Wednesday, September 4, 2024

Bến Tre: Xe ‘trá hình’ tuyến cố định gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải

Kinh doanh loại hình xe hợp đồng nhưng lại bán vé và đón, trả khách như tuyến cố định, gây bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải hành khách ở Bến Tre.

Xe hợp đồng nhưng đón, trả khách như tuyến cố định

Từ phản ánh của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định ở Bến Tre, ngày 29.8, PV Thanh Niên đặt vé xe của Công ty TNHH Duy Quý Thảo Châu (trụ sở tại TP.Bến Tre, chi nhánh ở xã Bình Thành, H.Giồng Trôm, Bến Tre) từ H.Giồng Trôm đi TP.HCM.

Bến Tre: Xe 'trá hình' tuyến cố định gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải

Nhà xe Duy Quý Thảo Châu đón, trả khách trên đường

BẮC BÌNH

Nhân viên bán vé của nhà xe Duy Quý Thảo Châu cho biết, xe xuất phát sớm nhất lúc 3 giờ sáng tại H.Giồng Trôm, cách 1 giờ xe chạy đi TP.HCM 1 lần và ngược lại; nhà xe tại trụ sở chính ở TP.Bến Tre cách 30 phút xuất bến 1 lần đi TP.HCM và ngược lại. Điểm đến cố định tại TP.HCM nằm trên đường Hùng Vương, Q.5.

Trong vòng bán kính 5 km tại “bến” ở Bến Tre và TP.HCM, hành khách được xe trung chuyển đưa đón. Hành khách đi từ nhà xe tại H.Giồng Trôm được “xé vé” với mức 110.000 đồng/vé; nếu đi từ nhà xe tại TP.Bến Tre đến TP.HCM 90.000 đồng/vé, đến “bến” trên đường Hùng Vương, Q.5 (TP.HCM) khách mới được giao vé, nếu có yêu cầu.

Công ty Duy Quý Thảo Châu còn kinh doanh vận tải hành khách trên các tuyến Giồng Trôm – TP.Bến Tre (50.000 đồng/vé), Giồng Trôm – Tiền Giang (80.000 đồng/vé), TP.Bến Tre – Tiền Giang (50.000 đồng/vé).

Bến Tre: Xe 'trá hình' tuyến cố định gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải

Kinh doanh xe hợp đồng nhưng tại trụ sở của Công ty TNHH Duy Quý Thảo Châu ở TP.Bến Tre có quầy vé cố định

BẮC BÌNH

Ông H., chủ một DN vận tải ở Bến Tre, bức xúc: “Kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định là ngành nghề có điều kiện, tức phải được Sở GTVT Bến Tre cấp phép. Các DN khai thác tuyến cố định phải đăng ký hoạt động trong bến xe của nhà nước. Mỗi đầu xe phải đóng phí tại Bến xe Bến Tre 3 triệu đồng/tháng và Bến xe Miền Tây cũng vậy. Tức mỗi đầu xe phải tốn 6 triệu đồng tiền bến, rồi còn phải đóng thuế VAT khi bán vé, thuế thu nhập DN và nhiều khoản khác nữa. Trong khi đó, xe của Công ty Duy Quý Thảo Châu thì hoạt động “gom” khách, chạy như tuyến cố định mà không phải đóng khoản tiền như chúng tôi. Tình hình này kéo dài làm sao chúng tôi trụ được. Các vấn đề giá xăng, dầu, phí đường bộ… đã mệt mỏi lắm rồi mà còn phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh như vậy”.

Đây cũng là bức xúc chung của chủ các DN có đăng ký khai thác vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện nay.

Sở GTVT Bến Tre sẽ kiểm tra toàn diện

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Hồng Sương, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bến Tre, cho biết hiện tại Công ty TNHH Duy Quý Thảo Châu hoạt động dưới hình thức kinh doanh xe hợp đồng. Sở GTVT Bến Tre chưa cấp phép đủ điều kiện khai thác tuyến cố định cho DN này (cả trụ sở chính và chi nhánh).

Bến Tre: Xe 'trá hình' tuyến cố định gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải

Thanh tra Sở GTVT Bến Tre kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Duy Quý Thảo Châu trước thời điểm chi nhánh này hoạt động

BẮC BÌNH

Cụ thể, theo ông Sương, hiện Công ty Duy Quý Thảo Châu không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính (TP.Bến Tre), trụ sở chi nhánh (H.Giồng Trôm) hoặc tại một địa điểm cố định (mà công ty thuê). Công ty không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm đã hợp đồng; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau; không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.

Vẫn theo ông Sương, xe hợp đồng như nhà xe của công ty nói trên hiện chỉ được vận chuyển hành khách thông qua ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (tức công ty) theo hợp đồng với người có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

Trước phản ánh của PV Thanh Niên về hoạt động chạy tuyến cố định “trá hình” của Công ty Duy Quý Thảo Châu, ông Đào Hồng Sương cho biết Thanh tra Sở GTVT Bến Tre sẽ kiểm tra toàn diện đối với hoạt động của công ty này. Trường hợp vi phạm như phản ánh sẽ bị xử phạt và buộc phải chấm dứt hoạt động kiểu tuyến cố định.

Theo ông Lê Văn Tường, Phó giám đốc Sở GTVT Bến Tre, có tình trạng một số ô tô kinh doanh vận tải hành khách gắn phù hiệu “xe hợp đồng” không do Sở GTVT Bến Tre cấp, nhưng lại thường xuyên hoạt động trên địa bàn tỉnh này; đặc biệt là các xe hợp đồng hoạt động “trá hình” tuyến cố định. Thực trạng này gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN vận tải hành khách. Do đó, trong khi chuẩn bị kiểm tra toàn diện để chấn chỉnh, Sở GTVT Bến Tre đã có công văn đề nghị Công an tỉnh Bến Tre; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh Bến Tre và Sở GTVT các các tỉnh, thành thường xuyên kiểm tra xử lý, góp phần chấm dứt tình trạng này.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi