Friday, September 13, 2024

Mô hình giúp thoát nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn

Với 5/5 thôn đặc biệt khó khăn, nhiều năm qua người dân xã Đăk Pxi (H.Đăk Hà, Kon Tum) chủ yếu canh tác lúa, ngô, khoai, sắn nên thu nhập còn thấp. Tuy nhiên kể từ khi rẽ hướng sang trồng dâu nuôi tằm, kinh tế của nhiều hộ gia đình đã thay đổi rõ rệt.

Năm 2021, khi vườn cà phê già cỗi cho năng suất thấp, kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Thắm (40 tuổi, thôn Kon Pao Kơ La, xã Đăk Pxi) bị ảnh hưởng. Trong một lần sang Lâm Đồng chơi, chị Thắm biết đến mô hình trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao. Nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng ở xã Đăk Pxi rất phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây dâu, chị Thắm liền bàn bạc với chồng xen canh cây dâu trong vườn cà phê.
Mô hình giúp thoát nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn

Nhiều hộ gia đình tại xã Đăk Pxi đã triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm để thoát nghèo

ẢNH: THIÊN ÂN

Sau 5 tháng, cây dâu đã vươn cao, ra lá xanh tốt, chị Thắm mua 1 hộp tằm giống về nuôi thử. Qua nửa tháng chăm sóc, hộp tằm đầu tiên chị thu được hơn 50 kg kén, bán với giá 200.000 đồng/kg, gia đình chị thu về 10 triệu đồng.

Năm 2022, vợ chồng chị quyết định chuyển đổi toàn bộ 1 ha cà phê sang trồng dâu. Mỗi tháng, gia đình chị nhập 1 – 2 hộp tằm giống về nuôi. Nuôi tằm bình quân 15 ngày cho thu hoạch một lần, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ thu 60 – 70 kg kén/hộp giống. Với giá bán 200.000 đồng/kg kén, trừ chi phí, gia đình chị thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Nhận thấy nhiều gia đình thoát nghèo nhờ dâu tằm, bà Huỳnh Thị Tâm (56 tuổi, thôn Đăk Rơ Wang) cũng triển khai thực hiện mô hình. Tháng 6.2023, bà thuê 9 sào đất trồng dâu và sắm dụng cụ, thiết bị nuôi tằm. Khi cây dâu đã phát triển mạnh, bình quân mỗi tháng bà Tâm nuôi 1 hộp tằm, sau 15 ngày sẽ cho thu khoảng 70 kg kén. Với giá 200.000 đồng/kg kén tằm, bà Tâm thu về khoảng 14 triệu đồng. Trong 8 tháng đầu năm, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã đem về cho bà Tâm tổng thu nhập khoảng 120 triệu đồng.

Bà Tâm chia sẻ kỹ thuật nuôi tằm không quá khó. Yêu cầu duy nhất là lá dâu cho tằm ăn phải sạch, cho tằm ăn đúng giờ, 4 bữa/ngày đều đặn mới cho hiệu quả kinh tế cao. Cho tằm ăn càng nhiều lá dâu thì năng suất kén thu được càng cao. Ngoài ra, khu vực nuôi cần phải thông thoáng, đảm bảo vệ sinh để hạn chế mầm bệnh cho tằm.

“So với trồng lúa, ngô, khoai, sắn, mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần. Hiện nay giá kén rất cao, các doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu sản phẩm nên không lo về đầu ra. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích vườn dâu và xây nhà xưởng nuôi tằm để tăng nguồn thu nhập”, bà Tâm cho biết thêm.

Ông Hà Đức Mỷ, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, cho biết hiện xã đã có 6 hộ đầu tư trồng dâu nuôi tằm với diện tích 6,5 ha. Hiệu quả kinh tế bước đầu được đánh giá cao gấp 2 – 3 lần so với các loại cây hoa màu truyền thống, giúp nông dân có cuộc sống khấm khá hơn.

Còn ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND H.Đăk Hà, cho biết UBND huyện cũng đã làm việc và ký hợp đồng nguyên tắc với doanh nghiệp để cung ứng kỹ thuật giống, tổ chức tập huấn cho người dân, thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất tại các địa phương.

“Việc bà con tham gia trồng dâu nuôi tằm hứa hẹn sẽ nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh. Hiện nay thu nhập, lợi nhuận của 1 ha dâu cao gấp 3 – 5 lần các loại cây trồng khác, kể cả cây cà phê”, ông Tiến khẳng định.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi