VTV.vn – Người bệnh Đặng Thị Tư (31 tuổi, dân tộc Dao, trú tại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bị tai nạn vùi lấp do sạt lở đất trong mưa lũ.
Người bệnh bị vùi lấp do sạt lở đất đá trong mưa lũ, được được cấp cứu ban đầu tại Trung tâm Y tế Văn Yên (Yên Bái), có ngừng tim 5 phút, được cấp cứu hồi sinh tim phổi, được đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp nhân tạo và chuyển về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ theo điều phối của Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).
Tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ từ Yên Bái và điều phối của Trung tâm chỉ đạo tuyến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã cử kíp cấp cứu đón người bệnh ngay trong chiều tối ngày 10/9/2024.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bác sĩ của nhiều chuyên khoa có mặt tại Khoa Cấp cứu khám, thực hiện các biện pháp cấp cứu và hồi sức đồng thời làm các kiểm tra chuyên sâu về hình ảnh và hội chẩn người bệnh.
Ngoài ra, khi có kết quả chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng chuyên sâu và các xét nghiệm cần thiết, bệnh viện đã hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để đưa ra các biện pháp tối ưu điều trị cho người bệnh.
Sau khi có kết quả hội chẩn, xác định người bệnh bị chấn thương nặng do vùi lấp: xẹp phổi hai bên; chấn thương gãy xương cánh chậu hai bên, vỡ ổ cối hai bên, gãy ngành trên và dưới xương mu phải, trật khớp mu; tụ máu và khí vùng sàn chậu, tầng sinh môn đụng dập và nhiều vết thương phức tạp.
Ngay lập tức, người bệnh được chuyển phẫu thuật cấp cứu cố định tạm thời khớp mu băng chỉ thép, thắt động mạch chậu trong hai bên, làm hậu môn nhân tạo, thăm dò ổ bụng, xử lý vết thương phức tạp vùng tầng sinh môn. Sau 3 giờ phẫu thuật thuận lợi, người bệnh được chuyển Khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp tục điều trị hồi sức.
Theo TS.BS Hà Thị Bích Vân, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, tình trạng người bệnh hiện tại đã tạm ổn định, tỉnh dần, còn hỗ trợ thở máy, tình trạng sốc được cải thiện, giảm được liều các thuốc vận mạch, vết mổ ổn định, không cần truyền thêm máu và chế phẩm máu khác. Quá trình điều trị tiếp theo người bệnh sẽ được chụp khảo sát, đánh giá kĩ lại các tổn thương, xem xét cai máy thở, duy trì tình trạng huyết động, và các điều trị hỗ trợ. Khi người bệnh ổn định hoàn toàn sẽ thực hiện phẫu thuật khớp chậu và tầng sinh môn thì 2.