho biết thêm cần có các bài tập, hoạt động trước và sau khi lớp học diễn ra để học viên tìm hiểu, phản tư.

Cùng làm việc ở Viện Ngôn ngữ, tiến sĩ Norhanim Abdul Samat đề xuất dùng TikTok để hỗ trợ dạy học tiếng Anh. Bởi, nền tảng này có khả năng tích hợp nhiều yếu tố, gồm: nhạc, video, văn bản và các hiệu ứng đặc biệt. Tính năng này giúp hỗ trợ người học tiếp cận đa dạng cách học, như học qua hình ảnh, âm thanh, đọc, viết hoặc bằng những thao tác cụ thể.

“Việc học qua TikTok hoàn toàn phù hợp với thói quen số của người trẻ hiện tại nếu so với các phương pháp giảng dạy truyền thống. Tuy nhiên, ngoài việc phải học cách dùng TikTok, một thách thức lớn khác với thầy cô là phải sàng lọc nội dung phù hợp với học sinh, vì thuật toán của nền tảng này cung cấp nhiều loại nội dung khác nhau, hữu ích có nhưng gây xao nhãng cũng có”, tiến sĩ Norhanim lưu ý.

Vì sao cần bản địa hóa?

Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nguyên, Trưởng khoa Ngữ văn Anh của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bản địa hóa những yếu tố sư phạm từ nước ngoài là cần thiết vì một phương pháp, sách giáo khoa ở Mỹ hiệu quả với học sinh Mỹ có thể không hợp với học sinh Việt do sự khác biệt về văn hóa, quan điểm… Do đó, không nên chỉ chăm chăm vào thành công của một mô hình nước ngoài và cứ thế đem về áp dụng tại Việt Nam.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi