Tuesday, September 10, 2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3

Bão số 3 (bão Yagi) đi qua để lại thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương miền Bắc. Hiện người dân tại nhiều khu vực vẫn đang sống trong cảnh không điện, không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt. Chính quyền các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Hà Nội nỗ lực giúp dân ổn định cuộc sống

Sáng 8.9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thị Minh Hoài và các lãnh đạo UBND TP.Hà Nội dẫn đầu nhiều đoàn công tác đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão Yagi trên địa bàn.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3

Sau khi ngớt bão, lực lượng chức năng cùng người dân chung tay khắc phục hậu quả

ẢNH: TUẤN MINH

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thị Minh Hoài lưu ý, trong những ngày tới ảnh hưởng của bão vẫn rất đáng lo ngại nên không được chủ quan khi bão đã đi qua. Bà yêu cầu các địa phương cần tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ những địa bàn, hộ dân bị thiệt hại nặng, nhất là các gia đình, cơ sở bị đổ sập nhà ở, công trình xây dựng. Duy trì lực lượng và phương tiện sẵn sàng xử lý các vấn đề phát sinh, đặc biệt là tiêu thoát nước khi xảy ra mưa lớn, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập. Vừa khắc phục hậu quả, vừa giúp dân ổn định cuộc sống. Cạnh đó, cần quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách bị thiệt hại do bão; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm khi cần thiết, không để ai bị đói, bị rét, thiếu thốn thuốc men, chữa bệnh.

Sau mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP.Hà Nội đã yêu cầu các lực lượng tập trung ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” với lũ rừng ngang gây mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức; không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ. Do ảnh hưởng của bão Yagi, nước trên sông Bùi tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức đã dâng lên, ở mức báo động 2.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3

Quân đội điều động nhân lực phối hợp chính quyền địa phương dọn dẹp cây đổ ở Hà Nội

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Sau hơn 1 ngày chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, TP.Hà Nội ghi nhận gần 17.400 cây xanh đổ và gãy cành, khiến giao thông nhiều tuyến phố bị chia cắt, chắn toàn bộ hoặc một phần lòng đường; làm 4 người chết, 11 người bị thương. Mưa bão khiến 274 hộ dân có nhà, công trình bị tốc mái; 4 nhà mái tôn bị sập; 19 công trình nhà ở hư hỏng và đổ gãy nhiều cột điện. Nhiều quận, huyện mất điện cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu, thoát nước của các trạm bơm, sản xuất và sinh hoạt của dân.

Ngay trong sáng 8.9, trên các tuyến phố, đông đảo lực lượng công an, quân đội, các đoàn thể và nhiều tổ chức chính trị – xã hội cùng người dân chung tay khắc phục hậu quả sau bão, dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Thống kê sơ bộ, đến sáng cùng ngày, khi bão Yagi đổ bộ vào địa bàn, lực lượng Cảnh sát PCCC – CNCH và công an các địa phương ở Hà Nội đã kịp thời điều động gần 300 lượt phương tiện, gần 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp các ban, ngành, người dân tổ chức cứu nạn, cứu hộ 172 vụ cây đổ, bật gốc, gãy cành, nhà tốc mái. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Sau đó, tất cả các đơn vị trong Công an thành phố tiếp tục phối hợp các lực lượng nhanh chóng giải phóng các tuyến đường bị cây đổ chắn lối, giúp người dân sửa chữa nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống.

Mặt khác, Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo các cơ sở giáo dục khẩn trương rà soát, khắc phục hậu quả để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học theo khung kế hoạch thời gian năm học do TP.Hà Nội ban hành. Yêu cầu các nhà trường rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nếu đủ điều kiện bảo đảm an toàn thì tổ chức dạy – học từ ngày 9.9.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3

Quảng Ninh tan hoang sau bão Yagi

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

Đối với trường học chưa đảm bảo đủ điều kiện học tập an toàn thì trước mắt chưa tổ chức dạy học, đồng thời có phương án báo cáo cấp có thẩm quyền khắc phục ngay những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Trong thời gian chưa dạy học, giáo viên đến trường để cùng các lực lượng chức năng tham gia thu dọn, tổng vệ sinh; đồng thời xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh.

Khó khăn cho thống kê thiệt hại

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, đến chiều 8.9 địa phương này vẫn chưa được cấp điện lưới trở lại, sóng điện thoại nhiều nơi không có dẫn tới việc thống kê thiệt hại của bão số 3 chưa thể chính xác.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3

Tàu du lịch bị bão đánh chìm

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

Qua thống kê sơ bộ, Quảng Ninh có 3 người chết, 157 người bị thương. Đặc biệt trong đó nhiều phương tiện là tàu, thuyền đang hoạt động trên địa bàn tỉnh bị trôi dạt. Ngay trong đêm, các lực lượng thường trực tại tỉnh đã gấp rút tổ chức tìm kiếm trên quy mô lớn, cứu được 46 người, công tác rà soát, tìm kiếm vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Về tài sản, sơ bộ tại các địa phương có 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh tại các đô thị của 4 địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên) bị gãy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 336 ha lúa bị đổ, ngập úng. Cùng với đó, nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng; hệ thống thông tin, liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối không liên lạc được; mất điện trên diện rộng, rất khó khăn trong chỉ đạo và nắm bắt thông tin.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Quảng Ninh, tính đến 19 giờ ngày 8.9, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 450.000 khách hàng bị mất điện do ảnh hưởng cơn bão số 3 (chiếm hơn 1/3 tổng số khách hàng của toàn bộ miền Bắc bị mất điện). Nguyên nhân chính là do các đường dây 500 kV, 220 kV, 110 kV và các đường dây trung áp đều phải ngừng vận hành. Ngay sau khi bão tan, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã kiểm tra các đường dây để cấp điện trở lại cho khách hàng.

Còn tại TP.Hải Phòng, ngày 8.9, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở ngành, địa phương về công tác khắc phục hậu quả bão số 3. Theo báo cáo nhanh từ các đơn vị, bão số 3 đã làm 2 người chết (tại H.Tiên Lãng và H.Thủy Nguyên); 40 người bị thương.

Nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn. Nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây. Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ.

Nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại. Diện tích lúa có khoảng 5.000 ha đang trổ bông bị hư hại, 1.750 ha rau màu và 1.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng, 400 ha hoa cây cảnh bị ảnh hưởng. Tình hình thiệt hại ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác, chi tiết.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng giao Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố chủ trì triển khai việc rà soát, tổng hợp thiệt hại thiên tai chính xác. UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo chung, khắc phục sự cố về viễn thông, giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường… để đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân; trong đó, tập trung chỉ đạo khắc phục sự cố viễn thông trong thời gian sớm nhất; điện lực phải đảm bảo hoạt động sản xuất bình thường, nhất là các khu, cụm công nghiệp, phải đảm bảo giao thông kết nối các quận huyện, đến ngày 9.9 phải đảm bảo giao thông thông suốt toàn thành phố.

Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng đã quyết định cho học sinh trên toàn địa bàn thành phố nghỉ học ngày 9.9 cho đến khi có thông báo mới.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi