Thiệt hại do bão lũ được dự báo rất nặng nề về người và tài sản. Bên cạnh đó, hàng nghìn trường học chưa thể đón học sinh trở lại.
Ngày 10.9, theo thống kê Hà Nội có 118 trường không thể tổ chức dạy học, tăng gần gấp 3 lần so với ngày 9.9. Nguyên nhân là đường đến trường của học sinh (HS) tại nhiều nơi bị ngập lụt. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết sở luôn nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo tới các nhà trường là chú trọng triển khai phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được tổ chức dạy học trực tiếp. Đồng thời, cần chủ động, sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến, không để ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học.
Trường học ở Yên Bái (trái), TP.Thái Nguyên ngập sâu nên nhiều học sinh vẫn phải nghỉ học
ẢNH: THU NGUYỄN – PHƯƠNG THẢO
Nhiều trường học cũng chia sẻ đã sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến nếu tình hình ngập lụt diễn biến phức tạp, để không gián đoạn việc học tập của HS.
Là vùng trũng, thường xuyên đối phó với tình trạng ngập lụt, do ảnh hưởng của bão Yagi, ngày 10.9, H.Chương Mỹ có 7 trường học ở các cấp chưa thể đón HS trở lại trường. Trưởng phòng GD-ĐT huyện, ông Nguyễn Hữu Thìn, cho biết bảo đảm an toàn cho HS được toàn ngành xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các trường học bảo đảm điều kiện thì dạy học bình thường; các trường không đủ điều kiện thì cho HS nghỉ. Căn cứ tình hình thực tế gia đình HS (có máy móc, đường truyền), giáo viên (GV) dạy học trực tuyến. Nếu nhiều gia đình HS có hoàn cảnh khó khăn, các nhà trường sẽ có kế hoạch khắc phục dạy bù để bảo đảm kế hoạch năm học.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết trong tổng số 139 trường của quận, có 3 trường phải cho HS nghỉ học hoàn toàn; một số trường lác đác HS nghỉ học do đường từ nhà đến trường bị ngập sâu, không bảo đảm an toàn. Với những trường có một số HS nghỉ học, tạm thời vẫn dạy học trực tiếp bình thường, số còn lại có thể dạy học trực tuyến hoặc sắp xếp kế hoạch dạy bù. Những trường nghỉ học hoàn toàn xây dựng phương án sẵn sàng dạy học trực tuyến để không ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học.
Hải Phòng, Quảng Ninh: HS CHƯA THỂ TRỞ LẠI TRƯỜNG
Sau bão số 3, hơn 300 trường học trên địa bàn TP.Hải Phòng bị ảnh hưởng, thiệt hại. Để an toàn cho thầy trò, Sở GD-ĐT tiếp tục cho HS nghỉ học ngày 10.9 để các nhà trường khắc phục hậu quả. Ví dụ, Trường THPT Cát Hải, H.Cát Hải bị tốc 300 m tôn chống nắng khu nhà hiệu bộ; 15 m tường bao phía cổng trường bị đổ sập; mái tôn nhà để xe và 30 m tường bao phía sau cũng hư hỏng.
Phòng GD-ĐT Q.Đồ Sơn cũng cho biết 17 trường học trong quận đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3. Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, chia sẻ để đảm bảo an toàn cho HS trên đường tới trường, đồng thời có thêm thời gian cho các nhà trường dọn dẹp, tu sửa cơ sở vật chất, ngành giáo dục quyết định cho HS toàn thành phố nghỉ học tiếp ngày 10.9. Sau đó, phòng GD-ĐT các quận, huyện sẽ rà soát lại các trường học trên địa bàn, báo cáo UBND quận, huyện để chủ động quyết định việc đi học của HS trên địa bàn theo phân cấp…
Tại Quảng Ninh, theo thống kê của Sở GD-ĐT đến chiều 10.9, riêng các trường THPT trực thuộc sở bị tốc hơn 7.600 m2 mái, gần 400 phòng học bị vỡ kính, 110 phòng học bị sập trần, gần 500 cây xanh trong trường bị gãy đổ… Nhiều cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng do bão, như: THPT Cô Tô, Quan Lạn, Bãi Cháy…
Ông Trịnh Đình Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho biết công tác dọn dẹp trường học đang được các trường thực hiện. Trong ngày 10.9, có một số trường cho HS trở lại trường, nhưng nhiều trường vẫn phải cho HS nghỉ học.
LŨ CHƯA QUA,THIỆT HẠI KHÓ ĐONG ĐẾM
Với những địa phương ngập lụt do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, đến chiều 10.9 vẫn có hàng nghìn trường học phải đóng cửa, chưa thể thống kê được thiệt hại do nước chưa rút. Với các địa phương này, tạm thời cũng chưa tính phương án dạy học trực tuyến do điều kiện về điện lưới, đường truyền không đảm bảo.
Tại Lào Cai, Sở GD-ĐT cho biết đến ngày 10.8, trừ một số trường ở thành phố, gần 580 trường còn lại trong tỉnh đều đóng cửa để phòng, tránh bão lũ. Nhiều trường học chịu ảnh hưởng khá nặng nề do sạt lở, đất đá vùi lấp, nước lũ dâng gây ngập úng. Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, thông tin tại H.Bát Xát có 7 trường bị ảnh hưởng, trong đó Trường PTDTBT tiểu học và THCS Ngải Thầu có 1 HS lớp 5 bị đất sạt lở vùi lấp; một số điểm trường có nguy cơ sạt lở đã di chuyển GV và HS đến nơi an toàn. “Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai đã đề nghị các đơn vị thuộc sở bố trí lực lượng tại cơ sở giáo dục trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống do diễn biến của bão lũ gây ra”, bà Nguyệt nói.
Tại Yên Bái, có 440 trường phải cho HS nghỉ học ngày 10.9 và nước vẫn dâng cao, nguy cơ sạt lở ở địa phương này cũng được cảnh báo ở mức cao. Sở GD-ĐT cho biết có đến khoảng chục trường ở TP.Yên Bái và H.Lục Yên vẫn đang bị ngập sâu. Một số trường bị thủng mái tôn, nứt trần, sạt taluy, lũ tràn vào tận phòng học phá hủy mọi thứ… Vì lũ chưa rút nên chưa thể đánh giá mức độ thiệt hại nhưng chắc chắn nhiều nơi bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Ngay tại TP.Thái Nguyên hiện vẫn đang ngập lụt, người dân phải sơ tán nên HS của 32 trường phải nghỉ học; cán bộ, GV vẫn phải lội nước, chèo thuyền vào trường sơ tán đồ dùng thiết yếu.
Tại Phú Thọ, dù là địa phương ngập lụt không nhiều nhưng vụ sập cầu Phong Châu khiến 419 HS ở H.Tam Nông và Lâm Thao không thể đến trường. Ngày 10.9, Sở GD-ĐT Phú Thọ đã phải chỉ đạo cụ thể về việc các trường học trên địa bàn bố trí để các HS học tạm trong thời gian chờ khắc phục sự cố lớn này. Sau khi có cầu tạm thay thế cầu Phong Châu và thông xe cầu Trung Hà, Tứ Mỹ, các cơ sở giáo dục bàn giao HS và kết quả học tập, rèn luyện của HS học tạm về trường cũ.
Bắc Giang cũng là địa phương có nhiều trường học đang bị ảnh hưởng nặng nề. Bà Trần Thị Minh Sử, Trưởng phòng GD-ĐT H.Lục Ngạn, một trong những địa bàn bị chia cắt vì lũ, cho biết có 21 trường học bị ngập lụt, thiệt hại ước tính khoảng 4 tỉ đồng. Tương tự, tại H.Lục Nam, Phòng GD-ĐT cho hay tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 5,8 tỉ đồng. Đến ngày 10.9, gần 20 trường học vẫn phải tiếp tục cho HS nghỉ học do mất điện hoặc ngập lụt, đường đến trường của HS bị chia cắt…
Tại Lạng Sơn, gần 400 trường phải cho HS nghỉ học những ngày qua, chỉ 4 trường có thể triển khai học trực tuyến. Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT tỉnh này, ngày 11.9, những đơn vị trường học, điểm trường còn bị ngập úng, chưa sửa chữa khắc phục thiệt hại xong, dễ gây mất an toàn trường học; những trường học, điểm trường HS phải qua sông, suối nước to chảy xiết nguy hiểm, đèo dốc sạt lở, cần tiếp tục thông báo cho HS nghỉ học.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo không dạy học nếu chưa an toàn
Trong 2 ngày qua, Bộ GD-ĐT đã có liên tiếp 2 văn bản chỉ đạo về việc khắc phục hậu quả bão lũ tại cơ sở giáo dục, đảm bảo an toàn cho GV và HS. Kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ HS, gia đình chính sách, HS có hoàn cảnh khó khăn, HS bị thiệt hại do mưa, bão sớm ổn định học tập; thực hiện các giải pháp để việc dạy học ở các nhà trường an toàn, hiệu quả.
Các địa phương lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của GV và HS. Di dời HS, GV, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại nặng hoặc chưa an toàn. Đặc biệt, kiểm tra các điểm trường, các cơ sở giáo dục gần sông suối, gần khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để cảnh báo hoặc ngừng cho HS đến trường nếu mất an toàn.
Đối với các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành SGK, Bộ GD-ĐT đề nghị chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình sách giáo khoa bị hư hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để khẩn trương in ấn bổ sung và cung ứng, hỗ trợ kịp thời cho GV, HS tổ chức dạy học, ưu tiên cho HS các lớp đầu cấp và cuối cấp; không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung sách giáo khoa.
Nguồn: thanhnien.vn