Friday, September 6, 2024

Tạm dừng hoạt động 4 sân bay để đảm bảo an toàn trước siêu bão Yagi

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), Cục đã tạm thời đóng cửa bốn sân bay nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác.

Chiều 5/9, Cục Hàng không Việt Nam họp triển khai phương án phòng chống, ứng phó cơn bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi).

Căn cứ thông tin dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia về ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhận định đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, có khả năng ảnh hưởng và uy hiếp an toàn khai thác tại các cảng hàng không, sau khi thảo luận, nghe các đơn vị báo cáo, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã yêu cầu tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại một số sân bay.

Tạm dừng hoạt động 4 sân bay để đảm bảo an toàn trước siêu bão Yagi

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 4h đến 16h ngày 7/9. Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi (thành phố Hải Phòng) tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 5h đến 16h ngày 7/9.

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (thành phố Hà Nội) ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 10h đến 19h ngày 7/9. Cảng Hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa) ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 12h đến 22h ngày 7/9.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) có trách nhiệm thông báo tin tức hàng không phù hợp theo quy định hiện hành và điều hành bay đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Đối với Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu cảng vụ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn khai thác tại các cảng hàng không theo quy định.

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng hàng không Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các sân bay Vân Đồn, Cát Bi từ tối đêm 6/9 đến sáng ngày 7/9 chịu ảnh hưởng bởi bão, tầm nhìn có thể giảm tới 1km trong mưa bão kèm theo gió giật mạnh. Sân bay Nội Bài và Thọ Xuân từ trưa chiều ngày 7/9 đến đêm cùng ngày chịu ảnh hưởng bởi mưa bão, tầm nhìn có lúc giảm tới 1,5km trong mưa bão kèm gió giật mạnh.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không, Công ty bay dịch vụ hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động bay; căn cứ vào tình hình diễn biến của bão để xem xét dừng khai thác tại một số sân bay nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3.

Sân bay Nội Bài lên phương án ứng phó siêu bão số 3 để đảm bảo an toàn bay

Nhận định siêu bão số 3 (tên quốc tế Yagi) là một cơn bão lớn, mưa nhiều kèm theo giông lốc, sấm sét, để chủ động đối phó, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đã có yêu cầu các đơn vị chủ động thực hiện ứng phó nhằm đảm bảo an toàn.

Theo đó, các đơn vị của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài thường xuyên cập nhật, triển khai, quán triệt thông tin về cơn bão để chủ động trong công tác phòng, chống bão và phổ biến các văn bản liên quan đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.

Cảng cũng tăng cường kiểm tra những khu vực trọng yếu, kịp thời khơi thông cống rãnh, mương thoát nước để tránh ngập úng cục bộ; chằng néo máy bay, phương tiện trang thiết bị phục vụ mặt đất trước khi có mưa to, gió lớn để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện trên sân đỗ máy bay.

Các đơn vị thi công trong khu vực cảng, bộ phận giám sát thi công phải có biện pháp phù hợp để quản lý vật liệu, phương tiện, trang thiết bị thi công, ngăn ngừa gió có cường độ lớn thổi bay vật liệu, dụng cụ thi công gây uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn hoạt động khai thác trong khu bay.

Lực lượng phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ từng đơn vị ứng trực tại vị trí 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của cơn bão; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm khẩn trương khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài chủ động phương án điều hành bay, phục vụ hành khách và kịp thời giải đáp thông tin cho hành khách các chuyến bay đi/đến cảng do ảnh hưởng của bão số 3, bảo đảm chất lượng dịch vụ; xây dựng phương án tiếp nhận, bố trí vị đỗ máy bay từ các sân bay bị ảnh hưởng do bão số 3 về Sân bay Quốc tế Nội Bài hạ cánh.

Khi ảnh hưởng đến đất liền, cường độ bão có khả năng mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14

Chiều 5/9, đại điện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết bão số 3 là cơn bão rất mạnh. Dự báo cơn bão này sẽ tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam.

Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp​ 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14. Dự báo hoàn lưu bão số 3 có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

Thông tin cụ thể, đại điện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết hiện nay (chiều 5/9), bão đang ở trên khu vực phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 420km về phía Đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17.

Tạm dừng hoạt động 4 sân bay để đảm bảo an toàn trước siêu bão Yagi

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị phòng chống Bão số 3. (Ảnh: TTXVN)

Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão. 

Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14,” đại điện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin.

Qua trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan khí tượng thủy văn trong khu vực, đại điện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết các chuyên gia dự báo của cơ quan khí tượng Trung Quốc đánh giá bão số 3 đạt cấp siêu bão và sẽ đi qua khu vực giữa đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), vào vịnh Bắc Bộ trong sáng 7/9. Bão sẽ gây mưa to và gió mạnh cho khu vực vịnh Bắc Bộ, khoảng 250-300mm và gió vùng ven biển có thể đạt cấp 10-13.

Chuyên gia dự báo Nhật Bản cũng đánh giá bão số 3 dự kiến ​​sẽ có cường độ gió cuối cấp 12 ngay trước khi đổ bộ vào gần Việt Nam, sau đó tốc độ gió dự kiến ​​sẽ giảm nhanh sau khi đổ bộ. Mặc dù tốc độ gió bão được dự báo sẽ giảm nhanh sau đổ bộ nhưng hoàn lưu bão số 3 có thể gây mưa rất lớn trên diện rộng, ngay cả khi tâm bão không đổ bộ vào Việt Nam.

Nguy cơ ngập lụt diện rộng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo bão số 3 sẽ duy trì cấp 16, giật trên cấp 17 cho đến khi di chuyển vào vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam. Khoảng đêm ngày 6/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá.

Khoảng chiều đến đêm ngày 7/9, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc Bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.

Trước diễn biến trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh từ chiều 6/9, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội; vùng biển khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 7,0-9,0m, vùng gần tâm bão 10,0-12,0m, biển động dữ dội.

Từ đêm 6/9, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2,0-4,0m, sau tăng lên 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m; từ gần sáng ngày 07/9, vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m.

Ven biển các tỉnh từ Thanh Hoá tới Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5-1,8m: Quảng Ninh từ 1,5-1,8m; Hải Phòng và Thái Bình từ 1,2-1,5m; Nam Định và Ninh Bình từ 0,8-1,2m; Thanh Hoá: 0,5-1,0m.

Trên đất liền, từ gần sáng 7/9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão (Quảng Ninh, Tp. Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Nam Định) cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hoà Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) và Thanh Hoá có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phổ biến 100-150mm.

Từ chiều 7/9 đến hết ngày 8/9 trên khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-250mm, cục bộ có nơi trên 350mm.

Dự báo ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại các tỉnh vùng núi, đồng bằng trung du Bắc Bộ, các khu đô thị, đặc biệt các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo từ nay đến hết năm 2024 còn khoảng 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 3-4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền (không kể cơn số 3)

Với kịch bản ảnh hưởng của La Nina năm nay nguy cơ xảy ra bão và mưa lớn dồn dập tại khu vực Miền Trung trong các tháng cuối năm 2024. Có khả năng tháng 1/2025 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi